Các tỉnh, thành trong vùng nguy hiểm của bão cần cấm biển

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp cần kiểm soát tàu, thuyền, lưu ý kêu gọi vào bờ, hướng dẫn các tàu, thuyền neo đậu an toàn và phải đưa người lên bờ khi tàu neo đậu. Đặc biệt là phải thực hiện cấm biển từ ngày 6/11.

Chiều 5/11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai để bàn các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13).
 
Các tỉnh, thành trong vùng nguy hiểm của bão cần cấm biển
 Ngư dân Đà Nẵng cột chằng tàu thuyền và tài sản để ứng phó với bão số 12. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN 

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp cần kiểm soát tàu, thuyền, lưu ý kêu gọi vào bờ, hướng dẫn các tàu, thuyền neo đậu an toàn và phải đưa người lên bờ khi tàu neo đậu. Đặc biệt là phải thực hiện cấm biển từ ngày 6/11.

Phó Thủ tướng lưu ý, đây là cơn bão phức tạp, sức gió mạnh nhưng lại đi vào khu vực ít chịu ảnh hưởng của mưa bão. Do đó, các địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống bão. Có kế hoạch tìm nơi sơ tán, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu phải theo dõi sát tình hình mưa, kiểm soát chặt chẽ các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương phải hoàn thành công tác phòng chống bão trước 12 giờ ngày 6/11.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 13 và càng vào gần bờ bão sẽ mạnh thêm, không chỉ gây ảnh hưởng trên biển mà sẽ đổ bộ vào đất liền, gây nguy hiểm cho vùng biển và đất liền nước ta cho các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang. Mặc dù đã cuối mùa mưa bão, nhưng liên tiếp các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành và đe dọa trực tiếp vùng biển và đất liền nước ta khiến cho diễn biến thời tiết hết sức phức tạp.

Khi cơn bão số 13 đổ bộ, gây mưa lớn với sức gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 11 đổ bộ vào đất liền, các địa phương cần đề phòng xuất hiện giông và lốc xoáy quy mô nhỏ, rất khó dự đoán. Ngoài ra, trên vùng biển Thái Bình Dương, cơn bão Haiyan với cường độ mạnh cũng đang hoạt động và có khả năng đi vào vùng biển phía Đông biển Đông, trở thành cơn bão số 14.

Theo Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 13 giờ 30 ngày 5/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 133.485 phương tiện với 582.782 người biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh. Cụ thể: Hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa (từ Bắc vĩ tuyến 8 đến Nam vĩ tuyến 15) có 905 phương tiện với 11.750 lao động, hoạt động ven bờ từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu có 7.410 tàu thuyền với 45.635 lao động, hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại các bến là 106.132 phương tiện với 446.283 người.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 5/11, các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận hiện duy trì ở mức khoảng 50% - 60% dung tích trữ thiết kế. Hầu hết các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đã đầy nước. Các hồ đang tràn tự do gồm Sông Quao (Bình Thuận), Đắk Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Ea Kao (Đắk Lắk), Đạ Tẻ, Tuyên Lâm, Đạ Hàm (Lâm Đồng). Hồ Ayun Hạ ( Gia Lai) đạt dung tích 98% đang xả 40 m3/s. Hồ chứa nước Dầu Tiếng đạt 92% dung tích trữ thiết kế. Hiện chưa có báo cáo sự cố hồ mất an toàn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có 35 hồ, trong đó 5 hồ đang xả tràn: KaNak: 20m3/s, Ialy 11m3/s, Pleikrong 20m3/s, A Vương 35m3/s, Đak Mi 4a 26m3/s.

Theo Thanh Tuấn

Báo Tin tức