1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ TN-MT báo cáo “khẩn” tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn

(Dân trí) - Kiến nghị thúc đẩy đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thuỷ điện lớn cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du.

Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ TN-MT báo cáo “khẩn” tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra trên phạm vi rộng, hầu hết các lưu vực sông xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ngay từ đầu mùa cạn (tháng 12/2019) trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%. Hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019. Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40-70% tuỳ từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 15-25%.

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo trong những tháng còn lại, đặc biệt từ tháng 5-8/2020, lượng dòng chảy trên các sông suối ở khu vực này vẫn rất nhỏ, phổ biến thiếu hụt từ 15-70% so với trung bình nhiều năm và có thể gay gắt hơn mùa khô năm 2019.

“Vì vậy nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể sẽ rất nghiêm trọng”- Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng mưa mùa lũ trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm và từ 15-25% so với năm 2015; tổng dòng chảy thiếu hụt từ 30-35% so với trung bình nhiều năm. Từ đầu mùa khô đến nay đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh.

Chiều sâu xâm nhập mặn tính đến ngày 30/3 ở cửa sông Cửu Long đã sâu hơn năm 2016 từ 3-7 km, các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) ở mức thấp hơn từ 4-15 km.

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo xu thế xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long sẽ giảm dần, tuy nhiên do dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long không được cải thiện nên độ mặn vẫn ở mức cao, tình hình nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra. Trên các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó giảm dần. Hiện nay đã có 5 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về hạn, mặn gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau.

Bộ TN-MT báo cáo “khẩn” tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn - 2

Một người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bên ruộng lúa chết khô (Ảnh: Nguyễn Hành).

Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Trước tình hình thiếu hụt lượng mưa, dòng nêu trên, ngay từ đầu mùa lũ năm 2019 (giữa năm), trên cơ sở dự báo, cảnh báo và nhận định của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Bộ này đã thông báo cho các địa phương trên phạm vi cả nước và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.

Đồng thời dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời đủ độ chi tiết về tình hình khí tượng, thuỷ văn và điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông.

“Dù xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước khá nghiêm trọng nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động chỉ đạo điều tiết, tiết kiệm và phân bổ nguồn nước từ ngay mùa lũ 2019. Do đó đến hiện tại, ở hạ du các hồ chứa lớn, quan trọng nằm trong quy trình vận hành liên hồ chứa thì không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Việc thiếu nước chủ yếu xảy ra ở khu vực có các công trình, các hồ chứa thuỷ lợi vừa và nhỏ”-Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Để đối phó với khả năng thiếu nước trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2020, Bộ này sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du.

Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia- Thu Bồn, Sê San, Srê-Pôk,… trong đó tập trung xây dựng các kịch bản, phương án điều hoà, phân bổ nguồn nước trong điều kiện hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Bộ TN-MT báo cáo “khẩn” tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn - 3

Tình hình xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp, nếu tình trạng này kéo dài người dân Long An sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất (Ảnh: Xuân Hinh).

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan khí tượng thuỷ văn ban hành các bản tin cảnh báo, dự báo về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn từ tháng 7- 8/2019 để các bộ ngành chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời đốc thúc các địa phương tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo chuyển giao các công trình giếng khoan đã được tìm kiếm, thăm dò và kết cấu thành các giếng khoan khai thác để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung; đặc biệt là đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Thành lập Tổ công tác do Tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia làm Tổ trưởng để hỗ trợ các địa phương điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt . Yêu cầu UBND các địa phương đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các điểm cung cấp nước ngọt phục vụ kịp thời cho nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Đề xuất các phương án tăng cường khả năng dự trữ nước ngọt

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ chứa thuỷ điện phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh Quy trình vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, nhất là những hồ nhỏ, để đảm bảo phù hợp với hiện trạng nguồn nước, khai thác, sử dụng ở hạ lưu và vấn đề an toàn, chống lũ, bảo đảm dòng chảy tối thiếu trong điều kiện biến đổi khí hậu.

“Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng dự trữ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường chủ động trong điều tiết nguồn nước. Thúc đẩy đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thuỷ điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiếu trên sông ở mức phù hợp”-Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị Thủ tướng.

Thế Kha