Cán bộ thi hành công vụ sai sẽ không “vô can” khi bồi thường thiệt hại

(Dân trí) - Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đang lấy ý kiến rộng rãi đã quy định chặt chẽ, cụ thể về xử lý kỷ luật và tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ khi phải bồi thường oan sai nhằm đảm bảo tính răn đe và hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ bình thường của cán bộ, công chức.

Bộ Tài chính vừa phải rót gần 23 tỷ đồng để bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Ảnh: Dân Việt)
Bộ Tài chính vừa phải "rót" gần 23 tỷ đồng để bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Ảnh: Dân Việt)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp xây dựng đã quy định thêm và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường mà luật hiện hành chưa quy định để đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự, như quy định nguyên tắc xác định thiệt hại, bổ sung một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do bị phạt hợp đồng. Đi kèm với đó là các quy định về thủ tục khôi phục danh dự theo hướng cụ thể, rõ ràng để áp dụng thống nhất như xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo.

“Dự thảo luật cũng lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường, quy định rõ mức thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại về tinh thần...”- ông Dũng nói.

Dự thảo cũng đề xuất trách nhiệm kỷ luật và tăng mức hoàn trả để tăng cường trách nhiệm của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo tính răn đe và hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ bình thường của cán bộ, công chức. “Dự thảo đã bổ sung các quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Đồng thời quy định một số đặc thù trong việc xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại để việc xử lý kỷ luật được thực hiện nghiêm, thống nhất” - ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó đề xuất Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Để đảm bảo việc giải quyết bồi thường khách quan, minh bạch, tạo điều kiện cho việc giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại, dự thảo luật đã quy định cụ thể các cơ quan giải quyết bồi thường trong các lĩnh vực theo hướng tập trung tương đối như: Cơ quan giải quyết bồi thường trong quản lý hành chính; Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm TAND, VKSND, cơ quan công an, cơ quan giải quyết bồi thường trong quân đội nhân dân; Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính...

Đáng chú ý, theo ông Dũng, dự thảo luật cũng đã cải cách quy trình cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường theo hướng tập trung vào một đầu mối. Cụ thể, kinh phí bồi thường sẽ là một mục trong mục lục Ngân sách để luôn đảm bảo, chủ động về kinh phí cho công tác bồi thường nhà nước; quy định việc cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn, bỏ thủ tục thẩm định tại cơ quan tài chính.

“Cơ quan tài chính có trách nhiệm nhanh chóng cấp phát kinh phí bồi thường khi có quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án về giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Ngay sau khi được cấp kinh phí, cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm chi trả cho người bị thiệt hại”- ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã nhận đủ số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho quãng thời gian ngồi tù 10 năm.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã nhận đủ số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho quãng thời gian ngồi tù 10 năm.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm đã thụ lý 69 vụ việc yêu cầu bồi thường, trong đó có 17 vụ việc mới; đến nay đã giải quyết xong 15 vụ việc. Số tiền mà Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là trên 8,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính mới đây cấp gần 23 tỷ đồng để TAND Tối cao, Tòa án tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (trú tại 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) - nguyên Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã cấp kinh phí để TAND Tối cao bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) số tiền trên 7,2 tỷ đồng cho hơn 10 năm ngồi tù oan.

Ngoài ra, theo tính toán, số tiền sắp tới phải bồi thường cho quãng thời gian ngồi tù oan trên 15 năm của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) cũng không hề nhỏ. Mặc dù gia đình ông Nén yêu cầu 18 tỷ đồng nhưng đến nay TAND Tối cao, TAND tỉnh Bình Thuận và ông Nén vẫn đang trong quá trình trao đổi, thống nhất về số tiền bồi thường này.

Thế Kha