1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng 2 lần nhận tín nhiệm “báo động” - quyết định thuộc Đảng

(Dân trí) - “Có một số Bộ trưởng đã có nhiều cố gắng sau lần lấy phiếu đầu tiên nhưng vẫn chưa có kết quả cao trong lần lấy phiếu vừa qua. Việc điều chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những chức danh này hay không phụ thuộc cơ quan của Đảng”…

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi trong cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội chiều tối 28/11.

Kết quả sau cùng với việc sửa Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo hướng giảm tần suất lấy phiếu từ định kỳ hàng năm xuống 1 lần/nhiệm kỳ, giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm tiếp tục nhận nhiều quan tâm của báo giới, dư luận.
Bộ trưởng 2 lần nhận tín nhiệm “báo động” - quyết định thuộc Đảng
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo sau lễ bế mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Một băn khoăn được gửi tới Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là kết quả tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cho thấy, tại 13 tỉnh thành cử tri có ý kiến về việc sửa Nghị quyết 35 đều thể hiện nguyện vọng duy trì ít nhất 2 lần lấy phiếu/nhiệm kỳ, thiết kế phiếu tín nhiệm với 2 mức đánh giá, khác với phương án quyết định của Quốc hội khi thông qua Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35.

“Vậy kết quả hơn 81% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm (sửa đổi) của Quốc hội hôm nay có phản ánh đúng, phù hợp với nguyện vọng, ý chí của cử tri?” – đây là câu hỏi báo giới đặt ra với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, trong quá trình thảo luận về việc sửa Nghị quyết 35 tại hội trường cũng còn ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. 6/6 đại biểu phát biểu trên hội trường cho là nên lấy 2 lần/nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích, các đại biểu khác chưa phát biểu hoàn toàn có thể là những ý kiến đồng tình với phương án như dự thảo Nghị quyết sửa đổi đề ra.

“Và kết quả biểu quyết với hơn 81% đại biểu tán thành việc lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, đánh giá tín nhiệm ở 3 mức hôm nay đã thể hiện điều đó” – ông Phúc nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề phiếu tín nhiệm phân làm 2 mức hay 3 mức, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhắc lại nguyên tắc lấy phiếu để thăm dò tín nhiệm đối với những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý. Việc này nhằm phục vụ việc phân công, điều chuyển, luân chuyển cán bộ cũng như để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau. Theo đó, việc lấy phiếu ở 3 mức sẽ giúp có nhiều lựa chọn, đánh giá cụ thể hơn đối với cán bộ chứ không hướng tới mục đích xử lý cán bộ.

“Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng sẽ trao đổi vấn đề này, để giải thích với cử tri điều đó và tôi tin cử tri sẽ hiểu, thông cảm” – ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp.

Một câu hỏi khác đặt ra cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc lấy phiếu tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII cho thấy có những Bộ trưởng đã 2 lần liên tiếp nhận kết quả đánh giá tín nhiệm “báo động”, có cơ chế điều chuyển, thay đổi vị trí công tác?

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận: “Đúng là có một số vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã có nhiều cố gắng sau lần lấy phiếu đầu tiên nhưng vẫn chưa có kết quả cao trong lần lấy phiếu vừa qua. Điều đó là lời nhắc nhở để các vị đó cần phát huy hơn nữa. Còn vấn đề có điều chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những chức danh này hay không là phụ thuộc vào cơ quan tổ chức cán bộ, cơ quan của Đảng”.
 

Quốc hội không can thiệp việc mâu thuẫn của đại biểu

Vấn đề khác đặt ra với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là hiện tượng đại biểu Quốc hội có những hình thức tranh luận “quá lố” xúc phạm nhau, như vụ ông “nghị” Hoàng Hữu Phước viết blog “nhạo” đại biểu Trương Trọng Nghĩa (cùng đoàn ĐBQH TPHCM) gây sóng dư luận từ đầu kỳ họp. Được biết, ít ngày trước, đoàn ĐBQH TPHCM đã họp, yêu cầu ông Phước phải xin lỗi cả tập thể nhưng ông Phước không đồng ý ký biên bản làm việc.

Đây không phải là lần đầu ông “nghị” Phước bài bác đồng nghiệp một cách xúc phạm trên blog cá nhân. Trước đó, trong bài viết “tứ đại ngu”, ông Phước đã hướng mũi công kích tới đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và phải đính chính, xin lỗi ông Quốc sau đó.

Băn khoăn đặt ra là làm sao để đảm bảo văn hoá nghị trường, tránh hiện tượng đại biểu xúc phạm nhau qua các sự việc này?

Đáp lại câu hỏi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận, chuyện tranh luận, trao đổi với nhau là quyền riêng tư của đại biểu, trong đó có cả việc phát ngôn, nêu quan điểm, viết bài trên blog. “Chuyện chưa hiểu nhau, mâu thuẫn, bức xúc giữa 2 đại biểu cũng là hoàn toàn bình thường. Các đại biểu đã tự phân giải được, tự xin lỗi nhau, không còn ý kiến là một việc tốt, chưa có vấn đề gì cần đưa ra lên đến Quốc hội” – ông Phúc phân tích.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc muốn đưa ra Quốc hội giải quyết cũng cần có văn bản đề xuất, nêu ý kiến của đoàn ĐBQH trực tiếp quản lý đại biểu gửi lên. Đến thời điểm này, Quốc hội chưa nhận được thông tin, văn bản nào về vấn đề này.

P.Thảo