Nghệ An:

Cha mẹ thắt lòng ngóng tin con trai, con dâu cùng mắc kẹt trong hầm

(Dân trí) - 3 ngày qua, gia đình ông bà Diệm như ngồi trên đống lửa. Con trai, con dâu và đứa cháu họ của ông bà đang kẹt trong hầm thủy điện ở Lâm Đồng. Từ quê nhà, cả dòng họ đang chờ đợi phép màu thông qua đứa cháu vừa vào Lâm Đồng hôm qua.



"Chắc chúng lạnh và sợ lắm!"

Mấy hôm nay, ông Phạm Văn Diệm (trú xóm 10, xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An) luôn kè kè chiếc điện thoại trên tay. Hễ nghe tiếng chuông đổ, ông lập tức bắt máy “tình hình răng rồi cháu?”. Từ hôm cái tin sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) vùi 12 người, trong đó có con trai Phạm Viết Nam, con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc và cháu trai Phạm Viết Lành bay về đến quê nhà cũng là khi cả gia đình ông Diệm thấp thỏm không yên.

“Chiều tối ngày 16/12, bạn thằng Nam gọi điện thông báo về vụ sập hầm vùi 12 người, trong đó có con Ngọc, thằng Nam, thằng Lành, tôi còn không dám tin. Gọi điện cho thằng Bắc (chồng Ngọc), gọi mãi nó mới nghe máy. Nó bảo, sập hầm cha ơi, anh Nam, vợ con và cháu Lành kẹt trong hầm rồi. Tôi nghe thấy giọng nó cũng run lắm. Nghe nó nói rứa, trống ngực tui đập thình thịch, không biết nói răng với con nữa. Cuối cùng, nó lại phải động viên cha mẹ. Nó bảo cha đừng lo, lực lượng cứu hộ đang tích cực cứu mọi người”, ông Diệm kể. Nghe tin anh Nam gặp nạn, con trai anh là Phạm Viết Dũng (SN 1996) lập tức bắt xe vào Lâm Đồng. 

Cha mẹ thắt lòng ngóng tin con trai, con dâu cùng mắc kẹt trong hầm sập
Mấy ngày nay, vật bất li thân của ông Diệm là chiếc điện thoại để nghe thông báo về tình hình của con trai, con dâu và cháu họ đang mắc kẹt trong hầm thủy điện ở Lâm Đồng.

Hai ông bà có 7 đứa con. Phạm Viết Nam theo các dự án thủy điện nên đi khắp nơi. Cách đây ít lâu, Nam đưa em trai là Bắc vào Lâm Đồng làm việc tại công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo. Khi công việc ổn định, anh Bắc đưa vợ vào cùng. “Hai vợ chồng nó khó khăn lắm. Khi quyết định vào Lâm Đồng, vợ chồng thằng Bắc gửi cháu An (5 tuổi) cho vợ chồng tôi trông nom giúp. Tội nó lắm, chúng tôi có dám cho cháu An biết bố mẹ đang gặp nạn đâu”, bà Hoàng Thị Bình (vợ ông Diệm) sụt sùi.

Trong số 12 người bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo có 4 người Nghệ An, gồm anh Phạm Viết Nam (SN 1976), chị Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, em chồng anh Nam); anh Phạm Viết Lành (SN 1994, em họ anh Nam) đều trú huyện Thanh Chương. Ngoài ra còn có anh Phạm Văn Quang (SN 1992) hiện chưa xác định được quê quán cụ thể.

Mấy hôm nay, ngày nào ông bà cũng chong mắt lên ti vi, nghe người ta thông tin về việc cứu nạn 12 công nhân. Mỗi lần nghe tin 12 công nhân còn sống, được tiếp thức ăn, nước uống, niềm hi vọng lại được nhen nhóm lên trong lòng cha mẹ già. Vật bất ly thân lúc này của ông Diệm là chiếc điện thoại di động. Cứ vài chục phút, Bắc hoặc Dũng thay nhau gọi điện về nhà thông báo tình hình. Thông tin cũng không mới hơn nhưng nghe tiếng con từ trong đó, ông bà Diệm cũng vững tâm hơn.

Nước mắt lo lắng của người mẹ khi con trai, con dâu vẫn đang kẹt trong đường hầm thủy điện.

Nước mắt lo lắng của người mẹ khi con trai, con dâu vẫn đang kẹt trong đường hầm thủy điện.

Khuôn mặt vẫn hằn lên sự lo lắng, thấp thỏm, bà Bình cho biết, mấy hôm nay hai ông bà không chợp mắt được tý nào. Suốt mấy ngày qua, ngoài những cú điện thoại của con, cháu ở Lâm Đồng, niềm an ủi của ông bà Diệm là họ hàng, làng xóm thường xuyên qua lại động viên, giúp ông bà vững tâm hơn.

“Mỗi ngày trôi qua hai vợ chồng tôi lại thêm thắt ruột vì thương các con. Ở dưới đó chắc chúng nó lạnh và sợ lắm. Đêm nào hai vợ chồng già cũng thắp hương mong tổ tiên phù hộ cho các con các cháu. Giờ, chúng tôi chỉ mong lực lượng cứu hộ sớm đưa được mọi người ra khỏi hầm. Cầu mong không ai bị việc gì”, bà Bình rơm rớm nước mắt.

Chồng ở ngoài thắt lòng lo vợ mắc kẹt ở trong

Vợ chồng ông Diệm từ ngày nhận tin dữ, ở quê nhà như đứng ngồi không yên.
Vợ chồng ông Diệm từ ngày nhận tin dữ, ở quê nhà như đứng ngồi không yên.

“Thằng Nam nhà tui nó đi làm thuỷ điện khắp nước ni. Từ thủy điện Yaly rồi về miền Tây xứ Nghệ, làm một số thuỷ điện tại quê hương. Cách đây mấy tháng thằng Nam nó lại đưa em trai cùng đi vào làm thủy điện ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì nay nó gặp nạn đang mắc kẹt trong đường hầm, không biết ra sao rồi”, ông Diệm nói.

Ông Diệm buồn bã nói: “Vụ sập hầm làm vợ thằng Bắc, chị Ngọc và thằng Nam nhà tui đang mắc kẹt trong đó. Thằng Bắc thì ở ngoài nó như ngồi trên đống lửa không biết vợ nó trong thế nào nữa”. Nói đoạn ông Diệm cố giấu những giọt nước mắt.

Ông nói tiếp: “Sáng nay (19/12) thằng con tôi nó mới điện thoại về bảo: Hiện vẫn chưa tiếp cận chỗ sập hầm, chỉ nghe nói họ mới tiếp được ăn, uống và nhìn thấy một ít ánh sáng. Còn để tiếp cận chỗ các nạn nhân đang mắc kẹt đưa ra thì chưa rõ thế nào. Gia đình tôi nóng ruột lắm các chú ơi”.

Cũng theo ông Diệm, từ ngày xảy ra sự cố, con trai đầu của anh Nam là Dũng (18 tuổi) đã vào ngay Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc, theo dõi tin tức của cha và thím. Mọi diễn biến của việc cứu hộ, cứu nạn đều được đứa cháu thông báo về cho gia đình, ông bà.


Ở quê nhà Hà Tĩnh, những gia đình có chồng, con đang mắc kẹt trong hầm, mấy ngày nay cũng đứng ngồi không yên. Gần 4 ngày kể từ khi xảy ra vụ tai nạn sập hầm, gia đình ông Nguyễn Văn Tý (SN 1959) và vợ Nguyễn Thị Lịch (SN 1964) trú tại thôn Sơn Thịnh 2, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, bố mẹ công nhân Nguyễn Văn Quang (SN 1996) gần như không ăn không ngủ, dõi theo từng dòng tin từ Lâm Đồng.

Suốt 4 ngày qua cả nhà ông Tý tập trung vào chiếc tivi để cập nhập tin tức về con trai
Suốt 4 ngày qua cả nhà ông Tý tập trung vào chiếc tivi để cập nhập tin tức về con trai

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Tý cho biết: “Vào khoảng 18h ngày 16/12, khi tôi vừa ngoài đồng về thì thấy điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia thông báo cháu Quang bị tai nạn đang vùi lấp trong hầm, tim tôi như chết lặng. Vợ tui nghe được cũng òa khóc. Suốt những ngày qua cả 2 vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ, trong lòng như lửa đốt, không ai dám rời xa chiếc ti vi, chỉ mong nhận tin vui của con”.

Với gia đình ông Tý, 4 ngày qua là 4 ngày dài nhất trong cuộc đời, hết ngóng chờ tin tức từ chiếc ti vi, ông lại quay sang chiếc điện thoại, rồi chạy sang nhà hàng xóm nhờ kết nối mạng Internet để cập nhập tình hình.

Người cô khóc nghẹn khi nhắc đến đứa cháu đang mắc kẹt trong hầm
Người cô khóc nghẹn khi nhắc đến đứa cháu đang mắc kẹt trong hầm

“Giờ ở xa chỉ biết nhờ vào chiếc ti vi và báo chí để biết được tin con chứ không biết làm sao. Có những lúc hàng xóm chạy sang báo tin mũi khoan mắc kẹt, hay công tác đào hầm chữ A không thể triển khai...vợ chồng chết lặng, mong rằng công tác cứu hộ được nhanh chóng để con tôi và 11 người đồng nghiệp của nó được bình an”.

Nói về đứa cháu của mình, bà Nguyễn Thị Ngợi (SN 1950, là cô ruột nạn nhân Quang) nói: “Nó đứa học ít nhưng được cái chăm chỉ làm ăn, nó mới vào Lâm Đồng làm đầu tháng 8, thế mà giờ không biết tính mạng nó thế nào. Cầu mong cho cháu tôi và 11 người đồng nghiệp của nó tai qua nạn khỏi...”.

Gia đình nạn nhân Quang đang rất lo lắng cho số phận đứa con trai mình
Gia đình nạn nhân Quang đang rất lo lắng cho số phận đứa con trai mình

Được biết Quang là con trai út trong gia đình có 4 anh em, anh trai đầu là Nguyễn Văn Quân, đang cùng làm việc với Quang tại Công trình thuỷ điện Đa Dâng – Đa Chomo. Người anh trai đang ngày đêm túc trực tại cửa hầm để truyền nước và tiếp tế cho em trai; đồng thời thông tin trấn an gia đình ở quê.

Trao đổi nhanh với PV Dân trí ông Phan Văn Nhân, Chủ tịch xã Tiến Lộc nói: “Khi nắm bắt tình hình về vụ việc sập hầm thủy điện thấy có một người là công dân của xã, chính quyền, mặt trận đã tới nhà của Quang để động viên tinh thần, hỗ trợ một món quà nhỏ để gia đình an tâm”.

Hoàng Lam - Nguyễn Duy - Anh Tấn - Xuân Sinh