Câu chuyện tình yêu bất diệt phía sau vụ máy bay rơi ở Khánh Hòa

(Dân trí) - Hay tin anh Vinh tử nạn trong chuyến trực thăng cứu hộ máy bay rơi ở Khánh Hòa, chị Lan như chết đi sống lại. “Hoài niệm về anh là “bạn đồng hành” của tôi suốt 22 năm qua và sẽ theo tôi suốt quãng đời còn lại... Tôi mãi yêu người phi công ấy”.

Trong buổi chiều tà ngày 14/3, bên bờ biển Vũng Tàu, chị Nguyễn Thị Lan (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) bồi hồi kể lại những hồi ức về người chồng yêu quý đã ra đi cách đây hơn 20 năm. Chị nhớ rất rõ, anh chị cưới nhau được 2 năm, 2 tháng, 22 ngày thì anh rời xa chị vĩnh viễn.

 

Tháng 11 năm 1992, anh Nguyễn Quang Vinh là cơ trưởng điều khiển chiếc máy bay đi cứu hộ một máy bay khác bị rơi ngày 14/11/1992 tại thung lũng Ô Kha (Nha Trang, Khánh Hòa). Đau thương chồng tang tóc khi chính chiếc máy bay cứu hộ ấy cũng bị rơi, cả 7 người tham gia chuyến cứu hộ đều tử nạn. Anh Vinh ra đi để lại trong lòng người vợ trẻ nỗi đau không gì bù đắp được. “Người phi công thường có thể trạng tốt, kiến thức rộng, luôn sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Phải trải qua những chuyến công tác đột xuất, dài ngày nên họ luôn trân trọng từng phút bên gia đình. Vì vậy, anh Vinh chu đáo lắm, lo lắng cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Hồi ấy tình cảm vợ chồng đang nồng thắm, chúng tôi sống trong niềm hạnh phúc của người sắp được làm cha mẹ…” - chị chia sẻ.

 

22 năm trôi qua, con gái trưởng thành và bản thân chị Lan cũng có sự nghiệp vững vàng.
22 năm trôi qua, con gái trưởng thành và bản thân chị Lan cũng có sự nghiệp vững vàng.
 

Thông tin chiếc trực thăng cứu hộ bị rơi, chị Lan không hề hay biết vì mọi người giấu chị. Nghe tiếng trực thăng phành phạch trở về, chị hớn hở đem cặp lồng cơm chạy ra sân bay đón chồng nhưng đồng đội của anh bảo, anh Vinh còn lâu lắm mới về. Mấy ngày sau, chị Lan mới nghe tin dữ. Chị bàng hoàng như sét đánh bên tai, đầu óc trống rỗng, tưởng không thể sống nổi.

 

Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh khi ấy là phi công cấp 1 với kinh nghiệm gần 2.000 giờ bay, tay lái rất vững vàng. Đồng nghiệp của anh quả quyết: “Máy bay anh Vinh làm sao rơi được, anh ấy đi đồi A1 như đi chợ mà!”. Nghe vậy, chị tự nhủ rằng anh chỉ gặp sự cố gì rồi hạ cánh ở đâu đó thôi.

 

Tổ bay trên chuyến bay cứu hộ gặp nạn gồm 7 người:

 

- Cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh

- Nguyễn Viết Nga

- Nguyễn Xuân Lập

- Nguyễn Văn Hùng

- 1 bác sĩ

- 2 thợ máy

Một tháng chờ tin chiếc trực thăng do chồng lái với chị Lan dài đằng đẵng như cả năm. Đang hoài thai con gái đầu lòng hơn 4 tháng, chị vẫn đi hết chùa này đến chùa khác cầu nguyện cho anh, tìm người để hỏi về tin tức của chồng. Có người khẳng định anh đang được người miền núi cứu giúp, chị lại bùng lên hy vọng, cứ muốn nghe đi nghe lại những lời huyễn hoặc ấy. Nhưng có sư thầy chùa Pháp Hoa ở quận Gò Vấp lại bảo: vận mạng của anh xấu lắm, chị lại ngất lịm đi. Cứ như vậy ròng rã một tháng trời, thai phụ ấy sống trong nỗi chờ mong và sợ hãi tột cùng.

 

Rồi ngày ấy cũng đến, anh Vinh thật sự không còn nữa. Xác trực thăng được tìm thấy cách chiếc máy bay rơi trước đó 5km, 7 người trong tổ bay đều hy sinh. Lúc này chị đã không còn nước mắt để khóc. Lễ tang của anh, mọi người giữ chặt không cho chị chạy đến bên linh cữu chồng vì sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng…

 

Suốt 2 năm đầu, đêm nào gối chị Lan cũng ướt đầm. Chị nghĩ: “Mình 28 tuổi mà vẫn còn được gặp cha, gọi cha, được cha chăm sóc mà con gái từ lúc chào đời đã không được gặp cha một giây phút nào”. Rồi chị nhận ra rằng nằm khóc mãi cũng không giải quyết được gì. Phải nuốt nước mắt vào trong, phải làm sao nuôi dạy con cho tốt để không phụ lòng anh Vinh.

 

Bé Bảo Anh sinh ra nhẹ cân, khó ăn lại hay ốm khiến người mẹ đơn thân vất vả vô cùng. Có những lần một mình chị xoay vần cùng con trong bệnh viện, nỗi nhớ anh càng cháy ruột gan. Ngày đầu tiên bé đi mẫu giáo, buổi chiều đến đón con, cô giáo gặp riêng chị hỏi han: “Trong hồ sơ Bảo Anh là con của liệt sĩ nhưng sao em nghe bé kể rằng buổi tối nằm ngủ cùng ba mẹ, cuối tuần ba dẫn hai mẹ con đi chơi?”. Nghe cô giáo hỏi, chị Lan bối rối vô cùng. Hóa ra, Bảo Anh nhìn thấy bé gái hàng xóm được cha chăm sóc nên tưởng tượng mình cũng có cuộc sống gia đình như vậy.

 

Để giúp người góa phụ trẻ, cơ quan bố trí cho chị làm việc tại bộ phận hậu cần, chuyên gấp khăn và sắp xếp muỗng, nĩa. Vừa chăm con nhỏ vừa đi làm nhưng chị hạ quyết tâm phải đi học tiếp: “Trước tiên, tôi muốn có thêm kiến thức để nuôi dạy con mình. Tiếp đến, tôi cần phải nâng cao nghiệp vụ để làm việc tốt hơn, cải thiện cuộc sống cho hai mẹ con”.

 

Buổi chiều tan ca lúc 5 giờ, nửa tiếng sau chị đã có mặt ở giảng đường với cái bụng đói meo. Suốt 8 năm, từ 1995-2000 và từ 2005-2008 chị vừa học vừa làm, hoàn thành 2 chương trình đại học tại chức về kế toán và luật.

 

Hiện tại, chị Lan đang là chuyên viên phòng nhân sự, phụ trách chế độ chính sách của người lao động tại Công ty TNHH  MTV Suất ăn hàng không Việt Nam. Niềm tự hào lớn nhất của chị chính là cô con gái Bảo Anh ngoan ngoãn, học giỏi, nay đã là sinh viên trường Đại học Ngoại Thương. Bảo Anh mong muốn mẹ có hạnh phúc mới nhưng chị Lan mãi nhớ về anh Vinh: “Làm sao tôi tìm được người đàn ông thứ hai tuyệt vời như anh ấy!”.

  

Những ngày này, khắp nơi xôn xao tin tức về chiếc máy bay MH 370 của Malaysia mất tích trên biển Đông. Hơn ai hết, chị Lan rất đồng cảm với tâm trạng khắc khoải của thân nhân những người bị nạn. Chị thấu hiểu nỗi đau thương khi mất đi người thân. Nếu điều xấu nhất xảy ra, chị mong họ sẽ vượt qua để sống tiếp, sống tốt cho cả người đã khuất.

 

Mới đây, đọc tin tức về người phụ nữ Hà Lan - nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha năm 1992, mà chồng chị và đồng đội được giao nhiệm vụ đi cứu hộ - đang có cuộc sống bình yên, chị cảm thấy được an ủi đôi phần.

 

Anh Vinh ra đi khi mới 32 tuổi nhưng anh đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa của người lính phi công, luôn sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ và hết mực thương yêu gia đình. “Hoài niệm về anh Vinh trở thành “bạn đồng hành” của tôi trong suốt 22 năm qua và sẽ theo tôi suốt quãng đời còn lại... Tôi mãi mãi yêu người phi công ấy - anh Nguyễn Quang Vinh!” - chị Lan chia sẻ.

 

Hồng Nhung