Bộ trưởng Lao động: “Lương của tôi chuyển thẳng vợ kiểm soát càng tốt!”

(Dân trí) - Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung phân tích, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp, nếu có sự thỏa thuận.

Trình bày những vấn đề mới trong Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua nửa tháng trước tại cuộc họp báo công bố luật do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) Đào Ngọc Dung đề cập nội dung của Điều 94 Bộ luật.

Điều khoản này quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Bộ trưởng Lao động: “Lương của tôi chuyển thẳng vợ kiểm soát càng tốt!” - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giới thiệu những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 tại cuộc họp báo công bố luật.

Bộ trưởng Lao động nhấn mạnh, đây là một nội dung hoàn toàn mới mà Bộ luật Lao động 2012 chưa đề cập. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương.

Theo đó, vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng, tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản vợ và ngược lại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp, nếu có sự thỏa thuận.

“Kể cả lương của vợ tôi cũng có thể chuyển cho tôi, việc này hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận sao cho thuận lợi cho gia đình, tránh việc lương của tôi chuyển khoản của tôi, sau tôi lại phải chuyển khoản hoặc rút tiền đưa cho vợ. Tôi thấy được lựa chọn như vậy rõ ràng thuận lợi hơn. Lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt, có gì đâu!” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.

Ngoài ra, Điều 94 Bộ luật Lao động mới cũng chỉ rõ, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Mặt khác, nếu như trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản thì tại khoản 2 điều 96 của bộ luật Lao động 2019 nêu rõ: “Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng”.

Tăng dần tuổi nghỉ hưu với 20 triệu người từ 2021

Bộ trưởng Lao động: “Lương của tôi chuyển thẳng vợ kiểm soát càng tốt!” - 2
Toàn cảnh cuộc họp báo công bố luật tại Văn phòng Chủ tịch nước chiều 16/12.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu Bộ trưởng LĐ,TB&XH cho biết, việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm thể chế nghị quyết 28 của Trung ương, việc này là xu hướng của hầu hết các quốc gia, nhất là quốc gia già hoá dân số.

Sau khi Việt Nam thông qua bộ luật thì một số nước cũng đã nhờ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) giới thiệu để đến học tập và trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, năm 2010, Anh bắt đầu cải cách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mà trước đó đã có biểu tình phản đối. Nhiều nước lân cận Việt Nam cũng đã đưa vấn đề này ra Quốc hội nhiều năm trước mà vẫn chưa thông qua được.

Theo Bộ trưởng, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của Quốc hội kỳ này thể hiện quyết tâm chính trị lớn, thể hiện tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược để đi tắt đón đầu xử lý vấn đề già hoá dân số.

“Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực hiện đa mục tiêu chứ không phải mục tiêu nhỏ nào. Trước hết, việc này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hoá dân số. Hiện Việt Nam đang bước vào quá trình già hoá dân số, theo tính toán, già hóa dân số cực điểm sẽ xảy ra vào năm 2040. Việt Nam là nước đang có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất. Điều này không phải chỉ các cơ quan của Việt Nam cảnh báo mà các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu bài bản, nêu thông tin từ lâu. Ngoài ra, tăng tuổi nghỉ hưu cũng để bảo toàn, phát triển bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội, rút dần khoảng cách chênh lệch về giới (hiện chênh 5 tuổi), tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam - nữ có thể cân bằng” – Bộ trưởng Dung nói.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng đa mục tiêu như vậy, đi kèm với Bộ luật Lao động mới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhà nước còn phải sửa đổi nhiều luật liên quan đến quyền của người về hưu và người được hưởng chế độ hưu.

Trước mắt, trước năm 2021 phải khẩn trương sửa đổi luật bảo hiểm xã hội, luật việc làm để hưởng bảo hiểm thất nghiệp…

Liên quan đến quy định về lương, lãnh đạo Bộ Lao động khái quát, quy định mới áp dụng từ 1/1/2021 với tinh thần chung là tách lương công chức, viên chức với lương hưu, lương hưu từ BHXH. Lương công chức viên chức do nhà nước trả, lương doanh nghiệp thì do chủ sử dụng lao động trả. Lương hưu không ảnh hưởng gì sản xuất kinh doanh hay công chức viên chức.

Lương hưu sẽ được lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội, nên có thể phân loại có đối tượng người nghỉ hưu sẽ được quan tâm cao hơn.

Mục tiêu điều chỉnh của Bộ Luật không dừng lại ở 20 triệu người đóng bảo hiểm bắt buộc mà sẽ mà mở rộng hơn ở 34,5 triệu người ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động để số lượng đóng bảo hiểm tăng lên. Khi đó, người già khi về hưu được thụ hưởng từ bảo hiểm xã hội. Bộ trưởng nhận định, đây là một trong hai trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh của người lao động.

Phương Thảo