TPHCM:

Cảnh giác với đạo chích vào vai người ở ghép

(Dân trí) - Việc "ở ghép " phòng trọ, nhà trọ trong giới sinh viên và người lao động nhập cư trên địa bàn TPHCM được coi là giải pháp hợp lý, bởi giúp "chia sẻ" gánh nặng các khoản phí như điện nước... Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều kẻ xấu đã nhập vai người ở ghép để "khoắng" tài sản của bạn chung phòng.

Xung quanh các trường đại học, cao đẳng lớn trên địa bàn TPHCM không khó để bắt gặp những tờ rơi quảng cáo tìm người ở ghép, thậm chí trên mạng chỉ cần gõ cụm từ “tìm sinh viên ở ghép” là có ngay hàng triệu kết quả.

Việc sinh viên ở ghép để chia sẻ chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập ở thành phố là điều cần thiết, tuy nhiên nhiều sinh viên do mất cảnh giác nên bị người ở ghép lừa đảo, trộm cắp, khoắng sạch tài sản.

Thông tin tìm người ở ghép được dán đầy ở các cổng trường đại học, cao đẳng
Thông tin tìm người ở ghép được dán đầy ở các cổng trường đại học, cao đẳng

Đơn cử như mới đây là trường hợp của em Huỳnh Quang Minh (ngụ chung cư Nguyễn Kim, phường 7, quận 10).

Theo đó, Minh cùng anh trai mình là Nguyễn Quang Bình thuê chung cư Nguyễn Kim để ở phục vụ việc đi học và đi làm, do nhà thuê rộng nên Minh đăng thông tin trên mạng tìm người ở ghép để giảm bớt tiền thuê nhà.

Chiều 10/8, một thanh niên xưng tên Dương Quốc Huy đến xem phòng và tỏ vẻ khá ưng ý. Sau khi thỏa thuận chi phí sinh hoạt, Huy đồng ý dọn đến ở.

Khoảng 17h chiều 11/8, tranh thủ lúc mọi người đi vắng, Huy rủ Minh ra ngoài nói là mua đồ về nấu ăn, thiết đãi mọi người coi như tiệc ra mắt. Trên đường đi, Huy kêu Minh cho mượn chìa khóa phòng để cắt chìa mới.

Sau khi có chìa khóa, Huy nói Minh đứng đợi để Huy chạy về phòng lấy đồ bỏ quên trong phòng. Lợi dụng điều này, Huy đã gom toàn bộ tài sản trong phòng rồi bỏ trốn. Lúc này, phát hiện mình bị mất trộm tài sản, Minh đã đến Công an phường 7, quận 10 trình báo sự việc.

Cách đó không lâu, anh Tăng Minh Hưởng (25 tuổi) cũng bị kẻ gian đóng giả người ở ghép để khoắng tài sản. Theo trình báo của anh Hưởng với cơ quan công an, đầu tháng 5/2016, anh Hưởng đăng tin tìm người ở ghép lên mạng internet với hy vọng tìm được người tử tế về ở chung để giảm bớt gánh nặng tiền thuê phòng trọ.

Đối tượng giả người ở ghép để khoắng tài sản của em Huỳnh Quang Minh ở chung cư Nguyễn Kim bị camera ghi lại
Đối tượng giả người ở ghép để khoắng tài sản của em Huỳnh Quang Minh ở chung cư Nguyễn Kim bị camera ghi lại

Sau vài ngày đăng tin, Hưởng nhận được cuộc gọi từ một nam thanh niên đề nghị đến xem phòng. Đúng hẹn, hai bên gặp nhau. Đó là một chàng trai khoảng 27 tuổi, dáng người cao ráo, mặt mũi sáng láng và ăn mặc vô cùng lịch sự.

Thanh niên này tự giới thiệu và đưa ra một danh thiếp có tên là Phan Quốc Hoàng, là biên tập viên Đài truyền hình TPHCM. Nhờ tài ăn nói không chê vào đâu được và vẻ ngoài chững chạc, đứng đắn, Hoàng nhanh chóng chiếm được thiện cảm của Hưởng và những bạn trong phòng.

Khi Hoàng chuyển về ở chung thì trong phòng Hưởng liên tục xảy ra mất mát tiền bạc mà từ trước tới nay chưa từng có.

Sau nhiều lần xảy ra mất tài sản đáng ngờ, cộng với những hành động bất thường của gã “biên tập viên”, Hưởng và các bạn trong phòng bắt đầu xâu chuỗi lại sự việc và đặt nghi vấn lớn cho người này. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn với nhóm bạn của Hưởng, bởi Hoàng “bốc hơi” cùng nhiều tài sản của bạn chung phòng mà không một lời từ biệt.

Tương tự, trường hợp của Võ Hoàng Tân (24 tuổi, thuê trọ ở đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh) cũng là nạn nhân của trò lừa ở ghép này.

Đã từ lâu, chuyện thuê trọ ở ghép trong giới sinh viên, người lao động là hết sức bình thường, bởi tiền trọ, tiền cho các chi phí sinh hoạt khác ở thành phố luôn khá đắt đỏ nên việc ở ghép là giải pháp hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên, lợi dụng điều này, các tay “đạo chích” nhanh nhẹn tìm đến thỏa thuận ở ghép, rồi lợi dụng lúc bạn cùng phòng đi học thì ở nhà dọn sạch tài sản và “cao chạy xa bay”.

Theo kinh nghiệm của một số người thuê trọ, trước khi cho ai ở ghép, phải tìm hiểu kỹ tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp... đối tượng mới đến, đồng thời nhanh chóng yêu cầu họ xuất trình giấy tờ tùy thân và đề nghị tới chính quyền địa phương nơi mình thuê trọ đăng ký tạm trú, đây là cách để kiểm tra tính xác thực của những loại giấy tờ tùy thân, để lỡ không may xảy ra trộm cắp vẫn có đầu mối truy tìm.

Thực tế, có nhiều vụ, kẻ gian nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác, dán hình mình vào rồi đi thuê trọ để thực hiện ý đồ xấu khiến công tác truy tìm gặp không ít khó khăn.

Chính vì vậy, khi cần người ở ghép, tốt nhất nên chọn những ai quen biết, học chung trường hoặc làm chung công ty để tránh trường hợp ở chung nhà với những tên đạo chích.

Đình Thảo

Cảnh giác với đạo chích vào vai người ở ghép - 3