Bộ Nông nghiệp "tung người" đi các nước để bán nông sản

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT đã cử một số đoàn đi các nước như Mỹ, Nga, Braxin,... để tìm kiếm thị trường cho nông sản, khi nông sản Việt Nam đang khó khăn xuất sang Trung Quốc vì dịch corona (nCoV).

Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo dịch corona sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, hàng trăm xe ô tô chở nông sản của Việt Nam đã bị ùn ứ nằm chờ ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do khó khăn thông quan sang Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp tung người đi các nước để bán nông sản - 1

Xe chở nông sản nằm chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn trong ngày 4/2.

Trước bối cảnh trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ này đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới để bàn các giải pháp giúp thông quan nhanh chóng hàng hóa nông sản đang nằm chờ ở các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị các tỉnh rà soát lại các mặt hàng nông sản của địa phương mình, phối hợp với các cơ sở chế biến, cơ sở có nhà kho đông lạnh để cùng hỗ trợ giải quyết số nông sản đang bị tồn đọng. Các địa phương cần hướng dẫn người dân điều chỉnh lại sản xuất cho phù hợp, ví dụ như có thể "ngắt bớt hoa" thanh long, không tiếp tục xuống giống dưa hấu, vì dự báo tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp.

Mặt khác, ông Cường đề nghị các tỉnh tích cực thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở nội địa, các doanh nghiệp có chuỗi bán lẽ cần tích cực thu mua nông sản của người dân;...

Đó là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, ông Cường đánh giá, chính những khó khăn như vậy lại tạo cơ hội áp lực cho nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành một cách sâu sắc, phát triển bền vững hơn.

Ông Cường ví von Trung Quốc là thị trường lớn, giống như cái chợ "khổng lồ" cho nông sản Việt Nam.

"Chợ cũ nguy cơ rủi ro cháy thì không ngồi đó mà khóc, mà phải nghĩ để bàn giải pháp xây chợ mới. Đây là tiền đề và là áp lực buộc chúng ta phải tái cơ cấu sâu sắc hơn nữa nông nghiệp, chứ không phải đợi đến khi xảy ra sự cố gì mới đi bàn các giải pháp chắp vá, phải nghĩ đến các giải pháp xa hơn, để không bán hàng chỗ này thì bán hàng chỗ khác, không bán hôm nay thì phải có giải pháp bán hôm sau hoặc lâu hơn nữa" - ông Cường nói.

Bộ Nông nghiệp tung người đi các nước để bán nông sản - 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Một nội dung nữa được người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, đó là: Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cử nhiều đoàn đi các nước như Mỹ, Nga, Braxin, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Nhật Bản,... để tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt Nam.

"Đối với Braxin, chúng ta có nhiều cơ sở sản xuất tôm, cá tra rất tốt và các đơn vị làm rất tốt việc nhập khẩu thịt bò của Braxin. Tới đây chúng ta sang đó đàm phán để trao đổi thương mại, tôi tin là thành công vì cả hai bên đều rất khát vọng việc này" - ông Cường thông tin.

Ông Cường lưu ý, nông sản Việt Nam sẽ không phát triển được nếu như không xuất khẩu được, vì sức sản xuất trong nước là quá lớn. Do đó, ngành nông nghiệp đang tích cực tái cơ cấu, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc quá vào một thị trường nào đó.

Doanh nghiệp không "khoái" xuất khẩu theo đường chính ngạch

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, dịch bệnh do virus corona (nCoV) sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), thương mại biên giới sẽ chịu tổn thương nặng nề.

Ông Khánh thông tin, hiện nay, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu đất liền của Việt Nam (tạm gọi là thương mại biên giới) là 7 tỷ USD cả 2 chiều. Trong đó, xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD; riêng xuất khẩu qua việc trao đổi giữa các cư dân là 1 tỷ USD, chủ yếu là nông sản.

Trước ảnh hưởng của XNK như vậy, ngay từ ngày mùng 5 Tết, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình cũng như đưa ra cảnh báo để gửi Bộ NN&PTNT, các tỉnh biên giới, các hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Bộ Công thương cũng yêu cầu toàn bộ thương vụ ở nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu mặt hàng nông sản sang một số thị trường khác, đặc biệt là trái cây.

Bộ Nông nghiệp tung người đi các nước để bán nông sản - 3

Tại Gia Lai, vì dưa hấu có giá từ 500  - 700 đồng/kg, người dân chán nản bỏ cả những ruộng dưa đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để về quê. Trung bình, 1ha dưa hấu người dân lỗ hơn 100 triệu đồng…(Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Khánh cho biết, cơ quan chức năng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức “trao đổi cư dân” sang xuất khẩu chính ngạch, để giúp đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều.

Theo ông Khánh, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là mặt hàng trái cây do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc nên vẫn còn chiếm một tỷ trọng khá lớn, dù Bộ Công thương, Nông nghiệp đã khuyến khích các doanh nghiệp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua.

"Với sản phẩm được làm ra đều xuất khẩu theo hình thức cư dân như vậy chỉ còn cách chờ chợ biên giới mở cửa trở lại, vì vậy gần đây đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ ở các cửa khẩu" - ông Khánh nói và cho biết thêm: "Các chủ hàng khá ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, bởi chuyển sang hình thức này đồng nghĩa mất thêm chi phí như thuế VAT, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo ông Khánh, những mặt hàng nào chuyển được sang xuất khẩu chính ngạch, các đơn vị của Bộ Công Thương đã đề nghị chuyển ngay.

"Như những lô hàng sợi đi lên biên giới không xuất khẩu được đã chuyển về cảng Hải Phòng để đi theo đường chính ngạch, nhưng những mặt hàng làm được như vậy nhìn chung không nhiều" - ông Khánh nói.

Nguyễn Dương