Cán bộ dôi dư đông, khó giảm: Tư tưởng trì hoãn lớn!

(Dân trí) - Tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính, cán bộ dôi dư chậm, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích là do nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, số lượng dôi dư đông…

Có thể giảm chi lương, chi hoạt động 1.400 tỷ đồng

Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ mới gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đến nay, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, trừ TPHCM và Kiên Giang xin hoãn.

Theo đó, cả nước đã sắp xếp 18 đơn vị cấp huyện, trong đó 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 1 thuộc diện khuyến khích sắp xếp (Quảng Ninh đề nghị sáp nhập huyện Hoàng Bồ với thành phố Hạ Long); và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Còn 10 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành trong đợt này, trong đó có 4 huyện nằm cách biệt nên không thể sắp xếp được với đơn vị liền kề là Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Sau sắp xếp, cả nước giảm được 6 huyện, trong đó Cao Bằng giảm 3 huyện (từ 13 xuống 10), các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hòa Bình giảm 1 huyện; Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp nhưng không làm giảm số lượng huyện.

Ngoài ra, sau sắp xếp trên, dự kiến sẽ dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện và hơn 9.500 người cấp xã, hơn 6.900 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Số dôi dư này các địa phương đều cam kết và có phương án, lộ trình chi tiết giải quyết chính sách dứt điểm, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đã phản ánh về Bộ Nội vụ là gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành như cam kết.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, chỉ giải quyết chính sách được cho công chức cấp huyện dôi dư là 146 người, công chức cấp xã dôi dư là hơn 7.000 người, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là hơn 6.700 người.

Đối với số người dôi dư còn lại, đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết.

Nếu hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính như kế hoạch, theo Bộ trưởng Nội vụ, dự kiến, ngân sách Nhà nước có thể giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024) là khoảng 1.431 tỷ đồng.

Tư tưởng trì hoãn, tâm lý “không muốn giảm”

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nhưng theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đây cũng là nhiệm vụ “rất khó khăn, phức tạp”.

Điểm khó, vướng ở chỗ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng phải hoàn thành trong quý 1 năm 2020 nên thời gian gấp, gần sát với thời điểm các địa phương chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 (nhất là ở cấp xã). Do đó, các địa phương gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngoài lý do trên, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai sắp xếp, do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương mình. Một số cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp có tâm lý muốn ổn định, nên tìm các lý do để không tiến hành sắp xếp...

Còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến độ thực hiện sắp xếp vẫn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra, như TPHCM xin lùi thời hạn sắp xếp sau khi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện sắp xếp do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương

Bộ trưởng Nội vụ cũng khái quát, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp chưa ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp.

Phương Thảo