Vạch trần thủ đoạn lừa đảo của “cậu Thủy” cùng đồng bọn:

“Cậu Thủy” và trò lừa đảo mồ mả, hài cốt tinh vi

(Dân trí) - Tự cho mình là “nhà tâm linh” và có khả năng “ngoại cảm”, tìm kiếm mồ mả, Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”) đã lôi kéo thêm vợ mình, cùng một số đối tượng khác tham gia vào hành vi lừa đảo, kiếm tiền trên xương cốt của những người đã khuất.

Sau gần 2 năm thu thập chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự “Nguyễn Văn Thúy cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; xâm phạm mồ mả, hài cốt và trộm cắp tài sản”.

Đây là vụ án gây nhiều bức xúc, phẫn uất trong dư luận suốt một thời gian dài, gây nên biết bao đau thương cho thân nhân các gia đình liệt sĩ – những người đã không tiếc máu xương, anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, bộ mặt thật của “nhà ngoại cảm” rởm cùng đồng bọn đã được phơi bày.

Khi đến nhờ Thúy tìm mộ, thân nhân các liệt sĩ phải đặt lễ từ 10 – 15 triệu đồng. Còn khi thực hiện cất bốc xong, với mỗi ngôi mộ tìm được, người thân phải đặt thêm khoảng từ 100 triệu đồng, gọi là lễ tạ.

Theo kết luận điều tra, sau khi chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương, do không có việc làm ổn định nên năm 2008, Nguyễn Văn Thúy (Nguyễn Thanh Thúy hay “cậu Thủy”) và Mẫn Thị Duyên (vợ Thủy) lợi dụng lĩnh vực tâm linh, lừa tìm kiếm mồ mả, hài cốt cho những ai có nhu cầu với mục đích kiếm tiền.

Trộm hài cốt liệt sĩ chưa biết tên tại các nghĩa trang

Để phục vụ việc chiếm đoạt tiền được thuận lợi, Thúy và Duyên đã lần lượt lôi kéo, tổ chức cho Nguyễn Văn Hoành (em ruột Thúy), Nguyễn Anh Chiều (con rể Duyên), Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên) và Nguyễn Trường Sơn (con rể Duyên) cùng tham gia thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp, làm giả nơi chôn cất hài cốt.

Đến tháng 8/2011, Chiều ly hôn vợ và nghỉ lái xe nên Thúy, Duyên tiếp tục tổ chức cho Hoành, Phương, Sơn thực hiện việc lấy trộm hài cốt chưa biết tên tại các nghĩa trang liệt sĩ.

Khi thực hiện hành vi trên, ban ngày Thúy và Duyên đưa cả bọn đến các nghĩa trang thắp hương, giả vờ là khách viếng nghĩa trang để quan sát, tìm chọn khu vực mộ và hướng dẫn cho Hoành, Phương, Sơn vào đó lấy trộm hài cốt. Trước khi đi, Thúy luôn đem theo 2 tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của 2 người anh trai là liệt sĩ để ngụy trang và phòng khi bị phát hiện.

Đêm đến, bọn chúng mang theo dụng cụ gồm: một đoạn sắt dài khoảng 80 cm, đèn pin tiểu, một số tấm vải, chổi rơm cùng các bao ni-lon màu đen đưa vào nghĩa trang thực hiện việc trộm hài cốt, bằng cách dùng thanh sắt lật từng phần mộ liệt sĩ rồi bốc trộm hài cốt, lấy xương để vào bao ni-lon rồi đậy nắp lại như cũ.

Theo tài liệu từ Cơ quan điều tra, để phục vụ hành vi làm giả hài cốt, nơi chôn cất liệt sĩ, Thúy, Duyên và đồng bọn đã tìm đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ Tuyên Hóa (Quảng Bình); Hương Điền (Thừa Thiên - Huế); Gio Linh, Hải Lăng (Quảng Trị) đào lấy trộm tổng cộng khoảng 60 bộ hài cốt liệt sĩ.

“Cậu Thủy” và trò lừa đảo mồ mả, hài cốt tinh vi
Đến đợt quy tập mộ lần thứ 4, được tổ chức vào 7/2013, tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị thì hành vi lừa bịp của Nguyễn Thanh Thúy và đồng bọn mới bị lật tẩy

Sau khi có hài cốt liệt sĩ, Duyên đưa về tại nơi nghỉ và trực tiếp cùng Sơn kiểm tra, chia hài cốt thành các nhóm xương (xương sọ, ống chân, tay…) rồi bỏ vào các túi bóng khác nhau. Cùng với việc làm giả hài cốt, Thúy và Duyên tìm mua các đồ dùng cũ như: bi đông, ăng gô, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo bộ đội…đưa về cùng với Phương khắc tên liệt sĩ lên các bi đông, ăng gô làm giả di vật liệt sĩ.

Nhiệm vụ tiếp theo được “cậu Thủy” và Duyên giao cho Hoành, Sơn, Phương dùng xe máy đi làm giả hiện trường trong đêm. Việc đào bao nhiêu hố, kích thước lớn bé, vị trí đầu chân, di vật có tên liệt sĩ đặt vào hố nào đều do Duyên chỉ đạo và hướng dẫn và vẽ lại sơ đồ giao cho Phương, Hoành, Sơn thực hiện.

Khi đào hố, Hoành và đồng bọn dùng tấm vải đặt bên cạnh và lấy đất trong hố đào bỏ vào đó không cho đất rơi ra ngoài tránh gây xáo trộn hiện trường, sử dụng môi múc canh để múc đất tạo thành hình sọ người, sống lưng và rải một ít mỏng đất đen mang theo xuống dưới hố, sắp xếp hài cốt xuống hố theo hình người. Tiếp theo chúng đặt các di vật xuống và vãi một lớp đất đen lên hài cốt, di vật để đất gắn kết chặt lại và dùng chân nện cứng ngụy trang bề mặt.

Cất bốc mộ giả, chiếm đoạt hơn trăm triệu đồng

Trước khi bắt tay vào thực hiện hành vi trên, Thúy và Duyên dùng thủ đoạn mua tiểu sành cũ và giao cho Hoành đem chôn làm giả nơi có mồ mả, hài cốt. Sau đó, Thúy và Duyên đứng ra “tìm kiếm” bằng cách sử dụng phương thức “quy vong”, “nhập vong”, để người bị nhập vong đi theo hướng Thúy đã xác định, còn Duyên đi sau lưng người bị nhập vong để “dẫn vong, dỗ vong”, hỗ trợ cho Thúy “điều khiển vong” đến được khu vực hiện trường đã chuẩn bị sẵn, rồi đợi đến thời điểm chiều tối hoặc đêm khuya mới tiến hành cất bốc để tránh bị phát hiện làm giả.

Việc khai quật, cất bốc thường được tổ chức vào ban đêm để tránh bị phát hiện
Việc khai quật, cất bốc thường được tổ chức vào ban đêm để tránh bị phát hiện

Lừa được một số người, “danh tiếng” của Nguyễn Thanh Thúy có “khả năng” tìm mộ theo tin đồn càng lan xa. Đến năm 2010, có nhiều người đến đặt vấn đề nhờ Thúy tìm kiếm hài cốt của người thân là liệt sĩ, hy sinh tại các tỉnh phía Nam, nên từ đó Thúy và Duyên nhận thêm việc “tìm kiếm” hài cốt liệt sĩ theo một “kịch bản” được chúng dựng sẵn. 

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Văn Thúy cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam với số tiền 7 tỉ đồng. Đồng thời chiếm đoạt của 8 gia đình thân nhân liệt sĩ hơn 1 tỉ đồng.

Trong đó, Nguyễn Văn Thúy trả công cho Hoành khoảng 300 triệu đồng, Phương khoảng 280 triệu đồng, Sơn 80 triệu đồng và Chiều khoảng 50 triệu đồng.

Hành vi của Thúy tuy chỉ là trò bịp bợm, nhưng đã đánh trúng vào tâm thức những thân nhân liệt sĩ vốn lâu nay đang khao khát tìm kiếm và quy tập được hài cốt của người thân đưa về quê an táng. Thúy cũng đã tự gán cho mình cái mác “nhà tâm linh” để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.

Mỗi trường hợp đến nhờ tìm hài cốt thì Thúy đều yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sĩ (họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh), đồng thời thỏa thuận mức giá cụ thể với họ. Trong đó, phải đặt lễ trước lên điện thờ nhà Thúy từ 10-15 triệu đồng (gọi là lễ trình) để Thúy thắp hương trình xin “Thánh Mẫu” và đợi đến khi “Thánh Mẫu cho phép” tìm được nơi có hài cốt thì Thúy sẽ gọi điện báo và hẹn thời gian, địa điểm gặp và tổ chức cất bốc.

Khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, Thúy gọi điện thông báo thời gian, địa điểm cất bốc hài cốt cho các cá nhân, đơn vị biết rồi Thúy đi xe ô tô đến hiện trường đã chuẩn bị, tiến hành thắp hương, làm lễ “nhập vong” vào người của gia đình liệt sĩ (chủ yếu là nữ). Lúc khai quật, Duyên là người trực tiếp xuống cất bốc để tránh sự phát hiện của mọi người.

Để phô trương thanh thế, “cậu Thủy” còn cho người sử dụng máy quay ghi lại các hình ảnh rồi đưa về biên tập, dàn dựng, chép ra thành đĩa để bán lại cho các gia đình. Sau khi tìm thấy và cất bốc xong hài cốt, thì phải đưa thêm cho Thúy 100 triệu đồng trở lên (gọi là lễ tạ).

(Còn nữa)

Đăng Đức

(Còn nữa)