“Cần một cuộc cách mạng cho ngành đường sắt”

(Dân trí) - Đi tàu từ Hà Nội vào Đà Nẵng, đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) nhận thấy rất nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành đường sắt. “Từ phục vụ đến vật chất, ngành đường sắt đều lạc hậu. Đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng cho ngành đường sắt”, đại biểu Trương Anh Tuấn nói.

Ngày 11/11, thảo luận tại tổ về Luật Đường sắt sửa đổi, nhiều đại biểu nhận định, ngành đường sắt hiện nay quá lạc hậu, không được đầu tư đúng mức, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi nghiên cứu Luật Đường sắt sửa đổi, đại biểu Bùi Thanh Sơn (Đắk Nông) đánh giá, trong quá trình đổi mới phát triển vừa qua, ngành giao thông có bước phát triển mạnh, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong tổng thể giao thông vận tải thì ngành đường sắt chậm phát triển nhất. “Hệ thống đường sắt của chúng ta hiện nay quá lạc hậu. Vận chuyển hàng hóa và hành khách rất khó khăn”, đại biểu Sơn nhận định.

Các đại biểu cho rằng cần có cuộc cách mạng thúc đẩy ngành đường sắt Việt Nam
Các đại biểu cho rằng cần có cuộc cách mạng thúc đẩy ngành đường sắt Việt Nam

Theo đại biểu, ở châu Âu, hệ thống đường sắt phản ánh rõ nền kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Khi đường sắt phát triển thì kinh tế - xã hội cũng phát triển. Do vậy, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị đánh giá vấn đề tại sao thời gian qua ngành đường sắt của đất nước không phát triển, không được đầu tư đúng mức.

Đại biểu Sơn cũng cho rằng, nếu ngành đường sắt chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì không không thể kham nổi. Cần phải có các nền kinh tế khác tham gia vào ngành đường sắt.

“Khi chúng tôi trao đổi với các chuyên gia nước ngoài, họ đều tư vấn trước mắt chúng ta nên làm đường sắt khổ 1.435mm. Chúng ta nên tập trung vào đường sắt này để phục vụ vận tải”, đại biểu Bùi Thanh Sơn nói.

Đi tàu từ Hà Nội vào Đà Nẵng, đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) nhận thấy rất nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành đường sắt. “Từ phục vụ đến vật chất ngành đường sắt đều lạc hậu. Điều này đòi hỏi một cuộc cách mạng của ngành đường sắt. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm của ngành đường sắt”, đại biểu Tuấn nói.

Ông Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội (đoàn Lào Cai) nhận định, trong thời gian dài “mũi nhọn” về công tác vận tải, đó là ngành đường sắt không được đầu tư đúng mức. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, địa hình Việt Nam rất thuận tiện cho việc phát triển đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

“Giờ đưa ra luật này là chậm, nhưng muộn còn hơn không. Cần tập trung vào làm ngay, đã làm thì phải theo đúng cơ chế thị trường mới phát huy tác dụng chứ bao cấp nhiều quá thì lại hỏng”, ông Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong quy hoạch đường sắt, kết cấu phải đồng bộ, đầy đủ. Cụ thể như đường sắt đô thị phải có đường sắt trên cao, tàu điện, tàu điện ngầm. Đặc biệt là tàu điện ngầm hoạt động rất hiệu quả, như một thành phố ngầm, rất tốt cho quốc phòng an ninh.

“Hệ thống đường tàu điện ngầm hết sức quan trọng nhưng trong luật chưa đưa vào. Nếu không đưa vào thì mai kia lại phải bổ sung. Như Hà Nội nếu có hệ thống tàu điện ngầm sẽ giải quyết được ùn tắc trên mặt đất như hiện nay”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.

Đại biểu Vũ Xuân Cường (đoàn Lào Cai) đánh giá sự phát triển đường sắt vẫn quá chậm so với đường thuỷ, đường không…. Do vậy, tại nạn đường sắt xảy ra liên tiếp, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân tồn tại xuất phát từ việc hạn chế nguồn lực cho đầu tư đường sắt; Chưa có sự phân ngôi rõ ràng trong quản lý, khai thác kinh doanh trên đường sắt.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, đầu tư đường sắt có chi phí không đắt so với các loại hình giao thông khác, trong khi đó chi phí vận chuyển đường sắt rẻ hơn các loại hình khác. Ngoài ra, theo đại biểu Lê Thanh Vân, định hướng trong luật phải tạo ra những chính sách thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng đầu tư, kinh doanh phát triển ngành đường sắt. Đại biểu nhận định dự thảo chưa thể hiện sự hấp dẫn với những chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư vào ngành đường sắt.

“Nếu xác định đường sắt có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội thì cần tính đến chiến lược phát triển ngành này thông qua quy định quy hoạch phát triển giao thông đường sắt”, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị.

Quang Phong