Cần Thơ chưa thật sự là động lực có sức lan tỏa để phát triển vùng ĐBSCL

(Dân trí) - Ngày 23/5, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức.

Hội thảo là sự kiện tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tốc độ phát triển của Cần Thơ chưa cao

Ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, với sự mở đường của Nghị quyết 45, Đảng, Nhà nước đã trao cho Cần Thơ một sứ mệnh mới. 15 năm qua, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, giai đoạn 2006-2019 đạt bình quân 7,23%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, tăng 7 lần so với năm 2005. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL ở một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ; an sinh xã hội được đảm bảo…

Cần Thơ chưa thật sự là động lực có sức lan tỏa để phát triển vùng ĐBSCL - 1

Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, ông Trung cho biết, vẫn còn một số mặt chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cần Thơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, đang là điểm nghẽn trong liên kết, phát triển vùng; nguồn lực đầu tư hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại… Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, là trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, GS.TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Cần Thơ là thành phố duy nhất ở ĐBSCL trực thuộc Trung ương. Cần Thơ có hệ thống sân bay, bến cảng, có những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất ĐBSCL khó có thể có tỉnh nào trong vùng thay thế được... Đây là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động.

Tuy nhiên theo bà Thu, tốc độ phát triển của Cần Thơ chưa thật cao mặc dù được đầu tư nhiều. Cần Thơ chưa có những doanh nghiệp đầu đàn mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế thành phố; Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL; Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho thúc đẩy cách mạng 4.0 trên địa bàn Cần Thơ còn hạn chế.

Cần Thơ là thành phố trung tâm ở vùng nông nghiệp lớn nhất nước nhưng sự phát triển các điển hình nông nghệ cao còn yếu, chưa có những mô hình để làm điểm chuyển giao cho các tỉnh khác ở ĐBSCL; Cần Thơ cũng chưa cho ra các sản phẩm dịch vụ độc đáo. Nội lực Cần Thơ về vốn, công nghệ, doanh nghiệp dẫn đầu, đội ngũ doanh nhân chưa đủ mạnh để thực sự dẫn dắt toàn vùng ĐBSCL đi lên.

Cần Thơ chưa thật sự là động lực có sức lan tỏa để phát triển vùng ĐBSCL - 2
Quang cảnh hội nghị

GS Võ Thanh Thu kiến nghị: Trong thời gian tới, cần tăng cường cơ sở pháp lý cho các văn bản pháp lý liên quan đến ĐBSCL cụ thể: Xây dựng luật về ĐBSCL để đảm bảo các quy hoạch, chiến lược của các địa phương... đều dựa trên lợi ích chung, trong luật này có đề cập vai trò của Cần Thơ. Cần xác định sản phẩm, dịch vụ chủ lực của cả vùng trên cơ sở đó xây dựng chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư...

Giáo sư Thu cũng kiến nghị ban hành nghị quyết mới về vai trò của Cần Thơ.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng: Nếu Cần Thơ cũng phát triển như mô hình của 4 thành phố trực thuộc trung ương khác thì với tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ, tốc độ thu hút đầu tư như hiện nay, sẽ không thể trở thành đầu tàu kinh tế của vùng ĐBSCL.

Nông nghiệp là lợi thế chính của ĐBSCL và may mắn là lợi thế này còn tiềm năng lớn. Nếu Cần Thơ phát huy được sức mạnh này thì thành phố sẽ dẫn đầu ĐBSCL trở thành động lực kinh tế của quốc gia và đóng vai trò quốc tế quan trọng.

Vị thế vượt trội của Cần Thơ chỉ thể hiện khi đứng trên thế mạnh của cả ĐBSCL về sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng vựa lúa, trái cây, thuỷ sản dẫn đầu cả nước và có lợi thế đặc biệt để trở thành một vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa đa dạng đứng đầu Đông Nam Á. Do đó, muốn vươn lên thành trung tâm kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL thì Cần Thơ phải thể hiện được vai trò chiến lược trong phát triển nông nghiệp.

Điểm nghẽn của Cần Thơ là chất lượng nguồn nhân lực?

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho rằng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45/2005 của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đã thực hiện được những kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đã trở thành trung tâm của vùng.

Nhưng ông Bình cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với Cần Thơ, với yêu cầu đặt ra là trung tâm của vùng. Nghị quyết 45 đưa ra rất nhiều mục tiêu thì Cần Thơ đã cơ bản đạt được nhưng có một mục tiêu quan trọng là năm 2020 trở thành thành phố công nghiệp thì không đạt được.

Cần Thơ chưa thật sự là động lực có sức lan tỏa để phát triển vùng ĐBSCL - 3

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - phát biểu tại hội thảo.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nói đến phát triển Cần Thơ thì không thể tách rời khỏi vùng ĐBSCL, mà phát triển Cần Thơ phải gắn chặt với cả vùng ĐBSCL, hay nói cách khác Cần Thơ vì ĐBSCL và ĐBSCL vì Cần Thơ. Muốn phát triển thì phải dựa trên nguồn lực nội tại. Mà nguồn lực lớn nhất của Cần Thơ chính là tiềm năng về đất đai nông nghiệp và lao động trong khu vực nông thôn.

“15 năm trước cũng nói đến biến đổi khí hậu, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng lúc ấy chưa lường trước hết được tác động của biến đổi khí hậu lại diễn biến nhanh thế. Cho nên thành phố chúng ta dù phát triển thế nào cũng phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng của Cần Thơ so với 15 năm trước có nhiều tiến bộ nhưng so với nhu cầu đặt ra chưa đảm bảo, đặc biệt là hạ tầng giao thông, kết nối giao thông khu vực còn yếu kém...”, ông Bình nhấn mạnh.

“Điểm nghẽn lớn nhất của đồng bằng nói chung và Cần Thơ nói riêng là chất lượng nguồn nhân lực. Tôi làm việc nhiều nhà đầu tư, họ muốn vào đồng bằng nhưng ngại vì chi phí logistic cao, giao thông kết nối kém và cái lớn nhất là nguồn nhân lực không có, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải chăng giáo dục chính là nguồn đào tạo nhân lực trong giai đoạn tới?".

Ông Bình cũng cho biết, từ lúc còn là trẻ con đã nghe đến từ công nghiệp hóa nhưng nay 60 tuổi rồi vẫn nghe nói công nghiệp hóa. Vậy “ông” công nghiệp hóa là cái gì mà đeo đẳng mãi thế?

“Các nước người ta công nghiệp hóa tối đa chỉ 30 năm, vì vậy chúng ta cũng không thế kéo dãi mãi được. Chúng ta chỉ còn lại quỹ thời gian là 10 năm nữa. Chúng ta có thể thay đổi bức tranh của Cần Thơ hay không là ở thời gian 10 năm tới”, ông Bình nói.

Trưởng ban Kinh tế cũng cho biết, ông xem trên bản đồ, Cần Thơ là thành phố có địa giới nhỏ hơn các tỉnh khác rất nhiều! “Vì thế nếu phát triển công nghiệp có lẽ là địa bàn không có ưu thế so với các tỉnh, thành khác. Vì vậy chúng ta phát lựa chọn công nghiệp gì để phát triển phù hợp với Cần Thơ là trung tâm vùng.

Vì chúng ta cũng không có điều kiện để phát triển công nghiệp công nghệ thật cao trong một sớm một chiều, vì thế chúng ta cũng phải phát triển dịch vụ nhưng dịch vụ khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực từ y tế, giáo dục, đào tạo... Chúng ta là trung tâm cung cấp các giải pháp về khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực kể cả nông nghiệp cho cả vùng, thì cái đó giá trị gia tăng mới cao”, ông Bình nhấn mạnh.

Phạm Tâm