Cà Mau không đồng ý cho nhà máy xử lý rác tiếp tục ngưng hoạt động

(Dân trí) - Sau 3 tháng đóng cửa để bảo trì, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) lại tiếp tục xin gia hạn ngưng hoạt động. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau không đồng ý.

UBND tỉnh Cà Mau cùng Sở, ngành tỉnh vừa có buổi làm việc với chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau về việc xem xét tình hình hoạt động của nhà máy này.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận cho Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư) ngưng hoạt động 3 tháng (kể từ ngày 27/7) để bảo trì, bảo dưỡng.

Tuy nhiên, đến ngày hết hạn cho phép, chủ đầu tư lại tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng tiếp nhận rác thêm khoảng 3 tháng.

Theo đại diện chủ đầu tư Công ty Công Lý, nhà máy còn gặp một số khó khăn nên phải tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, các thiết bị gần như hoàn thiện, chỉ còn một số thiết bị nhập từ nước ngoài về do phụ thuộc vào bên sản xuất nên công ty xin gia hạn thêm khoảng 90 ngày để nhà máy đưa vào hoạt động.

Phía Công ty Công Lý cũng cho rằng, từ ngày đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau thua lỗ khoảng 130 tỷ đồng. Công ty mong muốn được xem lại cách tính thuế vì bị truy và phạt gần 10 tỷ đồng; xin được giao 10 ha đất; xin được tăng đơn giá hỗ trợ xử lý rác lên 500.000 đồng/tấn...

Bãi rác của Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau còn tồn động khá lớn.
Bãi rác của Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau còn tồn động khá lớn.

Ông Lâm Văn Bi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh rất chia sẻ những khó khăn của doanh nhiệp. Tuy nhiên, thời gian tỉnh cho phép nhà máy ngưng hoạt động đến nay đã hết, và chủ trương của tỉnh là không cho phép nhà máy tiếp tục ngưng hoạt động.

“Quan điểm của tỉnh là không đồng ý cho gia hạn, mà đề nghị chủ đầu tư phải tìm mọi biện pháp để lắp đặt thêm thiết bị để hoạt động trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh cũng không còn thời gian và việc chậm trễ này doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm", ông Bi nêu quan điểm.

Theo ông Bi, việc nhà máy xử lý rác ngưng hoạt động sẽ rất khó khăn cho địa phương. TP Cà Mau phải xử lý rác theo phương pháp thủ công, còn các huyện rất khó khăn trong việc tập kết, xử lý bãi rác tạm.

Ông Lâm Văn Bi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, quan điểm của tỉnh là không đồng ý cho chủ đầu tư gia hạn thêm thời gian ngừng hoạt động Nhà máy xử lý rác.
Ông Lâm Văn Bi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, quan điểm của tỉnh là không đồng ý cho chủ đầu tư gia hạn thêm thời gian ngừng hoạt động Nhà máy xử lý rác.

Theo ông Lâm Văn Bi, việc Công ty Công Lý xin giao thêm 10 ha đất, trên tinh thần là tỉnh ủng hộ, nhưng chủ đầu tư chưa có phương án sử dụng cụ thể. Bởi theo quy định, muốn được giao đất thì chủ đầu tư phải có dự án, phương án sử dụng phần đất như thế nào, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận mới giao đất.

Riêng việc chủ đầu tư yêu cầu được tăng thêm mức hỗ trợ từ 350.000 đồng/tấn rác lên 500.000 đồng, theo ông Bi, tỉnh Cà Mau đang hỗ trợ cho nhà máy không thấp hơn so với các tỉnh khác, nên chủ đầu tư cần chia sẻ khó khăn với ngân sách của địa phương. Do đó, hiện tại tỉnh không thể tăng thêm mức hỗ trợ.

Nhà máy xử lý rác ngưng hoạt động khiến cho lượng rác ở các bãi rác tạm rất niều, gây ô nhiễm, bức xúc trong dân.
Nhà máy xử lý rác ngưng hoạt động khiến cho lượng rác ở các bãi rác tạm rất niều, gây ô nhiễm, bức xúc trong dân.

Ông Trịnh Văn Lên- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại một số huyện vẫn chưa tìm được vị trí làm bãi rác tạm, còn bãi rác tạm ở huyện Đầm Dơi hết khả năng chứa, nếu tiếp tục để Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau ngưng hoạt động thì việc tập kết, xử lý các bãi rác tạm sẽ khủng hoảng.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau ngưng hoạt động, khiến tình trạng rác thải ở các địa phương hiện đã tồn đọng, quá tải,...

Theo phản ánh của người dân xung quanh khu vực nhà máy rác, trong những ngày mưa nhiều, tình trạng nước thải chưa được xử lý được thải ra từ nhà máy gây hôi thối, ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân địa phương.

Giang Hải Yến