Cá Nhám Voi “trong sách đỏ” dạt vào bờ biển Khánh Hòa

(Dân trí) - Ngày 28/1, người dân xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết đã phối hợp với cơ quan chức năng bàn giao cho Viện Hải Dương học Nha Trang một con cá Nhám Voi “khủng” bị thương dạt vào bờ biển.

 

Cá Nhám Voi dạt bào bờ biển Vạn Ninh, Khánh Hòa - Ảnh: C.T.
Cá Nhám Voi dạt bào bờ biển Vạn Ninh, Khánh Hòa - Ảnh: C.T.

 

Ngay sau khi tiếp nhận, các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang sẽ bảo quản, ước xác để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Cá Nhám Voi có đặc điểm là thân rất lớn, đầu dẹp bằng, đuôi nhỏ, trên lưng có một gờ da chạy từ đầu đến vây lưng thứ nhất. Khi trưởng thành chúng có thể nặng khoảng 10 tấn, dài khoảng 18m.

Theo ông Võ Văn Quang, Trưởng phòng động vật có xương sống, Viện Hải dương học Nha Trang, cá Nhám Voi (tên tiếng Anh- Whale shark), tên khoa học (Rhincodon typus Smith) thuộc họ cá Nhám Voi (Rhincodontidae), bộ cá Nhám Râu (Orectolobiformes), phân lớp cá Mang Tấm (Elasmobranchi), lớp Cá Sụn (Chondrichthyes).

Cá Nhám Voi thường sống ngoài khơi Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, thường bơi vào ven bờ kiếm mồi. Ở Việt Nam, loài cá này thường sống ở Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông và vùng biển Tây Nam. Cá Nhám Voi là loài có kích thước lớn, lớn nhất trong lớp Cá Sụn, nhưng ôn hòa, không gây hại cho con người.

 

Cá Nhám Voi đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam - Ảnh: C.T.
Cá Nhám Voi đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam - Ảnh: C.T.

 

Được biết, trước đó vào năm 2010, Viện Hải dương học Nha Trang đã mua một con Cá Nhám Voi nặng khoảng 1,5 tấn, dài hơn 5m do một ngư dân ở Quy Nhơn (Bình Định) đánh bắt được ở tại vùng bãi Hải Giang. Cá Nhám Voi là nguồn gen quí, cần được bảo vệ, đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 1992 và 2000.

Viết Hảo