Cần thiết duy trì đồng thời sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất

(Dân trí) - Dù ở kịch bản tăng trưởng nào (thấp, trung bình, cao), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đầy tải vào 2020-2021. Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là để chuyển dần tải cho hoạt động của Tân Sơn Nhất. Với dự báo tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong tương lai, việc duy trì khai thác đồng thời 2 sân bay được khẳng định là cần thiết…

Đây là nội dung được Bộ Giao thông - Vận tải nêu trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội ngày 6/8, giải trình cho những câu hỏi được đặt ra về mối tương quan giữa việc đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và việc triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải khái quát vấn đề, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang đối mặt với 3 vấn đề chính là quá tải nhà ga hành khách; hạn chế về năng lực khu bay và bầu trời; kết nối giao thông bị ách tắc.


Sân bay Tân Sơn Nhất đang đối mặt với tình trạng quá tải, ách tắc cả dưới mặt đất và trên trời, đang lặc lè chờ chi viện.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang đối mặt với tình trạng quá tải, ách tắc cả dưới mặt đất và trên trời, đang lặc lè chờ chi viện.

Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải tăng cao, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang phải khai thác quá tải công suất thiết kế. Năm 2016 đạt 32,5 triệu hành khách, trong đó có 20,6 triệu hành khách nội địa (vượt 37% công suất khai thác) và gần 12 triệu hành khách quốc tế.

Sau khi có chủ trương di dời hoạt động bay huấn luyện quân sự thường xuyên tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và triển khai các dự án nhằm giảm ùn tắc trong và ngoài Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, theo phương án Bộ trình, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng công suất 43-45 triệu hành khách /năm. Ngoài việc nâng cấp các nhà ga hiện có (đạt công suất 28 triệu hành khách/năm) cần sửa chữa các đường hạ, cất cánh; quy hoạch bổ sung thêm 01 nhà ga hành khách trên khu đất phía nam của Cảng trên phần diện tích hiện do Bộ Quốc phòng quản lý, với công suất khoảng 15 triệu hành khách/ năm, xây mới 1 đường lăn song song và tập trung mở rộng sân đỗ tàu bay để đáp ứng tổng số khoảng 80-82 vị trí đỗ, đồng thời nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường kết nối giữa cảng hàng không với hệ thống giao thông của thành phố, cũng như hệ thống thoát nước khu vực cảng với hệ thống thoát nước của thành phố.

Theo dự báo phát triển Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong tương lai được tính theo 3 kịch bản (tăng trưởng thấp, vừa, cao) thì với tốc độ tăng trưởng trung bình, đến giai đoạn 2020-2021, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đầy tải, đạt lượng hành khách 43-45 triệu hành khách /năm. Đến năm 2025, (khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác theo Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội) thì Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến đón khoảng hơn 50 triệu hành khách/năm (dự kiến khai thác quá tải từ năm 2022).

Như vậy, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là rất cần thiết, để chuyển dần tải cho hoạt động từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giảm bớt áp lực về an ninh, an toàn hàng không, vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm TPHCM. Trong tương lai, với dự báo tăng trưởng nhu cầu vận tải hàng không vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc duy trì khai thác đồng thời 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất là cần thiết.

P.Thảo