1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cải cách hành chính: Đừng chỉ là giấc mơ!

(Dân trí) - Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội diễn ra tuần qua, nội dung được thảo luận sôi nổi nhất là người dân bức xúc về tình trạng “hành dân là chính” của chính quyền. Vấn đề cấp thiết nhất cần phải giải quyết đó là cải cách hành chính một cách triệt để, hãy làm nhiều, nói ít.

Từ trước đến nay, đã quá nhiều lời kêu gọi, hô hào, ra chỉ thị, nghị quyết, nhưng nền hành chính công vẫn rối như tơ vò, người dân phải gánh chịu quá nhiều nhọc nhằn mỗi khi bước vào cửa công.

Ông Phùng Hữu Phú - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu đầy quyết tâm rằng phải đẩy lùi nạn lộng quyền, lạm quyền, nhũng nhiễu nhân dân, xây dựng được một bộ máy và đội ngũ lãnh đạo từ thành phố đến cơ sở thực sự trong sạch.

Các vị đại biểu HĐND đưa ra nhiều dẫn chứng về sự trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền. Công dân và doanh nghiệp phải sống trong môi trường hành chính công với quá nhiều thủ tục rườm rà, chịu đựng thái độ cửa quyền của cán bộ công chức.

Thực tế đã chứng minh, do môi trường hành chính bị “ô nhiễm” đó, nên sức hút đầu tư của Hà Nội giảm sút, bị đánh giá tụt 26 bậc trong năm 2006 về chỉ số cạnh tranh giữa các địa phương. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc và thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm, đề ra các biện pháp cải cách cụ thể.

Trong tất cả các biện pháp, có ý kiến đáng lưu ý của một vị đại biểu là phải tập trung giải quyết hai vấn đề lớn: thủ tục và con người. Còn trả lời báo chí, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh về việc “cải cách ý thức phục vụ”. Con người và ý thức phục vụ không mới mẻ gì nhưng xem ra nhận thức thật đầy đủ về vấn đề này không phải dễ dàng.

Từ trước đến nay, cán bộ công chức nhà nước được coi là công bộc của dân, vì dân phục vụ. Nhưng trên thực tế, cán bộ công chức có là công bộc của dân hay không thì ai cũng biết?!.

Một số người không những khước từ chức năng công bộc và khoác cho mình chiếc áo quan chức. Do tự nhận như vậy, nên ý thức phục vụ không còn đúng với bản chất của công bộc nữa. Một điểm cần suy nghĩ khác, người dân không đòi hỏi cán bộ công chức là công bộc, càng không mong muốn họ là những ông quan hoạnh họe công dân, mà yêu cầu họ làm đúng trách nhiệm của một công chức, có chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp.

Nói đúng nhất, họ là những công chức chuyên nghiệp, làm tròn phận sự và lãnh lương. Ý thức phục vụ công dân đúng đắn phải xuất phát từ cách tự nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình.

Ông Chủ tịch HĐND đặt quyết tâm xây dựng “đội ngũ lãnh đạo từ thành phố đến cơ sở thực sự trong sạch” là đúng với nguyện vọng và niềm mơ ước của nhân dân. Nhưng nếu không có những biện pháp thực hiện quyết liệt và hiệu quả thì đó vẫn chỉ là một giấc mơ.

Lê Chân Nhân