Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu thủy

(Dân trí) - Ngày 23/12, UB Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động với nội dung lực lượng CSCĐ được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, trang bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại...

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động gồm 24 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Điều 13 Pháp lệnh nêu rõ: “Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại”.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra dự án pháp lệnh) Nguyễn Kim Khoa cho biết, hiện vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi trang bị tàu bay, tàu thủy cho Cảnh sát cơ động. Bên cạnh ý kiến tán thành vẫn còn quan điểm không tán thành trang bị tàu bay cho lực lượng cảnh sát cơ động và đề nghị phối hợp với Bộ Quốc phòng khi có nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí.
Cảnh sát cơ động tham gia hoạt động bảo vệ, chống bạo động ở sân vận động.
Cảnh sát cơ động tham gia hoạt động bảo vệ, chống bạo động ở sân vận động.

Thường trực cơ quan thẩm tra lập luận, tuy hiện nay cảnh sát cơ động chưa được trang bị tàu bay, tàu thủy, nhưng để bảo đảm cho lực lượng này đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, việc hiện đại hóa các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật, trong đó có trang bị tàu bay, tàu thủy cho cảnh sát cơ động là cần thiết.

Chi tiết các loại phương tiện được trang bị cho mỗi chức danh, đơn vị tổ chức cụ thể được giao Chính phủ quy định.

Việc quản lý các loại phương tiện này phục vụ cho hoạt động của Bộ Công an nói chung và bảo đảm tính cơ động tác chiến của cảnh sát cơ động nói riêng do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Một vấn đề khác nhận nhiều ý kiến băn khoăn từ các ủy viên Thường vụ Quốc hội là về việc điều động lực lượng CSCĐ.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc đề nghị cân nhắc quyền của GĐ công an tỉnh trong việc điều động cảnh sát cơ động, bởi “nếu việc gì tỉnh cũng được huy động lực lượng này thì có khi hậu quả khôn lường”.

Đại diện cơ quan thẩm tra pháp lệnh giải thích, thẩm quyền điều động cảnh sát cơ động tùy thuộc vào tính chất, phạm vi vụ việc xảy ra và phạm vi lực lượng cần điều động. Theo đó, giám đốc công an cấp tỉnh được quyền điều động các đơn vị cảnh sát cơ động thuộc Công an cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ tại địa phương nhưng phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Về chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa nhận định, đây là lực lượng thường trực tác chiến của công an, hoạt động mang tính đặc thù, vất vả, nguy hiểm, đóng quân tập trung, cuộc sống có nhiều khó khăn hơn các lực lượng khác trong ngành. Vì vậy, cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất cần có các chế độ, chính sách ưu đãi tương xứng (tương tự như lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội biên phòng, Đặc công, Phòng không - không quân... trong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh vệ, Cảnh sát phòng, chống ma túy... trong ngành công an).

Ngoài ra, pháp lệnh cũng quy định việc nổ súng của cảnh sát cơ động trong trường hợp xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh do Bộ trưởng Công an quyết định.

P.Thảo