Cận cảnh một số loại “pháo không nổ” có thể được đốt dịp Tết

(Dân trí) - Nhà máy Z121 khuyến cáo nên sử dụng sản phẩm ngoài trời hoặc trong phòng rộng thông thoáng, không sử dụng ở nơi có chứa chất dễ cháy nổ và tùy theo loại pháo, người sử dụng phải đứng ở khoảng cách an toàn với pháo là từ 2 m trở lên.

Cận cảnh một số loại “pháo không nổ” có thể được đốt dịp Tết
Loại "pháo không nổ" có tên: Thác nước bạc, hiện đang được sử dụng nhiều trong các chương trình nghệ thuật

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), cho biết Tổng cục 7 đang nghiên cứu sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không có tiếng nổ vào dịp Tết Nguyên đán 2014. Theo định nghĩa của đơn vị này, pháo không có tiếng nổ (pháo hỏa thuật giải trí) là loại pháo do Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp - Bộ Quốc phòng sản xuất và phân phối.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tính an toàn của sản phẩm “pháo không nổ”, ông Lê Tiến Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh của Nhà máy Z121, cho biết pháo hỏa thuật giải trí do Nhà máy Z121 sản xuất hoạt động theo cơ chế khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, âm thanh. Các tia lửa này không gây bỏng nặng cho người sử dụng nếu vô ý chạm vào. Tùy theo sản phẩm, các tia lửa phát ra có chiều cao từ 3-4 cm cho đến 3-4 m và xảy ra trong thời gian rất ngắn rồi trở thành muội than nên rất khó bắt lửa vào các loại vải vóc.

Trong hướng dẫn sử dụng các loại hỏa thuật giải trí, Nhà máy Z121 khuyến cáo nên sử dụng sản phẩm ngoài trời hoặc trong phòng rộng thông thoáng, không sử dụng ở nơi có chứa chất dễ cháy nổ và tùy theo loại pháo, người sử dụng phải đứng ở khoảng cách an toàn với pháo là từ 2 m trở lên.


 
Phúc Hưng - Xuân Ngọc