1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chánh án Tối cao ủng hộ không phục hồi bằng cử nhân luật cho thẩm phán dùng bằng giả

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng 23/10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, ông hoàn toàn ủng hộ Trường ĐH Luật Hà Nội trong việc không phục hồi bằng cử nhân luật đã thu hồi trước đó của bà Nguyễn Thị Nga - nguyên Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên vì sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả.

Năm 2017, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi văn bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đã cấp cho bà Nguyễn Thị Nga - sinh ngày 19/7/1976, Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên vì phát hiện bà này sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.

Sau đó, từ đề nghị của TAND Tối cao, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 2296/QĐ-CTN ngày 9/11/2017 cách chức thẩm phán sơ cấp đối với bà Nguyễn Thị Nga do sử dụng bằng phổ thông trung học không hợp pháp.

Tuy nhiên, bà Nga đã tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Thái Nguyên và được cấp bằng tốt nghiệp ngày 10/9/2018 (?!).

 

Chánh án Tối cao ủng hộ không phục hồi bằng cử nhân luật cho thẩm phán dùng bằng giả - Ảnh 1.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, sau này bà Nguyễn Thị Nga bằng cách nào đó có bằng ĐH Luật thì cũng không thể trở thành thẩm phán được nữa (Ảnh: Việt Hưng).

 

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Nga đã có đơn gửi tòa án đề nghị công nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Luật Hà Nội. Tuy nhiên đây không phải thẩm quyền của tòa án nên cơ quan này đã có văn bản chuyển đơn tới Trường ĐH Luật Hà Nội để có trả lời chính xác nhất.

“Tôi ủng hộ Trường ĐH Luật Hà Nội trong việc không phục hồi bằng cử nhân luật đã thu hồi trước đó của bà Nguyễn Thị Nga. Một trong những phẩm chất căn bản nhất của thẩm phán là trung thực. Trước đó, TAND Tối cao đã đề nghị và Chủ tịch nước đã đồng ý cách chức thẩm phán rồi. Dẫu sau này bà Nga bằng cách nào đó có bằng ĐH Luật thì cũng không thể trở thành thẩm phán được nữa”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Ông Bình nhấn mạnh, văn bản của TAND tỉnh Thái Nguyên, TAND Tối cao gửi tới Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ là hoạt động chuyển đơn đề nghị giải quyết bình thường, không có dấu hiệu nào thiếu minh bạch.

Như Dân trí phản ánh trước đó, ông Trần Quang Huy- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội vừa ký văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao, TAND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, đề nghị phục hồi văn bằng tốt nghiệp ĐH Luật hệ chính quy của bà Nguyễn Thị Nga không thể thực hiện được.

Theo văn bản trên, bà Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 19/7/1976 tại Thái Nguyên đã dự thi tuyển sinh và trúng tuyển vào khóa 19 hệ Đại học chính quy của Trường ĐH Luật Hà Nội.

Ngày 2/4/1999 bà Nga được Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cấp bằng Cử nhân Luật, loại hình đào tạo chính quy, ngành Tư pháp, hạng tốt nghiệp Trung bình, số hiệu bằng B36704, số vào sổ 203K19.

 

Chánh án Tối cao ủng hộ không phục hồi bằng cử nhân luật cho thẩm phán dùng bằng giả - Ảnh 2.

Bằng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội của bà Nguyễn Thị Nga - Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã bị thu hồi (Ảnh: Thế Kha).

 

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên xác định, bà Nguyễn Thị Nga “hỏng thi” tại kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 tại Hội đồng thi trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ (nay là tỉnh Thái Nguyên).

Kỳ thi tốt nghiệp PTTH diễn ra ngày 3/6/1994, thí sinh Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ) đạt 6 điểm môn Văn, 2 điểm môn Hoá học, 4 điểm môn Toán học và 5,5 điểm môn Nga văn. Tổng điểm thi của thí sinh Nguyễn Thị Nga là 17,5 điểm. “Với kết quả thi như vậy, thí sinh Nga không thể được cấp Bằng tốt nghiệp PTTH”- Sở này nhấn mạnh.

Từ cơ sở đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã ra quyết định thu hồi văn bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đã cấp cho bà Nga.

Ông Trần Quang Huy khẳng định, việc bà Nguyễn Thị Nga thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 để hợp thức hóa một sự việc xảy ra 24 năm trước sẽ không thể được chấp nhận.

“Trường ĐH Luật Hà Nội đã từng đi kiểm tra rất nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông giả, bây giờ họ lại đi học để có bằng phổ thông, rồi đề nghị chúng tôi phải phục hồi lại cái bằng đã bị chúng tôi hủy trước đây thì sẽ trở thành tiền lệ rất nguy hiểm. Quan điểm của chúng tôi làm kiên quyết và làm đúng”- ông Huy nhấn mạnh.

Thế Kha