Bơm chất độc vào sừng tê giác để cứu loài vật đang bên bờ tuyệt chủng

(Dân trí) - Sừng tê giác không có tác dụng trị bệnh nhưng do sự nhầm tưởng, con người đã săn bắt, giết hại, đẩy tê giác đến bờ vực tuyệt chủng. Để cứu loài vật này, các chuyên gia đã bơm một loại chất độc không gây hại cho tê giác nhưng có thể gây hại cho người sử dụng sừng tê giác.

Loài tê giác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt lấy sừng của con người
Loài tê giác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt lấy sừng của con người

Ngày 15/4, tại TPHCM đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các phóng viên thông tấn báo chí và TS Lorinda Hern đại diện cho Rhino Rescue Project (Dự án Giải cứu tê giác). 

Qua những thông tin được chia sẻ tại buổi đối thoại, chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có tới 1.200 con tê giác chết do nạn săn bắt ở Nam Phi. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc lại tăng theo cấp số nhân. Nếu không có giải pháp nhăn chặn kịp thời, sự tuyệt chủng của tê giác là cái kết không thể tránh khỏi.

Trước đó, dự án Giải cứu tê giác đã thử nghiệm lâm sàng bằng cách bơm chất ectoparasiticides trên bò. Những con bò trong quá trình thử nghiệm vẫn có thai và sinh bê con khỏe mạnh, tất cả đều cho sữa bình thường, nhưng chất độc trong sừng bò vẫn được bảo lưu. Năm 2010, TS Lorinda và các cộng sự trong Dự án Giải cứu tê giác đã công bố nghiên cứu trên và quyết định áp dụng thực tế để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và những nơi có nạn săn bắt trộm.


Đội giải cứu tê giác ở Nam Phi đã quyết định truyền độc vào sừng tê giác
Đội giải cứu tê giác ở Nam Phi đã quyết định truyền độc vào sừng tê giác

Theo bác sĩ Charles Van Niekerk, Giám đốc điều hành của Tổ chức Động vật hoang dã: “Chất ectoparasiticides trên hạng mục đăng ký sử dụng không dành cho mục đích sử dụng của con người vì sự độc hại. Tuy nhiên, với tê giác chất này là vô hại, ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu sẽ làm nhiễm độc sâu và làm bẩn sừng tê giác, khiến nó không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí. Bên cạnh đó, một mẫu DNA của tê giác sẽ được lấy và ba vi mạch nhận dạng được cấy vào sừng và cơ thế của tê giác. Việc gắn vi mạch theo dõi cũng tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ chúng”.

Bác sĩ Charles cho biết thêm, không gây hại cho tê giác nhưng ectoparasiticides có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng sừng tê giác đã bị bơm loại chất này. Mặc dù không gây chết người với một lượng nhỏ nhưng nếu tình cờ nuốt phải chất độc này, người dùng có thể bắt gặp những triệu chứng: buồn nôn nặng, nôn mửa, co giật và có thể dẫn tới tử vong nếu dùng lượng lớn. Với những người bệnh đang trong quá trình điều trị y khoa, việc kết hợp sử dụng sừng tê giác có chứa độc tố sẽ khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn.

Các mũi khoan bằng máy tạo lỗ rỗng ngay trên sừng con vật
Các mũi khoan bằng máy tạo lỗ rỗng ngay trên sừng con vật

Sau đó là quá trình bơm chất độc.
Sau đó là quá trình bơm chất độc.

Đại diện Dự án Giảo cứu tê giác khẳng định: “Người tiêu dùng chỉ là không biết và bị lợi dụng bởi những kẻ tội phạm muốn làm giàu cho bản thân chúng từ việc bán các sản phẩm bất hợp pháp. Họ không phải kẻ thù của chúng tôi. Đừng nên tin vào những bọn săn trộm, chúng chỉ muốn kiếm tiền và không quan tâm nếu ai đó bị tổn hại từ chất độc được bơm vào sừng tê giác. Đừng mạo hiểm sức khỏe của bạn cho những thứ không đáng.”

Quy trình bơm chất độc được thực hiện bằng dụng cụ có áp suất rất lớn và van một chiều, giúp ngăn chất lỏng thoát khỏi các lỗ khoan nhỏ, sau 10 đến 15 phút việc bơm chất độc hoàn tất. Van một chiều giữ chất độc trong sừng giúp nó ngấm sâu và lan tỏa rộng trong cấu trúc sừng con vật. Chất độc sẽ tác động đến sừng và duy trì hiệu quả trong khoảng 3 đến 4 năm (một chu kỳ phát triển đầy đủ của sừng), sau đó quy trình này sẽ được lặp lại. Chất ectoparasiticides và thuốc nhuộm có khả năng tự phân hủy, vì vậy sẽ không ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như tác động đến sự sinh trưởng của các loài vật khác.

Sừng tê giác sẽ bị nhiễm độc có hại đối với con người
Sừng tê giác sẽ bị nhiễm độc có hại đối với con người

TS Lorenda và cộng sự đang truyền độc vào sừng tê giác
TS Lorenda và cộng sự đang truyền độc vào sừng tê giác

Cùng với quá trình bơm thuốc độc, kim loại nặng và các vật liệu huỳnh quang dưới tia UV (dùng riêng cho mục đích quân sự) cũng được cấy vào sừng tê giác. Hai chất này nếu vận chuyển qua đường hàng không sẽ bị máy quét ở sân bay phát hiện. Sừng tê giác được tiêm thuốc cũng sẽ chứa chất đánh dấu phóng xạ và có thể được phát hiện với máy quét và đếm Geiger chuyên phát hiện bức xạ.

Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đang kêu gọi người dân tại các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, hãy hiểu đúng về việc sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng có lợi đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, Dự án Giải cứu tê giác đang nỗ lực phát đi thông điệp về việc sừng tê giác đã được bơm chất độc để bảo vệ sự sống của chủng loài này và hy vọng không có người chết oan vì chính chất độc mà họ đã dùng.

Vân Sơn
(Ảnh: Dự án Giải cứu tê giác cung cấp)