“Cán bộ cố ý làm sai có thể chịu hình sự chứ không chỉ bồi thường đâu”

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định luật pháp hiện hành đã nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể, của tập thể, cá nhân về việc bồi thường oan sai và nếu cố ý làm sai còn có thể chịu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ nộp tiền bồi thường.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Sáng nay 18/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận được 3 câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) về các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu phát triển Quốc hội, trách nhiệm bồi thường oan sai của cán bộ nhà nước và quy trình đề xuất, xây dựng luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề, nhiều chất vấn tại hội trường thuộc trách nhiệm địa phương thì có thể phân cấp trách nhiệm của Chính phủ và địa phương, từ đó giải quyết vướng mắc của địa phương trên diễn đàn Quốc hội.

“Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội liên quan đến địa phương đều đã có phân cấp. Có những việc giao nhiệm vụ để Chính phủ, có việc giao địa phương. Thường vụ Quốc hội sẽ hướng dẫn phân cấp. Các luật đó Quốc hội vừa thảo luận, ban hành xong, chưa có hiệu lực thi hành ngay nên tôi thấy không cần ban hành luật riêng liên quan đến trung ương và địa phương nữa”- Chủ tịch Quốc hội trả lời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Chính phủ sẽ phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương, nhưng trách nhiệm của cơ quan hành pháp tối cao vẫn là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng nhưng địa phương làm sai không có nghĩa là Chính phủ không phải chịu trách nhiệm.

Trả lời chất vấn: Liên quan đến lỗi cá nhân trong khi thi hành công vụ dẫn tới oan sai, phải bồi thường thiệt hại, không lẽ cứ lấy tiền ngân sách, tiền thuế của dân để bồi thường? Luật bồi thường nhà nước đã phân biệt khá rõ lỗi nào do cá nhân cố ý, lỗi nào do trình độ, năng lực và lỗi nào do công tác điều tra, truy tố, xét xử.

“Luật đã có phân biệt rồi, khi xem xét bồi thường lại do tòa án nên tòa án là cơ quan xét xử cuối cùng, trung tâm xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo chức năng nhiệm vụ mới. Tòa án sẽ phân định. Ngoài luật bồi thường, tới đây sẽ có Luật tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự,... đều nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể của tập thể, cá nhân và đều có phân biệt, nếu cố ý làm sai còn có thể chịu hình sự chứ không chỉ bồi thường đâu”- Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng luật định đã khá đầy đủ, nếu trong quá trình thực hiện sau này xuất hiện vấn đề mới thì sẽ cùng nhau nghiên cứu thêm.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng việc đề xuất, xây dựng các luật hiện nay chủ yếu do Chính phủ thực hiện nên có luật nói mãi trên diễn đàn Quốc hội như Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khối tư nhân (chiếm trên 90% doanh nghiệp hiện nay) nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Dù thừa nhận đến nay chưa có bộ luật nào riêng cho đối tượng này, nhưng Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội cũng có nhiều nghị quyết và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định liên quan.

Việc đề xuất, xây dựng luật hiện nay do nhiều chủ thể thực hiện và mỗi đại biểu Quốc hội cũng đều có quyền đó. “Chính phủ chỉ là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, trình luật để Quốc hội ban hành. Đó là chủ thể quan trọng vì Chính phủ là cơ quan hành pháp, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi cơ quan hành pháp nắm được thực tiễn, nhu cầu của cuộc sống cũng như nắm được yêu cầu của công tác quản lý, trình Quốc hội ban hành, để từ đó mà quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao tốt hơn”- ông nói.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, chưa có đại biểu nào đề xuất được một dự án luật nào. “Có thể dự án luật này chưa chín nên chưa trình ra Quốc hội được. Về luật pháp không cần phải bổ sung gì nữa, vấn đề là tổ chức thực hiện cho tốt. Rất nhiều luật từ đầu khóa Quốc hội tới nay là đề xuất của cơ quan Quốc hội, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, kể cả hội luật gia cũng trình luật. Quy trình rất rộng, dân chủ và đặt trách nhiệm rất cao vào cơ quan tổ chức”- ông Hùng nói.

Thế Kha