Bộ trưởng Nội vụ: “Có nghe tin chạy việc tốn nhiều tiền”

(Dân trí) – “Dư luận về việc “chạy việc” tốn nhiều tiền của, bản thân tôi có nghe. Nội dung phản ánh mang tính bức xúc nhưng trong thực tế chỉ ra được thật khó” – Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời một câu hỏi khó trong phiên chất vấn chiều 26/3.

"30% cán bộ cầm tay chỉ việc vẫn không làm được"

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đặt vấn đề, chất lượng công chức viên chức thời gian qua luôn là đề tài nóng, nhận nhiều lời chê hơn tiếng khen. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là trong công tác tuyển dụng, có khâu mắc “lỗi”, có sai sót. Bà An yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra biện pháp khắc phục.

Nữ đại biểu cũng hỏi thẳng: “Dư luận xã hội phản ánh, để được tuyển dụng vào một số ngành trong cơ quan nhà nước rất tốn tiền, không phải một chút quà cảm ơn mà hàng trăm triệu đồng. Bộ trưởng có biết tình trạng này?”.
 
Bộ trưởng Nội vụ: “Có nghe tin chạy việc tốn nhiều tiền”
Đại biểu Bùi Thị An: "Bộ trưởng có biết, để được tuyển dụng làm công chức một số ngành rất tốn tiền?".

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Bộ đang tiến hành xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ công chức để cải thiện chất lượng công chức, viên chức cũng như hiệu quả giải quyết công việc của khối cơ quan nhà nước. Đề án có nhiều nội dung như đổi mới chất lượng thi tuyển công chức, xây dựng chính sách nhân tài, hình thành văn hóa từ chức với cán bộ… Đây là đề án lớn, là nhiệm vụ trọng tâm Bộ Nội vụ đề ra trong nhiệm kỳ này.

“Còn dư luận về việc “chạy việc” tốn nhiều tiền của, bản thân tôi có nghe. Nội dung phản ánh mang tính bức xúc nhưng trong thực tế chỉ ra được thật khó” – Bộ trưởng Bình khẳng định sẽ tiếp thu để có hướng “chặn” tiêu cực.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến “chỉ tận tay” vụ cơ quan điều tra của công an một số tỉnh phía Nam mới đây phát hiện 200 cán bộ sơ sở thuê người học hộ thi hộ. Theo ông Tiến, đây không phải hiện tượng cá biệt mà nhiều địa phương khác cũng từng có việc tương tự và hệ quả là, bằng thật chất lượng giả đã được bổ sung vào hồ sơ tuyển dụng để đề bạt bổ nhiệm cán bộ.

“Vậy nên mới có đánh giá khái quát 30% cán bộ làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc, hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc vẫn không biết làm. Đó là do khâu tuyển dụng có vấn đề, do chỉ dựa vào bằng cấp, chưa chú trọng năng lực thực sự. Một đợt thi tuyển, nâng bậc, ngạch công chức sử dụng 1 đề thi cho cả trăm người trong khi những người này sẽ được bố trí vào hàng trăm việc khác nhau. Áp lực bằng cấp vô hình chung đã làm cán bộ phải chạy điểm, chạy bằng, thuê thi thuê học” – ông Tiến gay gắt.

Bộ trưởng Nội vụ một lần nữa xác nhận, thực tế tình hình tuyển dụng thời gian qua có hiện tượng như đại biểu nói. Cách thức tuyển dụng hiện tại đang đổi mới theo hướng tích cực, thi đầu vào không chỉ có 1 đề mà đã thiết kế 1 môn kiến thức chung, 1 môn chuyên môn nghiệp vụ (tính hệ số 3) và môn ngoại ngữ tin học. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng quả quyết sẽ xem xét, tính toán hướng quản lý để hạn chế tình trạng học giả, bằng thật.

Thanh lọc cán bộ để bộ máy nhà nước "chất" hơn
Bộ trưởng Nội vụ: “Có nghe tin chạy việc tốn nhiều tiền”
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: "Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu để công chức yếu kém".

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích, thực trạng bộ máy nhà nước hiện nay có biểu hiện khô cứng về nhân sự, khó vào và cũng khó bị đào thải. Người được đào tạo chính quy, thực tài khó được tuyển dụng trong khi người được tuyển dụng rồi mà không đáp ứng yêu cầu công việc cũng khó thuyên chuyển, bố trí việc khác, khó “lên” và cũng khó bị đưa xuống.

Ông Hùng day dứt: “Làm sao khắc phục tình trạng khô cứng khiến từng cán bộ thiếu năng lực, công việc thiếu hiệu quả, để có vào thì có ra, có lên sẽ có xuống?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề này, khâu đột phá là phải cải cách chế độ công vụ công chức. Đồng thời đội ngũ cán bộ công chức viên chức khi dược tuyển dụng, đề bạt phải có trách nhiệm thực hiện cuộc vận động theo tấm gương của Bác để nâng cao đạo đức, trình độ để phục vụ nhà nước, nhân dân.

Chưa xuôi, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) tiếp tục truy vấn về cơ chế đào thải đối với cán bộ công chức kém chất lượng, năng lực làm việc yếu kém. Ông Mạo đòi hỏi một cách thức có thể thanh lọc để bộ máy nhà nước hoạt động ngày càng “chất” hơn.

Người đứng đầu lĩnh vực công tác cán bộ khẳng định, có cơ chế đánh giá cán bộ trong từng thời gian cũng như xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xử lý mối quan hệ khi xếp loại công chức và xử lý cho phù hợp.

Để có cái nhìn thực tế về chất lượng công chức, hiệu quả giải quyết công vụ, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cho biết so sánh số lượng công chức hưởng lương ngân sách của Việt Nam so với nước ngoài. Bộ trưởng Bình cho hay, tính đến cuối 2011, Việt Nam có khoảng 2,83 triệu công chức, so với dân số, chiếm 2,36%, còn tính lực lượng hưởng lương có trợ giúp từ ngân sách khoảng 7,54 triệu người. Theo nguồn thống kê của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Nga: 8,6% dân số, Belarus 7,9%, Achentina 6,5%, Trung Quốc 2,8%.

2020 – cải cách tiền lương… đến đích!
 
Bộ trưởng Nội vụ: “Có nghe tin chạy việc tốn nhiều tiền”
Phiên chất vấn trực tuyến Bộ trưởng Nội vụ tại UB Thường vụ Quốc hội.

Chuyển sang vấn đề chế độ đãi ngộ, thu hút cán bộ, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) không giấu bức xúc khi yêu cầu giải pháp giải quyết bất cập chính sách tiền lương hiện nay, khi lương thấp hơn mức sống tối thiểu, sau nhiều lần cải cách vẫn chưa theo kịp thực tế.

Bộ trưởng Nội vụ quả quyết: “Bộ đang xây dựng chiến lược tổng thể cải cách tiền lương 2012 – 2020 để đảm bảo xây dựng lộ trình lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu với cán bộ công chức mới tiến tới chỉnh ngạch bậc cho phù hợp. Những bất hợp lý hiện tại ban cải cách tiền lương cũng tổng kết để báo cáo”.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu vấn đề, hiện công chức đang được áp dụng mức lương tối thiếu 830.000đ/tháng trong khi khu vực doanh nghiệp được chia 4 mức, có chuẩn nghèo riêng. Ông Nghĩa chất vấn, hướng cải cách thế nào, cách thức xác định mức lương tối thiểu như thế nào để đảm bảo mức sống tối thiểu?

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đến thời điểm này Ban chỉ đạo cải cách tổng thể tiền lương đến năm 2020 đã qua 9 cuộc họp. Đến nay, Bộ cũng đã lên sẵn lộ trình, bước đi đến đích này nhưng nội dung đó mới chỉ là ý kiến của Ban chỉ đạo. Sau khi báo cáo, thông qua Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ sẽ thống nhất lộ trình chính thức và công bố công khai.

P.Thảo