TPHCM:

Cán bộ chỉ chờ hết giờ chứ không mong hết dân!

(Dân trí) - Phản ánh với các ĐBQH, cử tri yêu cầu chấm dứt tình trạng cán bộ tiếp dân chỉ chờ hết giờ chứ không mong hết dân, hết việc. Một số cán bộ, cơ quan nhà nước đừng làm thay bưu điện chuyển đơn mà phải “luôn luôn lắng ghe, luôn luôn thấu hiểu” người dân.

Sáng 11/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các thành viên trong đơn vị số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, TPHCM. Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, trước khi tham dự buổi tiếp xúc bà con cử tri quận này, Chủ tịch nước và Đoàn ĐBQH đã trực tiếp xem xét 15 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể được cho là nổi cộm. Qua đó cho thấy, những gì bà con gửi lên đều được xem xét, giải quyết trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, chức năng của Đoàn ĐBQH TP là kiểm tra, giám sát, đôn đốc chứ không phải là cơ quan chuyên trách về xử lý khiếu nại tố cáo, phán quyết, xét xử, nên đôi lúc không thỏa mãn hết nguyện vọng của người dân. Ông Trần Du Lịch mong nhận được sự thông cảm của bà con cử tri.

Tiếp hết dân, đừng tiếp hết giờ

Tại buổi tiếp xúc, rất nhiều ý kiến của bà con cử tri phản ánh về vấn đề chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, phát triển kinh tế… Đặc biệt, nhiều cử tri bày tỏ sự bức xúc khi việc tiếp công dân của nhiều cán bộ, cơ quan Nhà nước không đặt nặng, thậm chí còn xem thường, xử lý qua loa lấy lệ…

Cử tri Nguyễn Công Thành (phường Cô Giang) bức xúc cho rằng hiện đang tồn tại nhiều cán bộ thích ăn chơi, đua đòi, nịnh nọt mà không lo tập trung chuyên môn, giải quyết việc công. “Cán bộ là đầy tớ, là công bộc của dân nhưng sao tôi thấy có loại cán bộ như là ông nội của dân chứ là đầy tớ gì. Mấy ông cán bộ như lãnh đạo 4 công ty công ích ăn lương khủng ở TPHCM vừa rồi thì cho về vườn nuôi gà. Tôi nghĩ Chủ tịch, Bí Thư TPHCM nên lên đài truyền hình xin lỗi người dân vì để xảy ra trường hợp này”, ông Thành nói.

Cử tri Tạ Quang Hưng, phường Tân Định góp ý dự thảo Luật tiếp công dân nên làm sao cho đi sát với thực tế cuộc sống, đừng để luật đi quá xa dân như hiện nay. “Tôi rất đau lòng khi hiện nay Đảng xa dân lắm. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là do dân, vì dân, nhiều luật ban hành, trong đó có luật cán bộ phải dành thời gian tiếp công dân nhưng hầu như các anh chỉ tiếp cho hết giờ chứ không phải hết dân, hết việc. Tôi mong các anh hãy đi đến cùng của vụ việc giải quyết khiếu nại chứ không phải đại biểu được dân bầu lại thay anh bưu điện chuyển đơn khiếu nại. Mong các đại biểu được dân bầu phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu người dân”, ông Hưng nói.

Đồng tình với ý kiến của cử tri Tạ Quang Hưng, cử tri Nguyễn Minh Châu (phường Bến Thành) cũng cho rằng ông rất phấn khởi khi có Luật tiếp công dân. Cán bộ nên tiếp những người dân có bức xúc, vì họ có bức xúc mới tìm đến cán bộ. Cán bộ mà chỉ gặp những lực lượng chính trị nòng cốt thì giải quyết được gì đâu với những chuyện “nóng hổi” mà người dân đang đối mặt. Cán bộ tiếp dân phải là người có tâm, có đức.

Đơn vị số 1, Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp xúc cử tri Quận 1
Đơn vị số 1, Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp xúc cử tri Quận 1

Cử tri Tạ Quang Hưng cũng cho rằng, trong lúc nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân lầm than, cơ cực thì giá điện, xăng dầu lại tăng vô tội vạ. “Mới đây, ngành điện lại đem số tiền khổng lồ đầu tư xây khách sạn, sân golf… thì rất lãng phí. Quốc hội ở kỳ họp tới có đem vụ việc này ra mổ xẻ được không?”, ông Hưng chất vấn.

Cử tri Nguyễn Văn Bông (Hội luật gia quận 1) cho rằng, hiện có quá nhiều dự án thủy điện đang như “hoa đua nở” ở các tỉnh. Thủy điện hoạt động, có thể lợi cho ngành điện nhưng hại về môi trường và cuộc sống của người dân. Ông Bông đề nghị Quốc hội nên giám sát chặt chẽ các dự án thủy điện. Dự án nào thật sự cần thiết, ở địa phương nào cần thiết thì mới triển khai chứ không thể để xây dựng đại trà như hiện nay.

Tái cơ cấu nền kinh tế

Cử tri quận 1, TPHCM cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc Quốc hội ở kỳ họp lần này phải làm sao đề ra những mục tiêu, phương hướng, biện pháp để phát triển nền kinh tế nước nhà.

Cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh) nhận định bức tranh kinh tế của nước ta càng sáng dần, đặc biệt trong năm 2013 nhưng nhìn chung chưa thoát ra giai đoạn trì trệ, chưa cải thiện đáng kể. Thu ngân sách của TPHCM rất khó đạt kế hoạch năm đã đề ra là hơn 216 ngàn tỉ đồng khi đến thời điểm này mới thu được 165 ngàn tỉ, đạt 75% kế hoạch năm.

Đơn vị số 1, Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp xúc cử tri Quận 1
Cử tri bất bình khi nhiều cán bộ xem nhẹ việc tiếp công dân, chỉ mong hết giờ chứ không mong giải quyết hệt việc cho dân

Ông Minh đề nghị kỳ họp Quốc hội này phải làm sao tìm biện pháp gỡ rối cho nền kinh tế, trong kế hoạch ngắn, dài hạn, kế hoạch năm 2014… phải ưu tiên nhiệm vụ giải quyết nợ xấu của ngân hàng, giải quyết điểm nghẽn của tín dụng, xử lý nợ xây dựng, nợ ngân sách… Cần điều chỉnh Nghị quyết 02 của Chính Phủ liên quan gói hỗ trợ tín dụng 3.000 tỷ đồng. Các năm tiếp theo giữ lạm phát từ 5% trở xuống, nếu không khéo sẽ quay lại lạm phát. Đưa các kiềm chế lạm phát thụ động sang kiềm chế lạm phát chủ động. Trong 2 năm 2013-2014 cần mạnh dạng tăng chi công chính đáng và hợp lý để kích cầu, tăng bội chi ngân sách.

Cử tri Trần Đăng Tâm, Bí thư chi bộ khu phố 1, P.Đa Kao thì cho rằng, chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế của Quốc hội, Chính phủ là cần thiết. Đồng thời cần kiên quyết xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất, mất lòng tin. “Những vụ trọng án của tham nhũng, bao giờ mới xử được và xử như thế nào? Tại sao 3-4 năm nay án vẫn nằm tại hồ sơ. Không giải quyết những phản ánh này thì tất cả các kỳ tiếp xúc cử tri đều quanh đi quẩn lại là nói về tham nhũng, làm sao phát triển đất nước”, ông Tâm nói.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ có hẳn một chuyên đề nghe báo cáo tình hình kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là trọng tâm.

Trong 2,5 năm qua, nước ta đã vật lộn rất dữ để ổn định và phát triển nền kinh tế. Bên cạnh thành công, chúng ta phải trả giá đắt khi tồn tại bất động sản rất lớn, doanh nghiệp đình đốn sản xuất, giải thể phá sản nhiều. “Hai năm tới, tiếp tục khắc phục tồn đọng, giữ ổn định vĩ mô, song song giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho. Vừa ổn định vĩ mô vừa đạt mục đích tăng trưởng cao hơn trước, cố gắng ở mức cao nhất có thể”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Công Quang