Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt: Đã hoàn thành trước khi bị cấm!

(Dân trí) - Ngay sau khi báo Dân trí có bài phản ánh “Dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt: Có Công văn tạm dừng thì...rừng đã kiệt”, tại thôn Vin, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), UBND huyện Cẩm Thủy đã thành lập đoàn kiểm tra và kết quả cho thấy, vấn đề báo Dân trí phản ánh là có cơ sở.

>> Dự án cải tạo rừng nghèo kiệt: Có công văn tạm dừng thì... rừng đã kiệt!

Ngày 16/11, ngay sau khi báo Dân trí có bài phản ánh, UBND huyện Cẩm Thủy, đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Kiểm lâm, Công an, Tài Nguyên và Môi trường, phối hợp với UBND xã Cẩm Quý tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung báo phản ánh.

Theo khẳng định của huyện Cẩm Thủy, việc cải tạo rừng nghèo kiệt đã xong trước khi có công văn tạm dừng của tỉnh Thanh Hóa!
Theo khẳng định của huyện Cẩm Thủy, việc cải tạo rừng nghèo kiệt đã xong trước khi có công văn tạm dừng của tỉnh Thanh Hóa!

Qua kiểm tra Hồ sơ cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trồng rừng sản xuất, cho thấy, trên địa bàn xã Cẩm Quý có 3 Quyết định cho phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng sản xuất của các hộ gia đình ở xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy.

Trên cơ sở các Quyết định của Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy đã ban hành 3 Quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác, tận dụng lâm sản khu vực được phép cải tạo của các hộ gia đình trên địa bàn xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy.

Theo đó, tổng cộng trên địa bàn xã Cẩm Quý có 16 hộ gia đình được phép cải tạo rừng và tận dụng lâm sản với tổng diện tích 62,75 ha, tại các thôn: Quang Áo, Chạo, Khạ, Vin, Mực, Bái.

Việc thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt được thực hiện từ đầu năm 2017 đến thời điểm có công văn số 12268/UBND-NN ngày 10/10/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng.

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tại các tiểu khu: 289, 344, 345, 347, thuộc các thôn Quang Áo, Chạo, Khạ, Vin, Mực, Bái. Kết quả kiểm tra có 13/16 hộ gia đình, sau cải tạo, đã trồng xong rừng bằng loài cây Keo lai úc; hiện tại Keo đang phát triển tốt.

Còn lại 3 hộ gia đình: Ông Cao Văn Sơn, thôn Mực, diện tích 4,56 ha; ông Nguyễn Văn Tới, thôn Chạo, diện tích 2,54 ha; ông Cao Khắc Thơ, thôn Vin, diện tích 14,73 ha đã khai thác xong trước ngày 12/10/2017 và đang tiến hành thu dọn hiện trường trồng rừng.

Theo kết quả kiểm tra thì nguyên nhân chưa thu dọn xong là do, thời gian qua mưa bão kéo dài, đường trơn, không thể vận chuyển hết số lâm sản đã khai thác tận dụng. Dự kiến trong tháng 11/2017 sẽ dọn xong và tiến hành trồng rừng vào vụ xuân năm 2018.

Trên địa bàn xã Cẩm Qúy, huyện Cẩm Thủy có quyết định cải tạo hơn 60 ha rừng nghèo kiệt
Trên địa bàn xã Cẩm Qúy, huyện Cẩm Thủy có quyết định cải tạo hơn 60 ha rừng nghèo kiệt

Đồng thời, kiểm tra khu vực cải tạo rừng của hộ gia đình ông Cao Khắc Thơ, thôn Vin xã Cẩm Quý quản lý, có 1 cây Đa, đường kính gốc gần 1m nằm trong diện tích được cấp phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và chặt hạ trước thời điểm cơn bão số 10; gỗ còn tại rừng.

Từ kết quả kiểm tra, UBND huyện Cẩm Thủy kết luận: Việc phản ánh của báo Dân trí là có cơ sở. Tuy nhiên, theo lý giải của UBND huyện Cẩm Thủy, các hộ được phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, đã khai thác tận dụng lâm sản đúng quyết định, đúng địa danh, địa điểm, diện tích, đối tượng được cấp phép.

Huyện Cẩm Thủy khẳng định, sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản 12268/UBND-NN ngày 10/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng thì tất cả các hộ gia đình, cá nhân được cấp phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt đã thực hiện xong việc cải tạo rừng trước thời điểm kiểm tra (12/10/2017), không có tình trạng cải tạo rừng mới hoặc khai thác, tận dụng lâm sản trái quy định của pháp luật.

Duy Tuyên - Chúc Phương