Các nguyên thủ quốc gia được đón tiếp như thế nào tại VIP A Nội Bài?

(Dân trí) - Nhà khách VIP A tại ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (HKQT) - vừa khánh thành sáng 4/1 được sử dụng để đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Nghi thức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia sẽ được tiến hành như thế nào?

Nhằm phục vụ tốt hoạt động đối ngoại của đất nước, đảm nhiệm tốt nhất vai trò tiếp đón các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế, nhà khách VIP A đã tổ chức dây chuyền đưa đón khách và vận chuyển hành lý một cách hợp lý.

Nhà khách VIP A Nội Bài - nơi diễn ra các hoạt động đón tiếp ngoại giao theo nghi thức quốc tế

Nhà khách VIP A Nội Bài - nơi diễn ra các hoạt động đón tiếp ngoại giao theo nghi thức quốc tế

Cụ thể, các chính khách sẽ được đưa đến cửa trước nhà khách bằng xe theo đoàn, được tháp tùng vào từ cửa chính, đón tiếp tại sảnh tiếp tân trung tâm. Khách ngồi chờ chuyến bay tại phòng khách cấp Nguyên thủ hoặc các phòng khách VIP khác. Các thủ tục kiểm tra an ninh, hải quan và thủ tục xuất cảnh sẽ được thực hiện tại các phòng chức năng của nhà khách. Khi đoàn khách khởi hành đi, chính khách sẽ được tháp tùng ra đến sảnh phía khu bay, và được xe đưa thẳng ra tàu bay.

Các chính khách sau khi xuống máy bay sẽ được xe đưa đến khu vực sân nghi lễ để thực hiện các nghi lễ đón tiếp. Sau đó, các chính khách được đưa đến cửa vào phía khu bay, được đón tiếp tại sảnh tiếp tân trung tâm, được tiếp đón và ngồi nghỉ tại phòng khách cấp Nguyên thủ và các phòng VIP khác. Các thủ tục hải quan và thủ tục nhập cảnh sẽ được thực hiện tại các phòng chức năng của nhà khách. Khi các chính khách rời khỏi nhà khách sẽ được tháp tùng ra sảnh phía trước và có xe đón đưa đi.

Sân nghi lễ có diện tích hơn 2000 m2 để thực hiện các nghi lễ đón tiếp trang trọng có đông người khi đón đoàn khách cấp nhà nước đến thăm.

Phòng hội đàm khánh tiết sử dụng khi cần cho những cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Việt Nam và đoàn quan khách quốc tế đến thăm.

Hành lý của các chính khách sẽ được nhân viên đoàn tùy tùng chuyển qua máy soi để kiểm tra theo quy định, được lưu giữ tại phòng hành lý và sau đó được nhân viên mang ra xe để đem lên tàu bay. Đối với hành lý đến của chính khách khi hạ cánh, quy trình này sẽ được thực hiện ngược lại.

Công trình trăm tỷ và sứ mệnh ngoại giao

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có vị trí kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thương của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với các quốc gia trên thế giới, là điểm dừng chân lý tưởng trong mạng đường bay từ châu Âu, Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Dự án Nhà khách - Cảng HKQT Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là liên danh CPG (Singapore)- PAE (USA).  Dự án được khởi công xây dựng ngày 19/5/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Khu vực thực hiện nghi thức dẫn đoàn ngoại giao

Khu vực thực hiện nghi thức dẫn đoàn ngoại giao

Nhà khách được bố trí trên khu đất rộng 26.100m2 trong đó diện tích nhà chính vào khoảng 5.000m2.  Nhà khách có phía Tây giáp với nhà ga T2 mới được đầu tư, phía Đông giáp với Nhà ga trong nước T1 mở rộng, phía Bắc giáp với sân đậu máy bay, phía Nam giáp với đường nội cảng Nhật Tân - Nội Bài. Với vị trí đó, nhà khách VIP A rất thuận tiện trong việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.

Nhà khách được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”, lấy ý tưởng từ hình ảnh của các vườn cảnh và sự tĩnh lặng của mặt hồ giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Phần mái nhà được cách điệu như một cánh hoa sen lớn với những ô lấy sáng được cách điệu với hình ảnh những đài sen vươn lên từ lòng hồ mà phía dưới là phần thân nhà khách. Các góc sân vườn được thiết kế tạo sự cảm nhận ánh sáng ban ngày lan tỏa sâu vào các phòng khách chính. Xung quanh nhà khách là các hồ nước kết hợp với cây xanh, tạo cho nhà khách có cảnh quan giản dị, thanh cao nhưng nồng ấm và sang trọng.

Nhà khách là một công trình biệt lập, có hàng rào ngăn cách với các công trình xung quanh, đảm bảo tính riêng biệt và an ninh tuyệt đối. Hình khối kiến trúc của mái sảnh được thiết kế xuyên suốt theo phương dọc nhà khách, tạo thành khối nhấn chính dọc theo trục nghi lễ từ khu vực đưa khách phía trước đến khu đón khách phía khu bay và ngược lại. Các khoảng mở lấy ánh sáng phía trên mái sảnh đã tạo hiệu ứng ánh sáng thành một đường dẫn hành khách di chuyển từ phía trước ra phía sau nhà khách và ngược lại. Dọc theo trục nghi thức này, các phòng chức năng được bố trí mặt hướng trực tiếp hay vuông góc với trục tuỳ theo mức độ quan trọng riêng biệt của từng phòng.

Với đủ các phòng chức năng, nhà khách VIP A được thiết kế một cách hợp lý, gồm: Phòng hội đàm khánh tiết; Phòng khách dành cho cấp Nguyên thủ; Phòng khách cấp Bộ trưởng; Phòng khách cao cấp; Phòng dành cho đoàn tuỳ tùng; Phòng họp báo; Phòng quản trị nhà khách, kỹ thuật cơ điện; Phòng An ninh, Hải quan, Xuất nhập cảnh; Phòng lễ tân; Sảnh tiếp tân và lưu thông; Tiểu cảnh và sân vườn; Nhà phụ trợ cơ điện…

Được biết, nhà khách hiện hữu tại nhà ga T1 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài được đưa vào sử dụng từ năm 1986 và được nâng cấp vào năm 1996, gồm 1 tầng, diện tích sử dụng chỉ có 823m2. Đến nay, qua nhiều năm sử dụng, nhà khách đã xuống cấp nhiều. Mặt khác do nhà khách có quy mô nhỏ, không có khả năng mở rộng nên không đáp ứng được yêu cầu đón tiếp các đoàn ngoại giao của đất nước.

Châu Như Quỳnh