Các Bộ trưởng bị “phê” vì những lời hứa chưa hoàn thành

(Dân trí) - Lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu thẩm tra tổng thể về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII (năm 2011) tới nay trên cả lĩnh vực hành pháp và tư pháp…

Hoạt động chất vấn tại Quốc hội được đánh giá đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác điều hành của Chính phủ.
Hoạt động chất vấn tại Quốc hội được đánh giá đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác điều hành của Chính phủ.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các lời hứa chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã từng đăng đàn, Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội ghi nhận nhiều việc, nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao đã được thực hiện đạt, thậm chí vượt yêu cầu.

Các ví dụ dẫn chứng như việc nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn bảo đảm trong giới hạn cho phép. Công tác rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện đạt tiến độ và kết quả thiết thực; hoàn thành các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên theo tiến độ (có khả năng hoàn thành trước kế hoạch đề ra 12 tháng). Xây dựng giá dịch vụ y tế bao gồm thêm yếu tố tiền lương; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế sẽ đạt xấp xỉ 75% vào cuối năm 2015…

Cũng có những lĩnh vực dù không được giao cụ thể thời hạn hoàn thành nhưng các cơ quan điều hành vẫn tích cực triển khai thực hiện, đem lại kết quả khá rõ nét. Đó là kết quả quan trọng đạt được trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giữ thị trường vàng, tiền tệ, tỷ giá; kết quả tích cực trong chương trình phat triển nhà ở xã hội trọng điểm; liên tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; triển khai tích cực chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…

Tuy nhiên, các cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ những lĩnh vực đã được các Bộ trưởng hứa trước Quốc hội, Quốc hội thống nhất giao chỉ tiêu và thực tế các tư lệnh ngành đã triển khai thực hiện nhưng chuyển biến tạo được còn chậm, hạn chế.

Về lĩnh vực kinh tế, xây dựng, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ - môi trường, báo cáo thẩm tra nêu rõ, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ở các dự án vẫn diễn ra; tăng quy mô, tăng giá không hợp lý.

Tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2013 còn chậm; tại một số tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa, tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn ở mức cao, quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới. Việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian qua có thời điểm còn chưa thật sát thực tế. Nợ công có xu hướng tăng.

Giá điện, giá xăng dầu mới từng bước tổ chức thực hiện quản lý theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và theo xu hướng giá thế giới. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn phức tạp, chưa kiểm soát được.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không, hàng hải vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Tình trạng xả thải gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước tại các làng nghề ngày càng trầm trọng; việc đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về lĩnh vực văn hoá – xã hội, việc tổ chức dạy thêm, học thêm vẫn còn những tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội. Việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa còn nhiều bất cập; sự xuống cấp về đạo đức xã hội vẫn còn nhức nhối; kinh phí tu bổ, tôn tạo so với nhu cầu thực tế còn thấp, phổ biến tình trạng biến di tích thành công trình mới; hệ thống bảo tàng còn nhiều bất cập. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tình hình lễ hội còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Hạ tầng các thiết chế văn hóa bị xuống cấp phổ biến ở nhiều địa phương; tình trạng lễ hội diễn ra còn tràn lan, bị lạm dụng, hiệu quả văn hóa thấp. Hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo, chính sách phát triển còn chưa hợp lý.

Về hoạt động tư pháp, nội vụ, trật tự an toàn xã hội, nhận xét được đưa ra là các loại tệ nạn như mại dâm, nghiện ma túy đều gia tăng là một trong những nguyên nhân phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng còn hạn chế. Vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ (nhất là một số lực lượng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra) trình độ còn hạn chế, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, phẩm chất.

Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn hạn chế; việc kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn chưa hiệu quả.

Cũng không ít những nội dung thực hiện lời hứa được cho là không đạt yêu cầu. Không điểm danh cụ thể từng lĩnh vực, từng vị tư lệnh ngành nhưng báo cáo thẩm tra cũng nhắc về một số chỉ tiêu cụ thể Quốc hội giao không được hoàn thành như việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

Đối với việc thực hiện Nghị quyết chất vấn của TAND tối cao, các cơ quan giám sát cho rằng, ngành toà án vẫn để xảy ra những trường hợp kết án oan người vô tội, một số loại án chưa đạt chỉ tiêu giảm ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm trước; chưa khắc phục được triệt để tình trạng phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật.

Về việc kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự có đơn kêu oan, đã xét xử có mức án phạt tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, đến nay mới tiến hành rà soát, giải quyết xong 35 trường hợp, vẫn còn 15 trường hợp đang tiếp tục rà soát.

Đối với VKSND tối cao, báo cáo thẩm tra nêu các hạn chế như, một số VKS địa phương còn để xảy ra oan, sai; chậm phát hiện vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp để kịp thời kháng nghị, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ thực tiễn và công cuộc cải cách tư pháp.

P.Thảo