Bộ trưởng Thăng: “Không thể vô cảm trước những gì đang diễn ra”

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gây thương vong lớn làm chấn động dư luận cả nước. Chiều qua (10/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp khẩn để nhận định tình hình và đưa ra giải pháp cấp bách.

“Tất cả làm đúng mà tai nạn vẫn xảy ra”

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo tai nạn và ý kiến của các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về quy trình đăng kiểm đảm bảo và đúng thời hạn, việc đào tạo và sát hạch lái xe chặt chẽ, có kinh nghiệm… Bộ trưởng Thăng thẳng thắn đặt câu hỏi nghi vấn: “Tất cả làm đúng mà tai nạn vẫn xảy ra?”.

“Rõ ràng các biện pháp an toàn giao thông chưa hiệu quả. Chúng ta không thể thờ ơ vô cảm trước những gì đang diễn ra, phải rà soát các giải pháp trước mắt và lâu dài, tập trung hết sức quyết liệt” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Thăng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Thứ trưởng Lê Đình Thọ chậm nhất đến 25/6 phải tổ chức họp với Bộ Công an và các địa phương để có giải pháp ngăn chặn ngay những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng.

“Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe cũng như phân cấp quản lý về an toàn giao thông (ATGT) nhiệm vụ nào thuộc Bộ GTVT, nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của địa phương là các Sở GTVT. Nếu địa phương nào không triển khai thực hiện sẽ báo cáo UBND tỉnh, nếu tỉnh không làm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý, chấn chỉnh”- Bộ trưởng kiên quyết.
 
Liên tiếp các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong những ngày qua

Liên tiếp các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong những ngày qua gây chấn động dư luận cả nước

Bộ trưởng Thăng yêu cầu kiểm tra ngay lập tức các vụ TNGT nghiêm trọng từ đầu năm đến nay và lái xe trong các vụ TNGT do trung tâm nào đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (GPLX). Trung tâm đào tạo sát hạch nào có nhiều vi phạm cũng lập tức kiểm tra, thậm chí là tước giấy phép. Kiểm tra xem xe gây TNGT đăng kiểm ở đâu, do Trung tâm nào đăng kiểm, kiểm tra toàn bộ quy trình đăng kiểm xem có liên quan đến yếu tố kỹ thuật không. Đồng thời tiến hành rút giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp nhiều vi phạm; yêu cầu dừng hoạt động vĩnh viễn các trung tâm đào tạo sát hạch cấp GPLX không đủ điều kiện.

Theo đó, Bộ trưởng Thăng giao Vụ pháp chế rà soát lại văn bản pháp luật, sửa đổi quy định sao cho an toàn được đảm bảo cao nhất nhưng không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện. Trong khi chờ sửa đổi, phải tổ chức điều hành, siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải tốt hơn nữa. Vụ Khoa học Công nghệ cùng với nhà cung cấp khẩn trương hoàn thiện phần mềm tích hợp thông tin thiết bị giám sát hành trình trước ngày 25/6 để từ 1/7 có thể xử phạt các vi phạm đối với 48.000 phương tiện trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nên hay không tịch thu vĩnh viễn GPLX của tài xế gây TNGT nghiêm trọng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường - người phát ngôn của Bộ GTVT - cho biết nguyên nhân cơ bản dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng là do trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải chưa chú trọng tới việc lập trình hành trình cho xe khách của mình để đảm bảo an toàn, đặc biệt là xe khách chạy ban đêm (TNGT xảy ra chủ yếu vào lúc gần sáng). Thứ hai là công tác rà soát về chất lượng xe khách đối với các doanh nghiệp chưa được chú trọng, vì thế nhiều xe khi sắp đến thời kỳ đăng kiểm thì gặp tai nạn. Nguyên nhân thứ 3 liên quan đến tài xế, tài xế không tuân thủ về hướng dẫn tốc độ nhưng doanh nghiệp không xử phạt. Ngoài ra, các yếu tố về thời tiết, khí hậu cũng ảnh hưởng đến tầm nhìn và xử lý của lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện.

Về vụ TNGT xe khách đặc biệt nghiêm trọng ở Khánh Hòa, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu vừa qua, khi xảy ra tai nạn những xe này đều chạy quá tốc độ và lấn làn, lấn luồng, không quan sát. Điều 65 - Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 tiếng trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 tiếng.

Theo Thứ trưởng Trường, những giải pháp cấp bách mà Bộ GTVT đang triển khai là siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách; lắp thiết bị giám sát hành trình và Bộ GTVT sẽ trực tiếp giám sát tốt độ của các phương tiện; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xử lý các điểm cắt cua cắt dốc, tăng cường thiết bị báo hiệu ban đêm và rà soát hoạt động đăng kiểm phương tiện và đào tạo sát hạch lái xe…

Với hàng loạt vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên tục xảy ra những ngày qua gây chấn động dư luận cả nước, nhiều người cho rằng đề xuất tịch thu vĩnh viễn giấy phép lái xe của tài xế xe khách và xe container gây tai nạn mà Bộ GTVT đưa ra là hợp lí. Tuy nhiên, ý kiến của Hiệp hội vận tải Hà Nội lại cho rằng làm như vậy là vi phạm Luật Lao động và Bộ Luật hình sự.

Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Trường cho biết việc xử lý hiện nay đang thực hiện phương diện hành chính, do liên quan đến tài sản của người dân nên phải căn cứ vào các Luật liên quan để quy định cho phù hợp với thực tiễn. Bộ GTVT đã trình đề xuất lên Bộ Tư pháp và hiện Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến các bộ, ngành.

Bàn về đề xuất này, Phó Chủ tịch chuyên trách của cơ quan cao nhất về ATGT là Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nêu lên quan điểm đồng tình với việc tịch thu vĩnh viễn GPLX của tài xế gây TNGT nghiêm trọng.

“Sau khi xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, không cho tài xế lái xe nữa để cảnh báo với các lái xe khác, thứ nữa là khi TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra làm chết người thì tài xế sẽ bị ám ảnh nên khó có thể đảm bảo an toàn” - ông Hiệp nhận định.
 
Ông Hiệp cũng cho rằng ngoài các giải pháp căn cơ thì cần thiết phải siết chặt việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế lái. Theo ông Hiệp, không thể tin tuyệt đối vào hồ sơ tài xế của doanh nghiệp cung cấp mà phải kiểm tra kỹ lưỡng.
 
"Nếu lái xe có sức khỏe tốt, trí óc tỉnh táo và chấp hành tốt các quy định thì ATGT sẽ được đảm bảo; trường hợp tài xế lái xe hút thuốc hoặc nghiện ma túy nhưng không có chứng nhận sức khỏe định kỳ sẽ rất nguy hiểm và TNGT là điều khó tránh khỏi..." - ông Hiệp nhấn mạnh.

Quỳnh Anh