“Bở hơi tai” chờ được ăn chay trong ngày Phật Đản

(Dân trí) - Đi qua nhiều quán mới có chỗ dừng chân, chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt được phục vụ, không đủ kiên nhẫn để chen chân... Đó là tình cảnh nhiều người dân TPHCM gặp phải khi tìm đến các quán chay trong ngày Phật Đản.

Nắm được nhu cầu ăn chay của người dân trong mùa Phật Đản, không chỉ các quán chay mới tăng cường phục vụ mà nhiều quán mặn cũng chuyển hướng sang món chay. Nhiều quán ăn sáng như mỳ, hủ tiếu, phở… ngày thường chỉ bán mặn, hôm nay cũng chuyển sang bán chay.

Khách hàng chọn ăn chay trong ngày Phật Đản. 
Khách hàng chọn ăn chay trong ngày Phật Đản. 

Chị Nguyễn Thị Hà bán gánh hàng mỳ xào thịt bằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TPHCM) hôm nay in thêm tấm biển “mỳ chay”. Chị cho hay, thật ra bán đồ mặn như ngày thường vẫn có khách, nhưng chị cũng chủ động muốn bán đồ chay như một hành động hướng đến cửa Phật.

Ăn chay là một cách để người dân hướng đến cửa Phật, là một nét văn hóa của người dân TPHCM. Người lớn tuổi, dân văn phòng, người lao động phổ thông cho đến học sinh, sinh viên… đều chọn ăn chay thay cho ăn món mặn trong ngày Phật Đản. Trưa ngày hôm nay, các quán chay ở khắp thành phố đều kín mít khách.

Các con đường tập trung nhiều quán chay như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Nguyễn Văn Đậu, Lê Quang Định (Bình Thạnh), Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp)… vào giờ cao điểm nhất đều chung tình trạng khách phải chen chân xếp hàng mới đến lượt được phục vụ. Lượng hàng, số nhân viên làm việc đều được tăng lên hết công suất nhưng luôn trong tình trạng quá tải.

Các quán chay kín người, khách phải kiên nhẫn chờ mới có bàn để ngồi. 
Các quán chay kín người, khách phải kiên nhẫn chờ mới có bàn để ngồi. 

Bước ra từ quán chay Thuyền Viên, đường Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh với 5 hộp cơm, vợ chồng bác Nguyễn Tiến Thảo cho biết, cả gia đình hôm đi ăn chay mừng Phật đản. Hai bác ra trước phải chờ rất lâu mới có chỗ để ngồi rồi lại phải tiếp tục chờ để được phục vụ đồ ăn, mất hơn 1,5 giờ đồng hồ.

“Mấy cháu lúc đầu tính ra ăn cùng bố mẹ, sau tôi thấy tình hình khách đông quá nên tôi bảo các cháu ở nhà, bố mẹ sẽ mua đồ chay về. Hôm nay ra quán ăn chay đúng là mệt thật nhưng thấy nhiều người đi ăn chay, cả nhiều bạn trẻ nữa tôi rất vui. Đó cũng là một cách thể hiện tấm lòng thành của mình đến Phật”, bác Thảo bày tỏ.

Các quán chay kín người, khách phải kiên nhẫn chờ mới có bàn để ngồi. 
 

“Thời điểm 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều khách đến quá đông, không còn chỗ để khách vô phải đứng chen bên ngoài nên không biết được lượng khách tăng bao nhiêu lần. Rất nhiều người đến thấy vậy, biết không thể chen vô họ đành đi chỗ khác. Nhưng đông như hôm nay thì mình cũng đành chịu”, cô thu ngân tại quán chay Thuyền Viên nói.

Nhân viên các quán chay làm việc không ngơi tay trong ngày Phật Đản. 
Nhân viên các quán chay làm việc không ngơi tay trong ngày Phật Đản. 

Buổi trưa, ngay khi hết giờ làm, anh Nguyễn Trọng, làm việc tại một công ty may mặc ở đường Quang Trung (Gò Vấp) cùng 4 đồng nghiệp khác lập tức đến quán chay trên đường Nguyễn Thái Sơn. Thế nhưng, quán quá đông không còn bàn để ngồi, chờ lâu không đến lượt nên họ lại vòng sang quán khác nhỏ ở trong hẻm trên đường Nguyễn Văn Nghi.

Anh Trọng nói: “Tưởng quán nhỏ ít khách ai ngờ hôm nay cũng đông vậy, đến lại cũng chờ, đến hơn 1 giờ chiều chúng tôi mới kết thúc bữa ăn mà cũng không dám ngồi lâu vì thấy còn rất nhiều người chờ mình đứng dậy để lấy bàn".

Quán chay quá đông, phục vụ khách không xuể trong bữa trưa, nên đến tận 2 – 3 giờ chiều nay lượng khách đổ các quán ăn chay vẫn còn rất đông.

Hoài Nam