Chánh án Tòa tối cao được khen vì làm luật không phải vì lợi ích của ngành

(Dân trí) - Nhận xét về dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được trình xin ý kiến ngày 14/9, các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội dành nhiều lời khen ngợi với những nỗ lực, tâm huyết của Chánh án TAND tối cao khi với những nội dung đề ra, luật không mang lại lợi ích cho toà án, các cấp toà thậm chí vất vả hơn nhưng lợi ích lớn cho cái chung.

Trình dự luật, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định trong dự thảo Luật là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành.

Chánh án Tòa tối cao được khen vì làm luật không phải vì lợi ích của ngành - 1
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định dự án Luật mang tính xã hội nhân văn rất cao. Bởi đây là kênh mới, kênh này xuất phát từ khi tòa án nhận được đơn khởi kiện hay đơn yêu cầu nên mới gọi là hòa giải đối thoại tại tòa án.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dành lời khen việc dự án luật đã được chuẩn bị rất tốt. Theo bà Nga, TAND tối cao, đặc biệt là Chánh án Nguyễn Hòa Bình rất tâm huyết với cơ chế này.

“Luật này không mang lại cái lợi ích gì cho tòa đâu mà mang lại lợi ích cho cái chung. Tòa sẽ vất vả hơn nhiều. Hiếm luật nào mà Chánh án toà tối cao sát sao đến thế, tổ chức thí điểm, tổng kết thí điểm, mời cả chuyên gia nước ngoài cũng tham gia trong quá trình thí điểm, xây dựng luật như lần này” -  bà Nga nói và một lần nữa  nêu quan điểm ủng hộ tư tưởng mới, nỗ lực đổi mới của tòa.

Khiêm tốn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình, giải thích, hoà giải tại toà là cơ chế được rất nhiều nước áp dụng, Việt Nam cũng chỉ học lại.

“Về bản chất, đây là hòa giải ngoài tố tụng, trước khi tòa án thụ lý. Vì sao là “tại tòa án”, vì có sự tham gia của tòa án trong quá trình hòa giải này. Vai trò của tòa là gì? Tòa làm 2 việc: thứ nhất là điều hành, quản lý việc hòa giải (phân công thẩm phán, phân công hòa giải viên phụ trách vụ việc); thứ hai là công nhận kết quả, vì nó có giá trị pháp lý như một bản án. Khác với hòa giải ở cơ sở không có hiệu lực thi hành bắt buộc, hòa giải này có hiệu lực thi hành bắt buộc” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ.

Ông Bình nêu dẫn chứng phân tích, trường hợp 2 anh em tranh chấp đất đai, đã chấp nhận hòa giải, mỗi bên nhận 5 mét đất, thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào kết quả hòa giải đã được công nhận đó để cấp sổ đỏ.

Tòa có thực tâm mong có cơ chế hòa giải?

Chánh án Tòa tối cao được khen vì làm luật không phải vì lợi ích của ngành - 2
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao dự án luật ở quan điểm đổi mới, cởi mở.

Cho rằng dự án luật là rất cần thiết, được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng nhấn mạnh sự phi lý khi một nước nổi tiếng thích kiện tụng như Mỹ có tỷ lệ hòa giải tại tòa rất cao (trên 90%), trong khi nước nổi tiếng ưa chuộng hòa bình như Việt Nam lại có tỷ lệ hòa giải rất thấp.

Đánh giá cao nỗ lực của tòa án trong việc đưa ra một dự luật không có “lợi” gì cho mình, ông Ngọc cũng đặt ngược vấn đề là cơ chế này muốn thành công cần có sự chân thành của tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, dù rất cách tân, cũng mới chỉ là một người, trong khi tòa án là một hệ thống.

“Rất khó hiệu quả nếu không có sự thực tâm của tòa án. Đưa ra một quy trình lấy đi công việc của tòa thì các thẩm phán có thực sự mong muốn không? Nếu không thì rất khó thành công”, ông Ngọc nói.

Ngoài điều kiện trên, ông Ngọc cho rằng 2 yếu tố rất cần thiết khác là việc áp dụng phải thống nhất, để các bên tham gia nhìn vào các tiền lệ và thấy rằng mình có đi “kịch đường tàu” cũng chỉ thế thôi, hòa giải là tốt hơn; và các bên tham gia phải rất chuyên nghiệp, đặc biệt là hòa giải viên.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Mỹ xem hòa giải tại tòa là “một cuộc cách mạng về thực thi công lý”, thậm chí còn có bang dùng trực thăng rải truyền đơn khuyến khích nhân dân tham gia chế định này. Trong dự án luật này, phía Mỹ cũng cử 1 nhà khoa học và 2 thẩm phán tham gia, và họ cũng đánh giá rất cao dự thảo của Việt Nam. Nếu thực thi được trong cuộc sống thì người dân sẽ là người có lợi đầu tiên.

P.Thảo