Bộ trưởng Xây dựng: Không loại trừ sửa quy hoạch theo "sức ép" doanh nghiệp

(Dân trí) - Về việc điều chỉnh quy hoạch theo sức ép hoặc do lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bộ trưởng Xây dựng trả lời hiện tại chưa có thông tin nhưng cũng không thể loại trừ. Năm tới Bộ Xây dựng sẽ cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, nhất là ở trung tâm các thành phố lớn.

Đại biểu Đoàn Thị thanh Mai (Hưng Yên) nêu câu hỏi: Bộ Xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình quan trọng, nhà 25 tầng trở lên. Vậy trách nhiệm của Bộ với việc có quá nhiều nhà cao tầng mọc lên ở Hà Nội, TPHCM gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng?
 
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cũng dẫn báo cáo chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch, nhiều dự án được điều chỉnh tăng mật độ, tầng cao lên tới 40% dẫn tới áp lực với hạ tầng, ảnh hưởng đời sống người dân. Trách nhiệm của Bộ với vấn đề này?
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) băn khoăn về nhà 8B Lê Trực, nếu phá dỡ có đảm bảo an toàn, thiết kế chịu lực cho công trình?
 
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) hỏi tiếp về việc vận hành condotel, officetel trong các chuỗi bất động sản du lịch. Mỗi khu vực có cách vận hành khác nhau nhưng hành lang pháp lý còn nhiều lỏng lẻo, bất cập. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng trả lời sẽ hoàn thiện cơ chế pháp luật nhưng trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh không thể hiện, nghĩa là vẫn phải chấp nhận những rủi ro của việc thị trường chưa có quy định điều chỉnh?
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Rất nhiều cử tri quan tâm, nhiều bài báo viết về những khu du lịch tâm linh. Người ta so sánh chùa chiền thì xây vài trăm hecta là đủ nhưng những khu này thì tới hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn hecta, mà việc thực hiện như thế có sự nhâp nhằng đầu tư công - tư. Thực tế, việc nhà nước đưa hàng trăm nghìn ha đất đai, sông biển, làm đường vào khu vực đó mà cuối cùng nhà đầu tư tư nhân khai thác thì có công bằng không?
 

Những câu hỏi trên đây sẽ được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời vào sáng ngày mai 5/6. Sáng mai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tham gia trả lời các vấn đề đại biểu chất vấn chiều nay.

Bộ trưởng Xây dựng: Không loại trừ sửa quy hoạch theo sức ép doanh nghiệp - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn. (Ảnh: Minh Thu)

Vi phạm bất động sản: Thu lợi lớn mà xử phạt chưa tương xứng
Đại biểu Phan Viết Lượng tiếp tục đề cập tình trạng nhiều dự án bị điều chỉnh nhiều lần, tuỳ hiện dẫn đến tăng tầng, tăng diện tích, gây áp lực với hạ tầng đô thị. Công cụ nào để quản lý, đảm bảo lợi ích của cả người dân, doanh nghiệp, nhà nước, chống tiêu cực ở mỗi dự án?
 
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) dẫn pháp luật quy định quy hoạch giới hạn độ cao 9 tầng ở khu vực 4 quận nội thành. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những công trình cao tầng mọc lên trong khu vực này, thậm chí có dự án tới 60 tầng. Trách nhiệm việc này thuộc về ai?
 
Trả lời đại biểu Phan Viết Lượng, ông Hà cho biết, toàn quốc hiện có 4.422 chung cư. Việc quản lý, vận hành chung cư thời gian qua đã giải quyết tốt một số vấn đề. Một số chung cư vận hành tốt nhưng cũng có một số chung cư xảy ra tranh chấp. Theo thống kê hiện có 458 chung cư xảy ra tranh chấp, chủ yêu về các nội dung: chậm bầu, vận hành ban quản trị nhà, tranh chấp phần sử dụng chung, riêng, tranh chấp về giá, việc cấp “sổ đỏ”, chất lượng công trình, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, không xây dựng công trình công cộng theo thiết kế được duyệt… Nguyên nhân tranh chấp do quy định pháp luật chưa đầy đủ như về thời điểm nộp tiền, quy định về phạt với hành vi chiếm dụng kinh phí bảo trì; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến lợi nhuận; người dân khi mua nhà không xem xét kỹ hợp đồng với những điều khoản cài cắm có lợi cho chủ đầu tư, đẩy rủi ro cho người mua; ban quản trị ít kinh nghiệm quản lý…
 
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương sửa đổi các quy định về thu kinh phí bảo trì, tư cách pháp nhân của ban quản trị nhà chung cư, bầu ban quản trị nhà…. Về mô hình quản lý nhà chung cư, ban quản trị sẽ được bổ sung bằng mô hình chủ đầu tư tự quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà và mô hình giao cho các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp. Như vậy sẽ đa dạng, linh hoạt hơn mô hình.
 
Việc chọn mô hình nào là do cư dân toà nhà quyết định và dù do chủ thể nào thực hiện thì cũng cần có ban giám sát cộng đồng tại nhà chung cư. “Về vấn đề tác động của nhà đầu tư với việc điều chỉnh quy hoạch, tuy tôi chưa nhận thông tin cụ thể nhưng vẫn có thể có trong các giai đoạn xây dựng dự án, đầu tư, thực hiện dự án… nếu phát hiện chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những tiêu cực này” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng với việc thẩm định dự án mà đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu, Bộ trưởng Hà nêu rõ: trách nhiệm về việc tham mưu, trách nhiệm trong việc thẩm định nội dung dự án theo quy định pháp luật; trách nhiệm chưa phối hợp kịp thời thường xuyên với các địa phương để xử lý việc phát sinh. Trong công tác thanh tra bất động sản thì ông Hà giải thích, vì lĩnh vực rộng nên hoạt động này chưa được quan tâm nhiều. Hàng năm Bộ tổ chức khoảng 100 đoàn thanh tra nhưng tỷ lệ thanh tra bất động sản chưa được nhiều. Chế tài xử lý với vi phạm về bất động sản còn nhẹ trong khi nhiều chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng về sử dụng vốn, nâng tầng, tăng diện tích, thu lợi lớn nhưng việc xử phạt chưa tương xứng với lợi nhuận bất hợp pháp họ thu được. Quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng có nêu chế tài rất nặng là không còn “phạt cho tồn tại” nữa nên chủ đầu tư nào vi phạm sẽ phải phá dỡ phần vi phạm, xử lý tài chính nghiêm khắc.
 

Khó "quản" việc người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài?

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nói về việc điều chỉnh quy hoạch làm tăng mật độ, áp lực với hạ tầng, giao thông, đời sống người dân ảnh hưởng. Đại biểu muốn biết quan điểm của Bộ trưởng Xây dựng về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) hỏi, có hay không việc người Việt đứng tên mua nhà đất giúp người nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm? Trách nhiệm của Bộ trưởng với việc quy hoạch đô thị bị điều chỉnh bất hợp lý gây ách tắc?

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nghi ngờ việc chậm sửa hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong xây dựng tạo điều kiện cho tham nhũng. Ý kiến của Bộ trưởng?

Trả lời đại biểu Tuyết về điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhắc lại, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết hiện tại khá phổ biến. Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc quản lý quy hoạch sử dụng đất đã nêu rõ. Thời gian tới, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, Muốn thế, cần đổi mới tư duy, phương pháp mới về xây dựng quy hoạch. Sau đó cần làm nhanh và nâng cao các công cụ làm quy hoạch như tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức. Làm được thế chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn và sẽ tránh được việc phải điều chỉnh quy hoạch.

Còn việc điều chỉnh quy hoạch theo sức ép hoặc do lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư thì hiện tại chưa có thông tin nhưng cũng không thể loại trừ. Năm tới Bộ Xây dựng sẽ cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, nhất là ở trung tâm các thành phố lớn để giải quyết dứt điểm việc này.

Về các loại hình bất động sản mới, theo Bộ trưởng, chủ yếu chỉ phát triển ở các tỉnh ven biển có điều kiện phát triển du lịch, officetel thì chỉ phát triển ở TPHCM, Hà Nội mà 2 sản phẩm bất động sản này vẫn còn thiếu, có thể tiếp tục thúc đẩy. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ bàn với Bộ TN-MT về thời hạn sử dụng đất với những bất động sản đại biểu đề cập.

Về việc người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, Bộ trưởng nhận định là hiện tượng có thực trên thực tế nhưng chưa có điều kiện thống kê số liệu cụ thể. Bộ Công an đã có báo cáo đánh giá về việc này. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an đánh giá, xử lý việc này. Nhận định việc quản lý vấn đề này rất khó nhưng Bộ trưởng Xây dựng cũng hứa tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả quản lý.

Về việc công trình do tư nhân đầu tư luôn có chi phí thấp hơn dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, Bộ trưởng Hà trả lời đó là do việc quản lý của tư nhân chặt chẽ hơn, áp dụng các biện pháp tiết kiệm, hiệu quả hơn những công trình sử dụng vốn nhà nước.

Về chi phí "bôi trơn" cho cán bộ, Bộ trưởng xác nhận khả năng có trong thực tế. Nếu có thì quan điểm của Bộ Xây dựng là xử lý nghiêm khắc. Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo thanh tra một số chuyên đề riêng với nội dung này để phát hiện kịp thời cán bộ vi phạm.

“Đại biểu Trần Văn Tiến nói về điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, tuỳ tiện, có sự tác động của nhà đầu tư hay không. Chúng tôi chưa có thông tin đầy đủ về dự án cụ thể, về nhà đầu tư cụ thể, về sự tác động cụ thể… Nhưng tôi nghĩ một trong những nguyên nhân cũng có thể do áp lực, yêu cầu của nhà đầu tư. Nhưng ở đây có 2 ý. Nhà đầu tư cũng muốn có dự án phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, mang lại lợi nhuận cho mình. Ý thứ hai cũng có phần là lợi dụng, tác động để điều chỉnh quy hoạch nhằm trục lợi thì chúng tôi sẽ điều tra làm rõ” – Bộ trưởng trình bày.

Sẽ "thúc" các Bộ bàn giao lại đất vàng

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) nêu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại của việc cải tạo chung cư cũ có vấn đề quản lý quy hoạch. Giải pháp nào giúp tháo gỡ để đảm bảo mỹ quan đô thị, đời sống nhân dân tại đây?

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói về tình trạng bán nhà trên giấy, trên quảng cáo. Giải pháp nào xử lý tình trạng này? Việc di dời trụ sở bộ ngành, nhiều bộ đã đi mà vẫn giữ đất vàng nội đô cho các đơn vị trực thuộc sử dụng. Đề nghị Bộ trưởng nêu tên các bộ ngành này.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho biết, việc xây dựng các khu du lịch tâm linh cả ngàn hecta chiếm dụng đất đang gây nghi vấn trong xã hội. Có nên làm việc này khi quỹ đất sản xuất còn thiếu?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề cập việc kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, phiền hà trong quá trình thực hiện. Giải pháp khắc phục?

Đại biểu Trần Văn Lâm (Hưng Yên) thông tin, theo báo cáo của kiểm toán nhà nước, Bộ Xây dựng chưa xử lý triệt để tình trạng chiếm dụng đất. Nguyên nhân, giải pháp cho thời gian tới? Tình trạng khai thác cát sỏi đang tác động xấu tới môi trường do chưa có vật liệu thay thế. Tại sao việc nghiên cứu vật liệu thay thế chậm như vậy?

Trả lời về vấn đề dự án tâm linh kết hợp du lịch, thương mại, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng vấn đề này quy định bởi nhiều luật. Thời gian qua có một số dự án như đại biểu phản ánh. Do chưa có quy hoạch cụ thể về việc này nên các địa phương thực hiện chưa thống nhất. Tới đây cũng sẽ có những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể hơn về việc sử dụng đất cho những dự án có mục đích hỗn hợp như vậy.

Về câu hỏi của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói các Bộ di dời nhưng chưa bàn giao cơ sở, trụ sở, đất cũ để sử dụng, bán đấu giá, Bộ trưởng Xây dựng nói hiện có 8-9 cơ quan đã di dời thực sự mà chưa bàn giao lại quỹ đất cũ. Tới đây Bộ sẽ tiếp tục “thúc” các đơn vị bàn giao lại cho Hà Nội sử dụng.

Thừa bất động sản du lịch, thiếu nhà ở xã hội

Đại biểu Nguyễn Văn Dành (Hải Dương) nói về hiện tượng "sốt" đất trên thị trường bất động sản, cách nào để quản lý? Thị trường đang thiếu nhà ở giá rẻ mà sản phẩm quá ít, có cách nào để tăng nguồn cung cho thị trường?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) trình bày, số lượng nhà chung cư cũ còn rất lớn, nhiều nhất ở Hà Nội, TPHCM, có nhiều khu xuống cấp tới mức độ D- cực kỳ nguy hiểm mà vẫn phải đang chờ vì thiếu kinh phí cải tạo. Giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nói về tình trạng điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng, gây áp lực cho đô thị. Đại biểu muốn biết giải pháp xử lý vấn đề có biểu hiện “lợi ích nhóm” này?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đặt vấn đề, có giải pháp nào nâng cao việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư với đề án quy hoạch cho thực chất, hiệu quả hơn.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng giá cả bất động sản chưa tương xứng với thu nhập, cao hơn gấp 25 lần, gây áp lực với người dân, việc giải quyết của nhà nước. Nguyên nhân của vấn đề?

Đại biểu Trần Thị Dung trao đổi lại với Bộ trưởng khi ông nói Bộ Xây dựng đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Theo bà Dung, sau mở rộng Hà Nội, Bộ có trách nhiệm trong việc di dời các cơ sở khỏi nội đô Hà Nội. Vấn đề là có 9 cơ quan được di dời thì 7 cơ sở vẫn giữ đất cũ trong nội đô, cũng chưa có khu đất nào được sử dụng cho mục đích công cộng. Các trường học, bệnh viện cũng ngày càng chất tải thêm, đi ngược với xu hướng giảm tải dân số nội đô. Như vậy là một số quy định luật Thủ đô chưa được quan tâm thực hiện?

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời: Theo Bộ trưởng, việc phối hợp với Hà Nội trong xử lý nhà 8B Lê Trực, từ tháng 8/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện việc này với yêu cầu nhanh chóng xử lý, đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực của công trình. Bộ cũng tham gia đánh giá phương án Hà Nội nêu ra. Như vậy là việc phối hợp rất chặt chẽ và nếu Hà Nội có yêu cầu, Bộ sẵn sàng.

Còn việc di dời các trụ sở bộ, ngành, Bộ Xây dựng cũng báo cáo cụ thể với Thủ tướng các phương án về vị trí di dời, về tài chính, về việc khai thác quỹ đất…

Về thị trường bất động sản, Bộ trưởng nhận định, có một số tồn tại như thể chế mâu thuẫn, chồng chéo với các pháp luật về giải phóng mặt bằng, về thu tiền sử dụng đất một lần… Cơ cấu thị trường chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, bất động sản du lịch đã có biểu hiện dư thừa nhưng nhà ở xã hội thiếu gay gắt. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên hiện còn 226 dự án nhà ở xã hội tồn tại, ách tắc. Nguồn vốn cho thị trường bất động sản cũng còn nhiều bất hợp lý, vốn của chủ đầu tư chỉ 30-35%/dự án, chưa hình thành thị trường tài chính thứ cấp cho thị trường bất động sản…

Dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay, tính đến quý III/2018 khoảng 49.000 tỷ đồng, vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguồn tín dụng chỉ tập trung vào một số nhà đầu tư lớn, ở một số phân khúc có nhiều rủi ro. Cũng có biểu hiện của việc đảo nợ dưới hình thức chuyển nhượng dự án…

“Có thể nói những tồn tại hạn chế này đang gây những rủi ro nhất định với thị trường” – Bộ trưởng nhận định. Nguyên nhân của việc này là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, kiểm soát thị trường chưa thật chặt chẽ và nguồn lực cho thị trường còn thấp, bộ máy quản lý chưa kiện toàn kịp thời, tính minh bạch của thị trường chưa đảm bảo…

Các địa phương cũng chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, kiểm soát cung cầu hàng hoá, để bung ra nhiều dự án thuộc những phân cấp không phù hợp.

Về giải pháp để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hạn chế rủi ro, Bộ trưởng nói về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế từ khâu quy hoạch tới tổ chức thực hiện dự án, vận hành; đẩy mạnh việc phát triển dự án nhà ở xã hội quy mô nhỏ và vừa.

Bộ trưởng nêu rõ, các địa phương chưa quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu nhà ở, chưa dành phần 10% để lại của dự án cho việc phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cũng thiếu nguồn vốn cho vay để đầu tư, mua nhà ở xã hội. Đến nay, Nhà nước mới bố trí được hơn 3.000 tỷ trên tổng số 9.000 tỷ yêu cầu. Vì vậy, người dân mua nhà không được hỗ trợ lãi suất thì rất khó khăn với quyết định mua nhà. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu với Chính phủ để giải quyết căn bản phương thức làm nhà ở xã hội. Đó là tạo ra nguồn cung nhà và hỗ trợ giá cả với người mua, người đầu tư.

Hiện tại các nguồn lực tại Việt Nam còn phân tán, chia ra quá nhiều đối tượng (10 nhóm) và cũng mới sử dụng công cụ bao cấp, chưa phát huy sức mạnh thị trường. Bộ cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội. Hiện đã miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế… nhưng lại đang khống chế tỷ suất lợi nhuận với DN là 10% nên chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp. Hiện có một số DN bất động sản lớn tham gia nhưng vẫn cần khuyến khích hơn nữa. Việc các khu dân cư tự phát ngày càng gia tăng, Bộ trưởng xác nhận là có nhưng không nhiều, cần sử dụng các công cụ quản lý để khắc phục.

Xử lý chung cư cũ, theo Bộ trưởng Hà, theo thống kê, cả nước hiện có hơn 2.000 khu nhà, trong đó Hà Nội chiếm 1.500. Giải pháp đề ra là phải sửa đổi bổ sung thể chế, trong đó chú ý, sao phải có quy định linh hoạt hơn về việc cải tạo tăng chiều cao các khu nhà.

Khó khăn nhất hiện tại là không đảm bảo được hài hoà lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp khi cải cạo chung cư cũ vì doanh nghiệp không được nâng chiều cao, không có khả năng lợi nhuận trong các dự án nên không… thiết tha.

Hà Nội đang xây dựng cơ chế thí điểm như cải tạo chung cư cũ gắn với cải tạo khu vực xung quanh để làm thành khu đô thị đồng bộ, tăng tỷ suất lợi nhuận cho doanh nghiệp.

"Vụ nhà 8B Lê Trực là trách nhiệm của Hà Nội"

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đề cập việc nhiều năm qua đã có tình trạng những khu đô thị nhiều “không”: không cơ sở hạ tầng, không bệnh viện, trường học, nhà siêu mỏng siêu méo mọc dọc các con đường do quy hoạch chưa ổn. Đến khi nào Quốc hội không phải nhận những thông tin đó?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng với vấn đề quy hoạch tại đô thị? Giải pháp cho vấn đề này? Quan điểm của Bộ trưởng với việc xử lý nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm?

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu thực tế sự phát triển các loại hình bất động sản du lịch mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh. Trách nhiệm của Bộ về việc ban hành các tiêu chuẩn, chính sách khi thực tế sôi động vậy mà chính sách quản lý thì quá chậm?

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi vì sao bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng Việt Nam đã lạc hậu mà chậm sửa đổi, bổ sung? Ông Vân chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, làm gì để giảm áp lực tăng dân số nội đô gây ách tắc khủng khiếp?

Bộ trưởng Xây dựng: Không loại trừ sửa quy hoạch theo sức ép doanh nghiệp - 2

Bộ trưởng Xây dựng nhận nhiều câu hỏi về vấn đề quy hoạch đô thị. (Ảnh: Minh Thu)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuý, Bộ trưởng Xây dựng nói về việc tổ chức phát triển đô thị hiện nay chưa được kiểm soát dẫn đến những hiện tượng như đại biểu đề cập. Theo ông Hà, trong những năm qua, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, đạt được kết quả hết sức tích cực với hơn 838 đô thị, tốc độ đô thị hoá tới 83%. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, đời sống của nhân dân đô thị có thay đổi, được nâng cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như đại biểu Thuý nêu. Nguyên nhân của tình hình này, theo Bộ trưởng có yếu tố quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị Quy hoạch thời gian qua vốn là công cụ quản lý quan trọng nhất nhưng chất lượng quy hoạch còn thấp. Trong một số quy hoạch, nhà nước dự báo chưa sát tốc độ tăng trưởng, tình hình tăng dân số dẫn tới tính toán sai về dân số, chỉ tiêu hạ tầng… nên những dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch.

Chất lượng đồ án quy hoạch còn thiếu một số điều kiện cụ thể như vẽ ra nhiều, đưa ra nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ với công trình khác, chi phí cho giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật lạc hậu nên tính toán còn sai sót. Nhà nước cũng chậm xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, cắm mốc thực địa, thực hiện quy chế quản lý đề án kiến trúc quy hoạch có chậm trễ…

Chính vì thế có hiện tượng những khu đô thị không kèm với hạ tầng xã hội, giải phóng mặt bằng làm đường mà không thu hồi hết đất dọc đường dẫn đến nhà siêu mỏng, siêu méo dọc đường nghìn tỷ.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm về việc tham mưu chính sách chưa kịp thời, sát thực tế. Bộ cũng có trách nhiệm trong việc chưa thực sự phối hợp quản lý với các địa phương, đôn đốc thực hiện quy hoạch tại các đô thị. Bộ cũng có trách nhiệm với việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức. Rồi trong cán bộ ngành cũng có người chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân.

“Chúng tôi xin nhận những trách nhiệm này” – Bộ trưởng nói. Giải pháp thời gian tới, theo Bộ trưởng là nâng cao chất lượng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Giải pháp thời gian tới, theo Bộ trưởng là nâng cao chất lượng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn hạn chế được những tồn tại này. Nếu có được sự phối hợp của các cơ quan, sự đồng tình của nhân dân, Bộ trưởng tin những vấn đề sẽ được kiểm soát dần. Về việc trật tự xây dựng thường bị vi phạm, Bộ trưởng khẳng định quy định pháp luật hiện tại khá đầy đủ để xử lý tình trạng đó. Các địa phương cũng đã nỗ lực kiểm soát vi phạm nên xu hướng vi phạm đã giảm dần, nhất là xây dựng sai phép, không phép, Tuy thế, mức độ vi phạm vẫn cao. Bộ trưởng dẫn chứng, năm 2015 có hơn 13.000 công trình sai phạm, đến 2018 số này giảm xuống còn 10.800.

Theo Bộ trưởng, vi phạm này gây ra những lệch lạc trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng, gây bức xúc với người dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định pháp luật vẫn còn thiếu, phức tạp, khó thực hiện. Vi phạm xảy ra chậm được xử lý, xử lý chưa kiên quyết dẫn đến “nhờn”…. Nhiều nơi công tác quản lý xây dựng chưa được quan tâm sâu sát. Ý thức trách nhiệm của người dân chưa tốt, nhiều trường hợp được phát hiện nhắc nhở vẫn vi phạm.

Giải pháp Bộ trưởng Xây dựng là nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức thực hiện thanh tra xây dựng đô thị phù hợp hơn. Hiện thanh tra xây dựng có 2 cấp, của Bộ và của Sở. Nay, theo đề nghị của TPHCM, Hà Nội, Thủ tướng đã cho thí điểm tổ chức đội thanh tra xây dựng trực thuộc quận, huyện. Sau tổng kết, Bộ sẽ tham mưu về mô hình tổ chức.

Về nhà 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội. Theo thông tin từ Hà Nội, thành phố đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ những phần xây dựng trái phép. Có vấn đề phát sinh là việc phá dỡ những phần công trình theo chiều dọc thì ảnh hưởng tới kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẵn sàng sử dụng các cơ quan chuyên môn của mình để hỗ trợ Hà Nội.

“Tôi xin nói thẳng, khu HH Linh Đàm, vi phạm là rõ và trách nhiệm xử lý là của Hà Nội chứ không phải Bộ Xây dựng” – Bộ trưởng Hà quả quyết.

Với câu hỏi về di dời cơ sở sản xuất, y tế, dạy nghề… ra khỏi nội thành Hà Nội, Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương, quyết định đã có từ lâu. Thủ tướng đã có quyết định về lộ trình di dời các cơ sở từ 2005. Cụ thể, quyết định này nêu trách nhiệm các cơ quan cụ thể. Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, lộ trình, cách thức di dời cụ thể, xác định bố trí quỹ đất phục vụ việc di dời…

Bộ Xây dựng có trách nhiệm đưa ra lộ trình cụ thể việc di dời trụ sở các bộ, ngành. Bộ Y tế có trách nhiệm lập danh mục với việc di dời các cơ sở y tế… Bộ Tài chính có trách nhiệm lập phương án tài chính để khai thác các quỹ đất liên quan.

Tình hình hiện tại, việc di dời được thực hiển rất chậm, dù Hà Nội đã bố trí quỹ đất cho một số khu vực di dời. Mới chỉ có một số bệnh viện di dời đến cơ sở mới như bệnh viện ung bướu, nội tiết. Với các trường học, hiện tại các cơ quan chưa lập được danh mục cơ sở cụ thể phải di dời.

Với câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh về việc cấp giấy chứng nhận với bất động sản gắn với du lịch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đáp, thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến các loại hình sản phẩm mới. Việc này Bộ xây dựng sẽ làm xong trong năm 2019. Việc xây dựng quy chế vận hành condotel, officetel cũng sẽ hoàn thành trong năm nay.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng trả lời tiếp câu hỏi về việc chậm sửa đổi hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, Bộ trưởng đáp, vấn đề này đại biểu hỏi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, cần trả lời đại biểu.

Bộ trưởng giải thích, hiện tại có 44 quy chuẩn liên quan đến xây dựng và hơn 20.000 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến lĩnh vực quản lý, trong đó nhiều nội dung trùng lặp do nhiều bộ ban hành. Nhiều quy định đã lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi như quản lý dân số đô thị, quản lý hạ tầng chưa được bố sung. Việc kiểm soát quy chuẩn cũng chưa được sát sao ở địa phương.

Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo và phê duyệt đề án hoàn thiện bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới. Đến 2021, cả nước sẽ có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới. Trong năm 2019, Bộ sẽ sửa 4 quy chuẩn quan trọng là quy chuẩn xây dựng đô thị, hạ tầng, phòng cháy chữa cháy. Trong năm cũng sẽ rà soát 62 tiêu chuẩn, quy chuẩn nữa.

14h30, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giới thiệu Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn, tập trung vào nội dung lập, thẩm định, phê duyệt xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản; quản lý thực hiện quy hoạch, thực hiện di dời Bộ, ngành khỏi nội đô. Bộ trưởng Xây dựng có 5 phút để báo cáo trước khi trực tiếp trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói, thời gian qua, ngành xây dựng cả nước và Bộ xây dựng đã luôn nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực điều hành. Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại. “Chúng tôi nhận thức rất rõ những hạn chế tồn tại của mình và sẽ nỗ lực để tiếp tục khắc phục, hoàn thiện nhiệm vụ” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ.

Bộ trưởng Xây dựng: Không loại trừ sửa quy hoạch theo sức ép doanh nghiệp - 3

(Ảnh: Minh Thu)

“Vấn nạn” thành phố ùn tắc trầm trọng do việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dự án “chạy” theo ý nhà đầu tư đã được mổ xẻ, phân tích ngay đầu kỳ họp này của Quốc hội, trong báo cáo kết quả cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo đó, hàng loạt dự án tại Hà Nội đã được dẫn chứng cho tình trạng điều chỉnh quy hoạch, dồn dự án vào nội đô, thậm chí một số nhà đầu tư “găm” đất để xin điều chỉnh quy hoạch nhằm hưởng lợi từ chênh lệch địa tô.

Nay, công tác quản lý quy hoạch đô thị, việc di dời trụ sở Bộ ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội trở thành một nhóm vấn đề được ấn định cho phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng khẳng định nhiều kết quả, từ việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức thực hiện quy hoạch đi vào nề nếp tới năng lực quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch được nâng cao, đã hoàn thành được khối lượng lớn các loại quy hoạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng cũng nhận rõ hạn chế, tồn tại là chất lượng quy hoạch nhìn chung còn thấp. Các biểu hiện cụ thể là: Một số quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.

Thời gian lập đồ án quy hoạch thường kéo dài so với quy định (từ 6-12 tháng đối với từng loại quy hoạch). Quy định về công bố công khai quy hoạch chưa được tuân thủ nghiêm túc, thực hiện còn mang tính hình thức, không đảm bảo yêu cầu. Việc triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa rất chậm, tỷ lệ thực hiện bình quân cả nước mới đạt 10-15% yêu cầu. Tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ thực hiện cắm mốc cũng chỉ đạt từ 5 – 10%.

Việc điều chỉnh quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không tuân thủ quy định về trình tự, thẩm quyền.

Cụ thể, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh).

Bộ trưởng xác nhận, tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến hơn. Theo báo cáo của 10/63 tỉnh thành, hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó, khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần.

Một nguyên nhân của việc phải điều chỉnh quy hoạch nhiều như vậy là vì công tác dự báo khi làm quy hoạch chưa tốt, dẫn tới việc lựa chọn chỉ tiêu áp dụng cho dự án, xác định cấu trúc, định hướng phát triển không gian đô thị, sử dụng đất và tổ chức hạ tầng kỹ thuật không phù hợp với thực tế, với yêu cầu phát triển, nhất là ở các thành phố lớn. Tư lệnh ngành xây dựng dẫn chứng, TPHCM, đến năm 2016, dân số đã đạt xấp xỉ 13 triệu người, trong khi đồ án quy hoạch chung được duyệt đến năm 2025 chỉ dự báo khoảng 10 triệu người.

Ngoài ra, cũng có chuyện năng lực của một số cơ quan chuyên môn về xây dựng, quy hoạch còn thấp, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan  còn  nhiều hạn chế, Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức và còn nặng tính hình thức.

Đây được xem là vấn đề sẽ làm “nóng” phiên chất vấn Bộ trường Xây dựng. 2 nhóm vấn đề khác được các đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn là ông tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình và công tác quản lý thị trường bất động sản, quản lý nhà chung cư; các loại hình căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa).

Bộ trưởng Xây dựng có thời gian từ 14h25 chiều 4/6 và nửa đầu buổi sáng 5/6 để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

P.Thảo