Bộ Tư pháp nói gì về việc không kê biên tài sản của ông Đinh La Thăng?

(Dân trí) - Liên quan đến việc ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị tuyên bồi thường 630 tỷ đồng, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ gây khó khăn khi thu hồi tài sản sau này.

Ông Nguyễn Văn Sơn trả lời tại cuộc họp báo.
Ông Nguyễn Văn Sơn trả lời tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 6/4, một loạt câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự: Mới đây, TAND TP Hà Nội tuyên ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải bồi thường 630 tỷ đồng trong 2 vụ án nhưng quá trình điều tra lại không kê biên, phong toả tài sản, tài khoản của ông Thăng. Mặc dù đến nay bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng việc không kê biên, phong toả tài sản sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thi hành án sau này và liệu chuyện đó có lặp lại “bóng ma thi hành án” như vụ Vinashin khi không thu hồi được số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng?.

Trả lời, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định, vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng mới trải qua xét xử sơ thẩm và bản án chưa có hiệu lực pháp luật nên sẽ chỉ nói về mặt nguyên tắc.

Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm, thẩm quyền tổ chức thi hành các phần dân sự trong các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Khi nào bản án có hiệu lực pháp luật và chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự thì mới tiến hành thi hành thu hồi tài sản.

“Đối với những loại việc như này mà không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì khó khăn thu hồi tài sản, đặc biệt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thu hồi tài sản cho Nhà nước”- ông Sơn nói.

Ông Sơn nhấn mạnh, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. “Còn tại sao không áp dụng, chúng tôi khó trả lời. Nhưng chúng tôi mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp phong toả tài sản, tài khoản thì chúng tôi sẽ thuận lợi trong thi hành án, thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước”- ông này cho hay.

Khi được đề nghị nêu quan điểm về kẽ hở của pháp luật khi quá khứ đã xảy ra rất nhiều vụ án không thu hồi được số tiền rất lớn về cho ngân sách nhà nước, vị lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nêu quan điểm: Căn cơ, cốt lõi là phải quản lý được về tài sản, tài khoản minh bạch.

“Quan chức nhiều nước trên thế giới có bao nhiêu tiền, bao nhiêu bất động sản, tài khoản thì cơ quan nhà nước đều biết hết. Chúng tôi cũng kiên trì đề nghị tiếp cận như vậy và chúng ta sẽ từng bước quản lý xã hội theo hướng này. Ngoài ra, nếu quá trình thực hiện nhiệm vụ tố tụng thấy áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuận lợi cho cơ quan thi hành án thì cần chủ động, ráo riết sẽ nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước về sau”- ông Sơn thẳng thắn.

Như Dân trí phản ánh trước đó, trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa kết thúc xét xử sơ thẩm cách đây ít lâu, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỷ đồng. 6 bị cáo khác liên đới bồi thường 200 tỷ đồng.

Trước đó, trong vụ án cố ý làm trái liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, TAND TP Hà Nội cũng xác định các bị cáo đã gây thiệt hại nhà nước khoảng 120 tỷ đồng; trong đó, riêng bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án 13 năm tù và phải bồi thường 30 tỷ đồng, các đồng phạm khác của ông Thăng phải bồi thường khoảng 89 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà ông Đinh La Thăng sẽ phải bồi thường trong hai vụ án lên tới 630 tỷ đồng. Điều dư luận đặc biệt quan tâm là tính khả thi của việc thu hồi số tài sản rất lớn này bởi trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không kê biên tài sản nào của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm.

Thế Kha