1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Y tế: Tôi chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép…

(Dân trí) - Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về lời hứa giải quyết quá tải bệnh viện công nhưng tình trạng này đang trầm trọng hơn, người đứng đầu ngành y tế khẳng định, chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép…

Cần nâng tuổi phục vụ của bác sỹ

Báo cáo trước Quốc hội chiều 22/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, nếu như năm 2008, thường xuyên có khoảng 15.000 người phải nằm ghép hàng ngày thì nay con số chỉ trên 6.000 người, tập trung chủ yếu ở các khoa tim mạch, huyết áp, ung thư, nhi... Đáng chú ý là một số bệnh viện không còn ghép như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Thanh Nhàn…
 
Bộ trưởng Y tế: Tôi chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép… - 1
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: "Một số bệnh viện không còn nằm ghép..." (ảnh Việt Hưng)

Đại biểu Trần Thị Kim Phượng (Hà Nội) đặt câu hỏi: Bộ trưởng đã từng hứa giải quyết quá tải bệnh viện công nhưng lần này, Bộ đã thừa nhận tình trạng này. Trong khi sắp mãn khoá và hết nhiệm kỳ nhưng tình trạng còn trầm trọng hơn. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: Thực tế trong năm 2009 Bộ Y tế có công văn gửi cho hơn 200 báo, trong đó Bộ chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép trong 2, 3 hay 4 năm. Nhưng có câu hỏi tại kỳ họp thứ hai, đại biểu đoàn Khánh Hòa hỏi thì Bộ Y tế trả lời quyết tâm nhưng nếu không được cấp đủ tiền thì không thể biết bao giờ. Ví dụ bệnh viện Việt Đức chỉ cần một năm nhưng có nơi cần đến 7, 10 năm.

Liên quan tới vấn đề giảm tải, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, có nguyên nhân từ việc triển khai xã hội hóa còn nhiều hạn chế, thiếu nguồn nhân lực cũng như chế độ chính sách đãi ngộ những người làm việc ở những khu vực miền núi, khó khăn.
 
Theo Bộ trưởng, vấn đề xã hội hóa y tế đang “mắc” nhất là đất đai, việc giao “đất sạch” cho y tế tại các địa phương còn nhiều hạn chế, trong khi nguồn nhân lực thì thiếu. Để giải quyết vấn đề này, người đứng đầu ngành y tế kiến nghị cần nâng tuổi phục vụ của các bác sĩ còn có đủ khả năng cống hiến.

Giải đáp về chế độ chính sách cho ngành y tế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tiền lương trong y tế có điều chỉnh theo cải cách tiền lương, căn cứ lộ trình đất nước sẽ có bước đi nhanh. “Thấp không phải chỉ ngành y tế mới thấp. Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng Bộ Y tế điều chỉnh, sửa bất hợp lý.” - bà Ngân nói.

Bệnh nhân ra nước ngoài ngày càng giảm
 
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đặt vấn đề, ngày càng nhiều bệnh nhân có xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh, nhất là đối với những bệnh khó, gây tốn kém. Điều này xuất phát từ nguyên nhân do cơ sở, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ tay nghề của các y bác sỹ hạn chế…
Bộ trưởng Y tế: Tôi chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép… - 2
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (ảnh Việt Hưng)

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, bệnh nhân ra nước ngoài đang ngày càng giảm. Thậm chí có những lãnh đạo có tiêu chuẩn ra nước ngoài khám chữa bệnh nhưng do tin tưởng vào tay nghề và trang thiết bị của y tế Việt Nam nên đã tình nguyện điều trị trong nước và đã có kết quả tốt.

“Những gì y tế khu vực và quốc tế làm được, chúng ta cũng làm được. Hiện nay thường xuyên có trên 300 bác sĩ trẻ các nước đến Việt Nam làm việc và học hỏi. Có thể ví dụ như việc ghép tạng, một số công nghệ được áp dụng trong điều trị ung thư…” - Bộ trưởng nói.

Trước lo ngại về vấn đề giá thuốc đang tăng cao của đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, việc này đã được Bộ Y tế tập trung nhiều công sức.

Nếu như giá tăng trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu năm 2009 là 8,6% thì giá thuốc chỉ tăng 3,2%. Tuy nhiên, có một số loại thuốc chiếm khoảng 5% là tăng đột biến. Nước nào cũng có tình trạng này. Hàng năm bình quân thế giới phát minh ra khoảng 30 loại thuốc mới cứu người có giá trị đặc biệt và họ được độc quyền trong 20 năm. Và thị trường thuốc nằm trong danh sách 5% chủ yếu tập trung vào những loại thuốc đặc biệt trên. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia.

Một vấn đề khác đã kéo dài nhiều năm được đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đưa ra tại phiên chất vấn lần này. Theo đại biểu Liêu, tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày nhưng người nhà nạn nhân vẫn chờ đợi giải quyết thủ tục do sự không thống nhất giữa ngành y tế, công an, giao thông… đang làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua bảo hiểm.
 
Bộ trưởng Y tế: Tôi chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép… - 3
Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (ảnh Việt Hưng)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Luật Bảo hiểm Y tế quy định, người bị tai nạn giao thông không vi phạm Luật Giao thông được thanh toán, trong Thông tư liên tịch cũng nêu rõ như vậy. Tuy nhiên, vừa qua, các Bộ đã có ý kiến khác nhau. Đây chính là vướng mắc nhưng chưa có phương án giải quyết rõ ràng.
 
 
Trích phần nội dung video Bộ trưởng Y tế không thừa nhận đã hứa

 

Lan Hương