Nghệ An:

Cầu Cấm - những ngày bi tráng và lãng quên?

(Dân trí) - Một địa danh nằm trên tuyến đường huyết mạch dẫn vào mặt trận phía Nam, mà ở đấy máu xương bộ đội, thanh niên xung phong đổ xuống không thể đo, đếm… đang bị quên lãng suốt hơn 46 năm qua!.


 

Biết bao lần chúng tôi đã tới bến phà sông Gianh, phà Long Đại, phà Xuân Sơn, đường 20 “Quyết Thắng”, ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn - những địa danh máu lửa, khốc liệt thời chống Mỹ cứu nước. Ở đâu cũng bắt gặp tầng thấp, tầng cao hình khối kiến trúc mỹ thuật hoành tráng, tôn nghiêm với chất liệu xây lắp bền vững, muôn đời tưởng nhớ anh linh lớp lớp anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong ngã xuống vì non sông đất Việt. Riêng tập thể 13 liệt sỹ C317 TNXP (Truông Bồn) hy sinh ngày 31/10/1968 đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2007.

Mỗi lần dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xa xót, chạnh nhớ tới một địa danh nằm trên tuyến đường huyết mạch dẫn vào mặt trận phía Nam, mà ở đấy máu xương bộ đội, thanh niên xung phong đổ xuống không thể đo, đếm… đang bị quên lãng suốt gần 50 năm qua.

Trọng điểm ấy có tên Cầu Cấm, nơi thắt nút ba huyết mạch giao thông đường bộ 1A; đường sắt Bắc - Nam, đường thủy (kênh Nhà Lê). Sau trận ném bom xuống Kho Xăng, phà Bến Thủy, cảng Bến Thủy, ngày 25/3/1965 không quân Mỹ ồ ạt đánh phá cầu Cấm, ga Mỹ Lý, cầu Đò Đao, cầu Bùng, cầu Yên Xuân nằm trên trục đường quốc lộ 1A và tuyến đường sắt chạy vào Minh Cầm (Quảng Bình). Giữa năm 1966, khu vực cầu Cấm còn phải hứng chịu hàng vạn quả đạn pháo 175 ly, 230 ly từ chiến hạm của Hải quân Mỹ cầm canh câu vào thâu đêm, suốt sáng. 

Không quân Mỹ sau những phi vụ tàn phá trong đất liền, trước khi đáp xuống hàng không mậu hạm, chúng trút xuống cầu Cấm những quả bom, rốc-két còn sót lại. Mặt đất, mặt sông, triền núi thung lũng cầu Cấm đêm, ngày mù mịt, khét lẹt khói bom, đất cát bầm đen, trộn lẫn mảnh gang quăn queo, sắc lạnh. Người dân phải khoét vách núi, đào hầm sinh hoạt, bám đất phục vụ chiến đấu che chở cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy vượt qua trọng điểm cầu Cấm.

Bí Thư Trung ương đoàn Vũ Quang thăm lực lượng TNXP tại trọng điểm Cầu Cấm (1969) (ảnh tư liệu).
Bí Thư Trung ương đoàn Vũ Quang thăm lực lượng TNXP tại trọng điểm Cầu Cấm (1969) (ảnh tư liệu).

Năm 1965, cầu Cấm bị đánh 800 trận, năm 1966 bị đánh 1.200 trận, năm 1967 hệ thống giao thông vận tải miền Bắc bị đánh 27.00 trận, riêng trọng điểm cầu Cấm bị ném bom, pháo kích 5.000 trận bình quân mỗi ngày, đêm có 300 lượt máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc-két và trọng liên 20 ly 7. 

Cùng lúc tuyến đường bộ dài 15km và đường sắt 5km qua trọng điểm cầu Cấm bị băm nát từ ga Mỹ Lý đến xóm Bắc Long, nghĩa trang Cây Dừa, kênh Nhà Lê chạy sát đường 1A, đường sắt bị phong tỏa tọa độ từng mét vuông pháo kích, bom nổ chậm, bom từ trường. Nhận rõ vị trí “sống chết” trọng điểm giao thông vận tải cầu Cấm, cửa ngõ phía Bắc hậu phương lớn miền Bắc nên đế quốc Mỹ đánh phá bằng mọi giá. Trong năm 1967, bọn giặc lái Mỹ trút xuống cầu Cấm 27.000 quả bom các loại, tàu chiến thuộc hạm đội 7 bắn vào 5.000 quả đạn pháo từ 175 ly đến 230 ly.

Cũng từ ngày 27/7/1965, sau ngày ra quân của 22.000 chiến sĩ thanh niên xung phong tập trung, các đại đội 302 - 324 - 339 - 317 -  318, phơi phới những gương mặt tươi trẻ, quả cảm hành quân về trọng điểm “chảo lửa cầu Cấm”.

Đầu năm 1966, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An chuyển giao cho Tổng cục đường sắt 9 đại đội, biên chế vào đội 69, trực tiếp bảo đảm giao thông vận tải tuyến đường sắt từ ga Hoàng Mai vào ga Minh Cầm (Quảng Bình). Họ bám tuyến vận tải đường sắt, đường bộ chủ yếu từ ga Hoàng Mai, ga Giát, ga Yên Lý, ga Chợ Si, cầu Đò Đao, cầu Cấm, cầu Yên Xuân, ga Vinh làm nhiệm vụ sửa chữa tuyến đường sắt bị bom phá, vận chuyển hàng, sơ tán hàng và chiến đấu đánh trả bọn giặc lái Mỹ. 

Tại trọng điểm cầu Cấm ác liệt, các đại đội 815, 803, 820, 829, 333, 819, 802, 744, 203 thuộc đội 69 được cắm chốt bảo vệ “nút thắt” giao thông đường sắt trong tọa độ lửa từ năm 1966 đến ngày 31/10/1968, thời điểm Giôn Sơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Trên thực tế, cầu Cấm nằm sâu sau vĩ tuyến 20 nên vẫn trong tầm bắn phá của không quân và hải quân Mỹ bất kể lúc nào.

Cứ sau mỗi đợt bom dội, từ nơi trú quân Diễn Thọ, Diễn Lộc, Nghi Yên, Nghi Thuận, Nghi Long, các đại đội Thanh niên xung phong đường sắt, đường bộ lại hối hả đổ vào cầu Cấm. Đài quan sát của Quân khu 4 trên đỉnh 200 và mỏm 35 Thần Vũ thông báo cho lực lượng bảo đảm giao thông vị trí bị bom phá, vị trí có bom nổ chậm, bom từ trường. Các trận địa pháo phòng không K8, K9, K10 thuộc tiểu đoàn 16 chốt tại Cống Hóp, vườn Mít, trại Chè sẵn sàng nổ súng bảo vệ Thanh niên xung phong san lấp hố bom. 

Tiểu đoàn 16 đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F4H, một AD6, bắt sống giặc lái nhưng để bảo vệ mục tiêu cầu Cấm, từ năm 1966 đến năm 1968, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại trận địa. Hơn một nghìn ngày bảo đảm thông tuyến, thông cầu ở “túi bom, vòng cung lửa”, kể từ trận bom 26/3/1965, chiến sĩ Thanh niên xung phong Lê Bá Khương, quê xã Nam Trung, Nam Đàn, đại đội 208, đội 69 hy sinh, tới đầu năm 1968 đã có 33 cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong bị bom, đạn quân thù sát hại khi bám cầu, bám đường thông tuyến.

Nụ cười ra quân thông đường thông cầu đội TNXP 69, Cầu Cấm năm 1966 (ảnh tư liệu).
Nụ cười ra quân thông đường thông cầu đội TNXP 69, Cầu Cấm năm 1966 (ảnh tư liệu).

Tổn thất lớn nhất là 8 giờ 30 phút tối mồng 5/2/1967, một đợt pháo kích tọa độ dội xuống đội hình Thanh niên xung phong đang hối hả san lấp hố bom phía Bắc cầu Cấm, giây lát cướp đi sinh mạng của 15 cán bộ, chiến sĩ đang độ thanh xuân, sung sức.

Danh sách liệt sĩ thanh niên xung phong đội 69 và đội 65 hy sinh tối 5/2/1967 được lập ngày 30/6/1968 của Ban Thanh niên xung phong đường sắt phía Nam, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban Phạm Thị Phòng. Mười lăm cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong đội 69 và 65 hy sinh tối 5/2/1967 đều có chung ngày nhập ngũ 6/5/1965.

Đã gần 50 năm trôi qua, nhắc lại sự tích bi tráng tối 5/2/1967, trung tá Nguyễn Đình Mạch - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn cao xạ 16, quê Nghi Hải, huyện Nghi Lộc và đại úy, y tá Hoàng Văn Nhu không sao cầm được nước mắt. Đêm tàn khốc ở mố bắc cầu Cấm năm ấy, hai ông đã cùng cán bộ, pháo thủ, đồng đội TNXP đội 69 gạt nước mắt, nhặt nhạnh, khâm lượm thi thể liệt sĩ rồi cùng dân quân Nghi Yên, Nghi Long an táng 15 liệt sĩ tại nghĩa trang Cây Dừa, thuộc địa phận xóm Bắc Long, cạnh trận địa cao xạ Cầu Hói.

Hai cựu chiến binh Nguyễn Đình Mạch, Hoàng Văn Nhu cũng như biết bao cựu chiến binh, cựu TNXP, các thân nhân liệt sỹ mỗi khi tới cầu Cấm ôn lại năm tháng hào hùng, khốc liệt tại trọng điểm cầu Cấm rất mong có một khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải chống Mỹ cứu nước. 

Thế nhưng đã không biết bao nhiêu lần những cựu chiến binh tiểu đoàn 16, cựu TNXP và người thân liệt sỹ đành ngậm ngùi thắp nén nhang vái bốn phương trời đất, giữa thung lũng cầu Cấm đang ngày một vươn cao những công trình thế kỷ. Nỗi day dứt này xin chuyển tới lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ngành Giao thông vận tải dù muộn màng cũng nên đầu tư tâm, sức xây dựng công trình tri ân xứng tầm với sự hy sinh máu xương của các anh hùng liệt sỹ. 

Những người con xứ Nghệ đã xả thân, đổ máu xương vì sự sống tuyến đường vào miền Nam cách đây 46 năm gồm: 

1, Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1948, Hưng Khánh, Hưng Nguyên, C815.

2, Duy Thị Hoán, sinh 1948, Thanh Cát, Thanh Chương, C815, đảng viên, tiểu đội trưởng. 

3, Nguyễn Văn Đại, sinh 1947, Thanh Bình, Thanh Chương, C803. 

4, Hoàng Thị Liên, sinh năm 1945, xã Thanh Liên, Thanh Chương, C820.

5, Trần Văn Lân, sinh năm 1946, xã Thanh Nho, Thanh Chương, đơn vị C823.

6, Trần Thị Thái, sinh năm 1947, Thanh Hà, Thanh Chương, C819.

7, Trần Thị Minh, sinh năm 1947, Hưng Thái, Hưng Nguyên, C794. 

8, Phan Văn Kim, sinh năm 1947, Thanh Bình, Thanh Chương, đơn vị C802. 

9, Nguyễn Thị Tỵ, sinh năm 1949, xã Thanh Bình, Thanh Chương, C830; 

10, Hồ Thị Thu, sinh năm 1948, xã Nam Đông, Nam Đàn, C809. 

11, Giản Tư Lợi sinh 1947, xã Thanh Cát, Thanh Chương, C32, tiểu đội trưởng.

12, Phùng Thế Đường, sinh năm 1949, xã Nghi Thu, Nghi Lộc, C874, chiến sĩ phá bom nổ chậm. 

13, Nguyễn Trọng Vọng, sinh năm 1949, xã Nam Sơn, Nam Đàn, chiến sĩ phá bom nổ chậm.

14, Hoàng Thị Xuân, sinh 1949, xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương, C823. 

15, Trần Văn Hai sinh 1948, xã Thanh Đồng, Thanh Chương, C324, đội 65.


Văn Hiền - Nguyễn Duy