Bộ Y tế dung dưỡng sai phạm của giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ?

(Dân trí) - Bị báo chí phanh phui nhiều sai phạm nhưng giám đốc Đặng Quang Tâm cho đến nay chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Dư luận đang đặt nghi vấn, phải chăng Bộ Y tế dung dưỡng ông Tâm?

Ngày 8/5/2013, Thanh tra Bộ Y tế do ông Hà Hào Hiệp (Phó Chánh Thanh tra Bộ) đã công bố kết luận thanh tra tố cáo của công dân đối với những sai phạm của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ Đặng Quang Tâm. Kết quả thanh tra đã khiến nhiều người giật mình về mức độ nghiêm trọng của những sai phạm.

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hiện nay là với những sai phạm của ông giám đốc, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm minh hay chỉ dung dưỡng như nhiều lần xử lý trước đó.

Bộ Y tế “dung dưỡng” sai phạm của giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - nơi giám đốc bệnh viện để xảy ra nhiều sai phạm pháp luật nghiêm trọng.

Sai phạm nghiêm trọng nhất của ông giám đốc Đặng Quang Tâm là vi phạm luật đấu thầu, điển hình như vụ tự ý mua sắm tài sản với số tiền hơn 70 tỷ đồng mà không xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế. Bên cạnh đó, việc ông Tâm xét cho trúng thầu mặt hàng thuốc Harxone chưa được cấp phép mà theo kết luận của Bộ Y tế, điều này đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Qua đó cho thấy ông Tâm dám cả gan “bỏ quên” và “qua mặt" cả lãnh đạo cấp trên, một hành vi không thể chấp nhận được.  

Quá trình hoạt động đấu thầu trên trước đó vào năm 2011 cũng đã được Bộ Y tế cho kiểm tra và phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, một điều hết sức ngạc nhiên là dù bị cấp dưới “qua mặt” nhưng Bộ Y tế lại xử lý một cách rất nhẹ nhàng là cho… kiểm điểm rút kinh nghiệm. Ngay cả khi Bộ này có thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật nhưng chỉ để thông báo… không xử lý kỷ luật. Qua tìm hiểu của PV, trong các vụ đấu thầu, hai phó giám đốc hầu như không hay biết gì và lẽ ra người bị kiểm điểm là giám đốc Đặng Quang Tâm nhưng Bộ lại kiểm điểm cả ban giám đốc (3 người) liệu có hợp lý?

Những sai phạm trên liên quan việc sử dụng tiền tỷ, Bộ lại cho rằng “không gây tổn thất về kinh tế cho Nhà nước” nên không xử lý kỷ luật, không biết Bộ Y tế căn cứ vào đâu để có quyết định này? Thử hỏi Bộ Y tế có dung dưỡng cho cấp dưới mà đứng đầu là ông Tâm ? hay Bộ không muốn có tai tiếng cho ngành, muốn cho qua để “anh em cùng một nhà hòa là xong”?.

Bộ Y tế “dung dưỡng” sai phạm của giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ
Lần Thanh tra bệnh viện vào năm 2011 do ông Bùi Đức Phong làm Trưởng đoàn kết luận dù có sai phạm nhưng sau đó chỉ là kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Vụ “qua mặt” Bộ Y tế tự ý mua sắm tài sản hơn 70 tỷ đồng, đoàn Thanh tra thứ hai do ông Hà Hào Hiệp (Phó Chánh Thanh tra Bộ) làm Trưởng đoàn cũng đã làm rõ và Bộ Y tế cũng kết luận có sai phạm. Ngoài ra, qua thanh tra, Bộ cũng làm rõ hành vi xét đấu thầu không đúng quy định, trong đó liên quan đến mức chênh lệch đến 120 tỷ đồng thông qua việc ông giám đốc Đặng Quang Tâm ký 2 quyết định cùng số về việc phê duyệt kết quả đấu thầu rộng rãi năm 2011.

Con số 120 tỷ đồng không phải là con số nhỏ, vậy mà phía lãnh đạo bệnh viện giải trình là do “sơ suất về hành chính”. Một bệnh viện lớn, trực thuộc Bộ có lời giải trình một cách sơ sài như thế liệu có chấp nhận được? Bộ Y tế đã kết luận sai phạm thì không biết Bộ sẽ xử lý sai phạm này như thế nào ? Và thiết nghĩ không chỉ kiểm điểm trách nhiệm, việc sai phạm liên quan hàng trăm tỷ đồng này rất cần các nhà chuyên môn, cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ có hay không thiệt hại về kinh tế để xử lý đúng pháp luật.

Một trong những vụ đấu thầu rất rõ ràng là việc bệnh viện mua trang thiết bị văn phòng bao gồm tủ tài liệu, tủ hồ sơ với tiêu chuẩn kỹ thuật là “ván xoan đào ghép thanh”. Tuy nhiên, những chiếc tủ này khi được giao lại là ván ép. Trong khi đó, Bộ Y tế có kết luận các tủ này được làm bằng gỗ công nghiệp nhưng Bộ lại kết luận không có cơ sở để xác định, việc này thuộc về cơ quan điều tra.

Điều trớ trêu trong vụ "ván xoan đào biến thành ván ép" là trong kết luận kiến nghị xử lý, Bộ Y tế lại không “đả động” gì đến việc này. Lẽ ra theo kết luận thanh tra "không có cơ sở xác định" thì Bộ Y tế phải chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra để làm rõ có hay không dấu hiệu sai phạm làm thất thoát tiền Nhà nước của người đứng đầu. Trong vụ này, phải chăng Bộ “cố tình bỏ quên” để không truy cứu trách nhiệm đến cùng ông giám đốc có “phép thuật” hô biến ván xoan thành ván ép?

Ông Đặng Quang Tâm đã lấy quyền là giám đốc đã tiếp nhận và cử anh vợ là bác sĩ Nguyễn Minh Tấn (bị kỷ luật buộc thôi việc chỉ mới 2 tháng tại bệnh viện tuyến dưới là Đa khoa Cần Thơ) đi học lớp chuyên khoa 2 và cho hưởng lương dù ông Tấn chưa phải là cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Điều đáng nói ở vụ việc này là ông Nguyễn Minh Tấn dù cho rằng mình đi học bằng kinh phí tự túc nhưng lại có tên trong danh sách dự án Hỗ trợ y tế ĐBSCL, một dự án lớn do tổ chức quốc tế tài trợ.

Dư luận đặt ra nghi vấn “ông Tấn đi học tự túc, vậy tên của ông này nằm trong dự án là để làm gì?”. Có thể nói rằng, nếu như báo chí không phanh phui kịp thời thì liệu ông Tấn có “đi học tự túc” hay là “được hưởng hỗ trợ của dự án trên”? Chuyện này chỉ có ông Tấn và người “đạo diễn” là giám đốc Đặng Quang Tâm (em vợ ông Tấn) mới biết.

Trong vụ việc giám đốc Tâm "cử anh vợ đi học", Bộ Y tế lại kết luận không có gì. Song, Bộ lại có kiến nghị thu hồi số tiền đã trả lương cho Tấn- một kết luận hết sức tréo ngoe chỉ xảy ra tại Bộ Y tế.

Bộ Y tế “dung dưỡng” sai phạm của giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ

Dù vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong công tác quản lý ở bệnh viện nhưng giám đốc Đặng Quang Tâm vẫn được Bộ Y tế "dung dưỡng" nhiều sai phạm.

Thêm một vụ lãnh đạo Bộ Y tế xử lý mập mờ đó là sau khi đoàn Thanh tra (do Phó Chánh Thanh tra Hà Hào Hiệp làm Trường đoàn) qua 2 lần công bố dự thảo kết luận thanh tra sai phạm vào tháng 3/2013, giám đốc Đặng Quang Tâm tất bật làm công văn (số 77/CVBV ngày 25/3/2013) gửi Bộ đề nghị cử một đoàn gồm lãnh đạo Bộ, Chánh thanh tra…trực tiếp vào làm việc với bệnh viện.

Công văn do Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ký với nội dung Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám đốc, Ban chấp hành Công đoàn không thống nhất với dự thảo kết luận nhưng thực tế theo tìm hiểu của PV, nhiều thành viên trong BCH Đảng ủy, Ban giám đốc, BCH Công đoàn không hề hay biết có công văn này được gửi ra Bộ. Phải chăng ông giám đốc gửi công văn "ngầm" là để cần một “phao cứu” từ lãnh đạo Bộ Y tế ? Và Bộ Y tế đã “quăng phao” bằng cách cử Thứ trưởng, Chánh Thanh tra vào theo đề nghị của cấp dưới, dù đoàn lãnh đạo này vào chỉ ngồi nghe chứ không cần có ý kiến gì, một việc làm chẳng dính dáng gì đến công tác thanh tra.     

Liên quan đến ban lãnh đạo bệnh viện, có một chuyện hết sức nực cười đó là Ban giám đốc vẫn mặc nhiên điều hành bệnh viện dù đã hết thời hạn được bổ nhiệm. Cụ thể, giám đốc là ông Đặng Quang Tâm và phó giám đốc Phan Thanh Tòng hết hạn bổ nhiệm vào tháng 7/2012, một phó giám đốc khác là La Văn Phương hết hạn bổ nhiệm vào tháng 4/2012. Cho đến nay đã hơn một năm, 3 thành viên trong Ban giám đốc dù đã hết thời hạn bổ nhiệm mà vẫn làm việc bình thường thì không hiểu Bộ Y tế “quên” bổ nhiệm lại hay còn có lý do nào “khó nói” khác?

Một nghịch lý nữa là qua các sai phạm, Bộ Y tế kiến nghị kiểm điểm nhưng ở đây là ban giám đốc “lậu” hay nói theo cách khác là hết quyền lãnh đạo thì kiểm điểm được ai?

Công văn này là một trong những phao cứu của giám đốc Đặng Quang Tâm.
Công văn này là một trong những "phao cứu" của giám đốc Đặng Quang Tâm.

Với một số vụ việc được nêu ở trên, qua đơn tố cáo của công dân về các sai phạm của giám đốc Đặng Quang Tâm, Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều sai phạm rất “nghiêm trọng”, thậm chí đến mức gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước và nhân dân, mà trong đó ông giám đốc là “nhân vật” chính.

Bộ Y tế có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan trong công tác đấu thầu; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm nhiều năm trong công tác đấu thầu cũng như trong công tác sử dụng bổ nhiệm cán bộ gây bức xúc cho cán bộ, nhân viên, người lao động, gây mất đoàn kết trong nội bộ bệnh viện thì với những sai phạm đã được chỉ rõ, những kiểm điểm kiểu này liệu lãnh đạo Bộ Y tế có quyết liệt xử lý đến nơi đến chốn?

Để một bệnh viện tầm cỡ như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ hoạt động vững mạnh, việc xử lý những sai phạm rất cần sự “công tâm” của lãnh đạo Bộ Y tế, bởi xử lý nghiêm “con sâu làm rầu nồi canh” cũng là để lấy lại uy tín, sự trong sạch của ngành "lương y như từ mẫu".

                                                                                                Huỳnh Hải