Bỏ ngỏ trách nhiệm trong việc thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội?

(Dân trí) - Dự án làm hầm chứa, đường ống dẫn xăng dầu… được thu hồi đất nhưng bỏ ngỏ điều kiện do ai chịu trách nhiệm “cấp phép” đầu tư. Như vậy là chưa thấm bài học từ vụ lương khủng của lãnh đạo DN công ích ở TPHCM - Đại biểu Ngô Văn Minh phân tích.

Phiên thảo luận về dự thảo luật Đất đai sửa đổi tại Quốc hội ngày 6/11 vẫn ghi nhận nhiều băn khoăn, nghi ngại cho vấn đề thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) trăn trở, sau hai kỳ họp thứ 4 và thứ 5, sau hàng trăm cuộc hội thảo đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đề nghị không thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội mà nên áp dụng phương thức trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân. Nhưng đến thời điểm này, quan điểm đó vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo.
 
Bỏ ngỏ trách nhiệm trong việc thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội?

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương: "Công trình dự trữ xăng dầu nhưng do DN xăng dầu đầu tư vẫn không thể được thu hồi đất".

Ông Vinh cảnh báo “nếu vẫn giữ nguyên việc Nhà nước thu hồi đất cho mục đích kinh tế - xã hội thì tình trạng khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn, chưa có lời giải”.

Nếu buộc phải chấp nhận hướng quy định này, ông Vinh đề nghị ban soạn thảo cũng phải làm rõ khái niệm “thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội” để tránh bị lợi dụng, tạo ra bất bình xã hội, phân loại rõ, bỏ các dự án chỉ phục vụ lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi diện Nhà nước thu hồi đất.

Đại biểu kiến nghị, chỉ những dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì Nhà nước mới thu hồi đất, nếu Nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì phải trưng mua quyền sử dụng đất. Khi ấy việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi là quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, ông Vinh nêu yêu cầu, ban soạn thảo cũng cần làm rõ căn cứ "lớn, quan trọng và thiết thực" khi đưa các dự án kinh tế - xã hội vào diện Nhà nước thu hồi đất.

Tán thành những lập luận này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng chưa thể yên tâm dù UB Thường vụ QH đã giải trình về nội dung điểm c, khoản 1 Điều 62 về trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với các dự án làm công trình hệ thống dẫn chứa xăng dầu, khí đốt, nếu vì mục đích dự trữ quốc gia.

Bà Hương lật lại, dù là dự án như vậy nhưng nếu thể hiện tính chất vì lợi ích của DN, do DN kinh doanh xăng dầu đầu tư thì vẫn cần phải thỏa thuận đền bù thỏa đáng với người dân trước khi thu hồi đất.

Đại biểu cũng chỉ ra, tại điểm d, khoản 1 Điều này, dự thảo luật quy định dự án đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới chỉnh trang đô thị, cụm công nghiệp, dự án khai thác khoáng sản… khi có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thì được phép thu hồi đất. Bà Hương cho rằng, cần quy định thẳng trong luật là các dự án thuộc diện này, dù có sự đồng ý của HĐND tỉnh nhưng nếu chủ đầu tư là doanh nghiệp đầu tư như xây dựng khu đô thị mới, dự án khai thác khoáng sản, xây dựng khu văn hóa thể thao… cũng vẫn phải thỏa thuận với người dân về việc lấy đất.

“Chỉ cho phép thu hồi đất đối với các dự án do nhà nước làm chủ đầu tư” là luận điểm được nữ đại biểu nhấn mạnh, tương tự ý kiến đại biểu Trần Ngọc Vinh.

Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cũng chấp nhận phương án thu hồi đất cho 3 mục đích phục vụ quốc phòng an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia công cộng, phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải phân tách rõ, đối với các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, nhà nước không áp dụng thu hồi đất mà phải áp dụng cơ chế góp đất. Điều đó có nghĩa là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để cùng nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ông Hoàng phân tích, đây là một phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính trong phát triển đô thị đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện nay đã được áp dụng ở nhiều nước Châu Á như Thái lan, Mailaysia, Indonesia. Nội dung của phương thức này khá đơn giản, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện dự án góp đất và điều chỉnh lại đất đai tại một địa điểm nhất định trên nguyên tắc chuyển đất đang sử dụng vào mục đích phát triển đô thị hoặc chỉnh trang đô thị cũ.
 
Bỏ ngỏ trách nhiệm trong việc thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội?
Đại biểu Ngô Văn Minh: "Bài học các doanh nghiệp công ích ở TPHCM làm ăn nhiêu khê mà vẫn tự chia lương thưởng lớn không được rút ra?".

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) dẫn chiếu Điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định những trường hợp nhà nước thu hồi đất phải do “thật sự cần thiết”. Ngay quy định này, qua thăm dò, chỉ có 259/357 đại biểu tán thành trong khi Quốc hội có 498 đại biểu, tỷ lệ chưa đảm bảo. Báo cáo giải trình tiếp thu cũng xác nhận, vấn đề này còn nhiều ý kiến đại biểu rất khác nhau.

Liên hệ với Điều 61, quy định thu hồi đất cho 3 mục đích, ông Lợi cho rằng, ngay với mục đích phục vụ quốc phòng an ninh thì cũng chỉ trong trường hợp thật cần thiết nhà nước mới thu hồi đất. Như vậy, dẫn sang mục đích thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế xã hội, tinh thần của Điều 54 Hiến pháp chưa được thể hiện đúng đắn.

Cụ thể, đối với đất thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội tại điểm g, khoản 1, Điều 62 tuy đã dẫn chiếu là căn cứ vào điều kiện dự án phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư nhưng đại biểu vẫn yêu cầu cần thiết phải loại trừ yếu tố kinh doanh, vì lợi ích thuần túy của DN ở đây.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thậm chí nhận xét lần chỉnh lý này, nội dung quy định về thu hồi đất lại không tốt bằng bản dự thảo trình Quốc hội kỳ họp trước. Việc gộp nội dung thu hồi đất phục vụ việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vào chung điều luật quy định thu hồi đất vì mục đích phục vụ quốc phòng an ninh, lợi ích quôc gia, lợi ích công cộng, theo ông Minh chưa hợp lý.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 62 liệt kê 8 trường hợp áp dụng thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội thì có 4 trường hợp nêu rõ các điều kiện ràng buộc như dự án do Quốc hội, Thủ tướng, HĐND… quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng 4 trường hợp khác lại để ngỏ “cửa trách nhiệm” như điểm c nói về dự án làm hầm chứa, đường ống dẫn xăng dầu…

“Tại sao lại bỏ ngỏ vấn đề thẩm quyền quyết định đầu tư với các công trình, dự án loại này? Nếu ai đó lách đưa vào lĩnh vực này các dự án sản xuất kinh doanh thì sao? Bài học các doanh nghiệp công ích ở TPHCM làm ăn nhiêu khê mà vẫn tự chia lương thưởng lớn không được rút ra?” – ông Minh đặt cả loạt câu hỏi.

P.Thảo