Cận Tết “gồng mình” mưu sinh gấp đôi ngày thường

(Dân trí) - Với những người lao động nghèo, một cái Tết đủ đầy đồng nghĩa với việc phải “gồng mình” mưu sinh gấp đôi ngày thường trong những ngày giáp Tết.


Thời tiết những ngày giáp Tết ở Thanh Hóa lạnh và mưa khiến cho cái rét như cắt vào da thịt. Tết đến xuân về, nhà nhà, người người đi mua sắm, nhưng trong không khí nhộn nhịp và ngập tràn sắc xuân đó vẫn còn đâu đó nhiều lao động nghèo đang phải nỗ lực kiếm tiền để có một cái Tết đúng nghĩa.

Ở nhiều nơi trên các công trường, dù trời lạnh giá nhưng mồ hôi vẫn rơi trên gò má và tấm lưng của những lao động nghèo. 

Chúng tôi có mặt trên công trường xây dựng của Khu du lịch sinh thái Thiên Đường Xứ Thanh (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào lúc 22h đêm ngày 27 Tết, điện được thắp sáng, hàng chục công nhân đang rất khẩn trương để hoàn thành công việc của mình. Không khí Tết như chưa về đến nơi đây khi mọi người lặng lẽ làm trong đêm khuya.

Đang cật lực đẩy chiếc xe rùa chở đầy cát, thấy chúng tôi anh Lương Hữu Thông (SN 1982, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa) dừng xe lau những giọt mồ hôi trên đôi gò má đen xạm. Anh bảo, cuộc sống khó khăn nên đến giáp Tết anh vẫn chưa được nghỉ mà phải gắng làm thêm.

Anh Thông chia sẻ, vợ anh bỏ đi để lại một mình anh phải chăm nuôi hai đứa con nhỏ. Đứa con lớn của anh Thông đang học lớp 2, còn đứa nhỏ thì đang học mẫu giáo. Một mình anh làm quần quật cả ngày cũng không đủ tiền nuôi hai con ăn học.

 Vì hoàn cảnh gia đình, anh Thông phải làm tăng ca đêm để lo Tết cho gia đình.
 Vì hoàn cảnh gia đình, anh Thông phải làm tăng ca đêm để lo Tết cho gia đình.

“Tết năm nay trót hứa với hai đứa con sẽ mua cho chúng mấy bộ quần áo mùa đông mới để đi chơi Tết. Thế nhưng hoàn cảnh gia khó khăn nên giờ tôi phải gắng làm thêm giờ buổi tối để có tiền mua quần áo cho con. Tết với ba bố con tôi chỉ đơn giản là có vài bộ quần áo mới cho con, mua ít cân gạo gói bánh chưng, vài cân thịt và được ngủ trọn giấc trong 3 ngày tết là đủ rồi”, anh Thông chia sẻ.

Cũng vì lời hứa với hai con mà gần tháng nay anh Thông phải làm thêm ca đêm. Mỗi ngày anh đi làm từ lúc trời còn tinh mơ cho tới lúc đêm khuya mới về tới nhà. Anh Thông nhẩm tính: “Làm ban ngày tính công khác, còn làm thêm từ 18h đến 23h đêm được chủ trả hơn 100 nghìn, nếu cố gắng làm đến 29 Tết tôi cũng được hơn 1 triệu, đủ để cho 3 bố con có một cái tết no đủ, nên dù cực khổ đến đâu tôi cũng phải cố gắng để làm cho các con có cái Tết bằng bạn bằng bè”.

 Vì hoàn cảnh gia đình, anh Thông phải làm tăng ca đêm để lo Tết cho gia đình.
 Không chỉ lo tiền Tết cho cả gia đình, anh Minh còn phải gom góp tiền để Tết xong cho con đi học.

Ngoài anh Thông, những người công nhân xây dựng ở công trường này cũng kết thúc một ngày làm việc vào lúc 23h đêm. Dù Tết đã đến rất gần nhưng chưa một ai nhắc đến. Với họ Tết là những lo toan, gánh nặng cơm áo gạo tiền. Họ chỉ biết cùng nhau làm việc, những bàn tay thoăn thoắt đánh hồ, những xe gạch được chở đi càng lúc càng gấp gáp và những người thợ đã lớn tuổi thi thoảng thở dài. Tết gần đến, họ lại càng lo lắng hơn.

Cũng chung hoàn cảnh như anh Thông, anh Bùi Văn Minh (47 tuổi) quê ở xã Hoằng Thắng tâm sự. Một ngày công thợ xây của anh được hơn 200 nghìn nhưng nếu làm thêm ba tiếng buổi tối nữa anh được thêm 130 nghìn nữa. Gia đình anh Minh không những phải lo tiền tiêu Tết mà còn phải dành dụm làm sao đủ khoản tiền hơn hai triệu để xong Tết, đứa con gái lớn có tiền ra trường nhập học.

Anh Minh bùi ngùi: “Nhà tôi chưa có gì gọi là Tết cả, vợ và con tôi ở nhà còn đang lo cấy cho xong mấy sào ruộng. Cũng may ở đây chủ thầu cho làm thêm buổi tối để kiếm thêm thu nhập chứ không tôi cũng không biết kiếm đâu ra tiền cho con gái nhập học khi ăn tết xong”.

 Vì hoàn cảnh gia đình, anh Thông phải làm tăng ca đêm để lo Tết cho gia đình.
 Tết đã đến rất gần nhưng những người công nhân xây dựng chỉ lặng lẽ làm và thi thoảng thở dài, không ai nói với nhau lời nào.

Với những người nghèo, mơ ước lớn nhất của họ mỗi độ Tết đến xuân về là được xum vầy cùng gia đình. Vì nghèo mà nhiều người tha hương không mua nổi cho mình một vé tàu về quê ăn Tết. Vì nghèo mà nhiều người lao động phải tranh thủ những ngày cận Tết để làm thêm. Với những người như anh Thông, anh Minh và nhiều người nghèo khác nữa, Tết vui vẻ là còn có việc để làm.

Ở những công trường xây dựng là vậy, có mặt tại trung tâm Thành phố Thanh Hóa chúng tôi cũng không khỏi xót xa bùi ngùi cho những phận nghèo mưu sinh ngày giáp Tết. Khác xa với những hình ảnh nhộn nhịp sắm Tết của người dân thành phố, một góc nhỏ khác của tuyến đường Hạc Thành, thành phố Thanh Hóa tập trung đông đúc những người lao động nghèo chờ được chủ đến thuê làm việc.

Tết đến nên các dịch vụ bốc vác, chuyển đồ đạc và dọn dẹp nhà cửa hút khách hơn hẳn. Những người lao động nghèo khuôn mặt rạng ngời hơn, không phải vì Tết đến xuân về mà vì có nhiều việc để làm.

Chị Hà Thị Hoan (huyện Quảng Xương) cho biết, khi cấy xong ở quê là chị tranh thủ lên thành phố làm thêm những ngày cuối năm. “Chỉ sợ không có sức mà làm chứ cuối năm thì công việc không thiếu, người ta thuê việc gì tôi cũng làm, vừa khuân chuyển đồ đạc vừa dọn dẹp nhà cửa cho chủ một ngày tôi cũng kiếm được khoảng 500 nghìn đồng. Nếu làm thêm vài ngày nữa thì cũng đủ tiền mua sắm Tết cho cả gia đình”.

Vừa được chủ thuê lau dọn nhà trở về vị trí cũ dể tiếp tục đợi công việc mới nhưng chị Lê Thị Thi (45 tuổi) quê ở huyện Hoằng Hóa không có vẻ mệt mỏi mà tỏ ra vui mừng vì một ngày làm công “bội thu”.

Cầm trên tay những đồng tiền công vừa được chủ trả, chị Thi hồ hởi khoe: “Tết đến nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của người dân tăng cao nên những người phụ nữ như chúng tôi thường được thuê nhiều hơn cánh đàn ông. Sáng đến giờ tôi làm việc không ngớt tay nhưng cũng vui lắm vì đã kiếm được 700 nghìn về mua sắm tết rồi".

 Vì hoàn cảnh gia đình, anh Thông phải làm tăng ca đêm để lo Tết cho gia đình.
Khác xa hình ảnh sắm tết nhộn nhịp của thành phố, những người lao động nghèo vẫn đang đứng đợi chủ đến thuê làm việc.

Vui vẻ là thế nhưng khi chúng tôi hỏi đến việc sắm tết ở quê, giọng chị Thi như chững lại, trầm ngâm một hồi chị ngậm ngùi: “Ở quê có con gái lo rồi. Chắc năm nay tôi làm đến 30 Tết mới nghỉ. Cũng muốn về nhà sớm để sắm Tết lắm nhưng nếu không làm thêm thì lấy đâu ra tiền lo cho gia đình”.

Với những người nông dân nghèo ở quê như chị Thi, cứ gieo cấy xong vụ đông xuân là họ lại đưa nhau lên thành phố kiếm việc làm thêm tăng thu nhập. Tết đến, với bao nhiêu chi phí phải chi tiêu làm cho họ thêm vất vả để hằng mong một cái Tết no đủ.

Mùa xuân mới đã đến rất gần nhưng gánh nặng mưu sinh và những lo toan của những người lao động nghèo cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. Ước mơ đơn giản của họ mỗi độ xuân về tết đến là được bình an yên bên gia đình, lắng nghe tiếng con trẻ ríu tít ca bài ca “tết đoàn viên”…

Thái Bá - Lê Phương