Bộ Tư pháp không ủng hộ đề xuất tước vĩnh viễn bằng lái của tài xế “ma men”

(Dân trí) - Bộ Tư pháp khẳng định việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với lái xe thực hiện các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để...

Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Theo Bộ Tư pháp, trong quá trình triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức xử phạt mới như: Tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông); buộc lao động phục vụ cộng đồng…

Bộ Tư pháp không ủng hộ đề xuất tước vĩnh viễn bằng lái của tài xế “ma men” - 1

Bộ Tư pháp không "mặn mà" với đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn của các tài xế vi phạm quy định sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông. (Ảnh minh họa)

Việc này cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất khẳng định sự cần thiết phải bổ sung các hình thức xử phạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Loại ý kiến thứ hai, không nhất trí bổ sung một số hình thức xử phạt mới vì đây là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, do vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể.

Hơn nữa, trong điều kiện chỉ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như hiện nay thì việc bổ sung quy định là không phù hợp.

Liên quan đến biện pháp tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, Bộ Tư pháp khẳng định việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với các lái xe có sử dụng rượu, bia, ma túy, cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để.

"Phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm… Vì vậy cần phải tiến hành đồng bộ, siết chặt, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các công tác này trên thực tế.

Từ đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nghiêng về phương án 2.

Cắt điện, nước đối với các đối tượng vi phạm chây ỳ?

Theo Bộ Tư pháp, thực tế có những trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt nhưng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định trong luật hiện hành vì không phù hợp. Chính vì thế cần phải có những biện pháp cưỡng chế khác phù hợp hơn, như ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm, chấm dứt hiệu lực giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động…

Khi xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có 2 luồng ý kiến xung quanh việc này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, cần bổ sung trong dự thảo luật điều khoản quy định: Giao Chính phủ quy định các biện pháp cưỡng chế phù hợp trong các lĩnh vực quản lý.

Loại ý kiến thứ hai phân tích, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm, do vậy việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào, trong trường hợp nào phải do Quốc hội quy định trong Luật, chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành các biện pháp đã được Luật quy định.

Với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp đã đề xuất phương án quy định trong dự thảo luật theo loại ý kiến thứ hai.

Thế Kha