Bộ Giao thông vận tải sửa quy định về việc đổi Giấy phép lái xe

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết đã thống nhất sửa Thông tư 58 quy định việc đổi Giấy phép lái xe (GPLX) từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa. Cụ thể, sẽ bỏ quy định phải thi lại lý thuyết; GPLX giấy người dân vẫn được sử dụng bình thường và không bị phạt. Tuy nhiên, khuyến khích người dân đổi GPLX sang vật liệu nhựa để chống việc làm giả.

Nhiều người dân đang nhầm lẫn hạn đổi GPLX giữa ô tô và xe may, hạn đối với ô tô là 31/12/2016 và mô tô là 31/12/2020
Nhiều người dân đang nhầm lẫn hạn đổi GPLX giữa ô tô và xe may, hạn đối với ô tô là 31/12/2016 và mô tô là 31/12/2020

Vị lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc sửa Thông tư 58 nằm trong lộ trình chủ trương sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật do ngành quản lý; cùng với việc tiếp thu ý kiến góp ý của Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp. Thông tư sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 12 tới.

Mới đây, Cục kiểm tra Văn bản – Bộ Tư pháp có văn bản “tuýt còi” Thông tư 58 của Bộ GTVT với nội dung Điều 57 quy định về chuyển đổi GPLX vì cho rằng không có cơ sở pháp lý.

Về việc này, trao đổi với PV Dân trí chiều 30/11, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho hay, việc ban hành Thông tư 58 với quy định về đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa (PET) trước đó đã được lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đồng ý thì Thông tư này mới được ban hành.

Điều 57 của Thông tư 58 quy định đổi GPLX ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET phải được thực hiện xong trước ngày 31/12/2016; GPLX mô tô không thời hạn, GPLX các hạng A1, A2, A3 phải xong trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng của thời hạn chuyển đổi này, nếu người có GPLX giấy chưa đổi sang vật liệu PET thì phải thi lại lý thuyết để được cấp GPLX mới.

Theo ông Huyện, việc khuyến khích người dân chuyển đổi GPLX sang vật liệu mới để quản lý đồng bộ trên công nghệ mới, GPLX vật liệu PET được mã hóa nên có khả năng chống làm giả tuyệt đối, vì vậy đổi GPLX sang vật liệu PET là để chống việc làm giả GPLX bằng vật liệu giấy. Trong Thông tư không quy định việc xử phạt đối với người chưa đổi GPLX.

“Người dân có GPLX giấy còn hạn vẫn được sử dụng bình thường, không có chuyện bị xử phạt, nhưng chúng tôi khuyến khích đổi khi GPLX hết hạn để đồng bộ với hệ thống quản lý, chống việc làm bằng giả. Chúng tôi cũng đang sửa đổi Thông tư 58, trong đó bãi bỏ quy định phải thi lại lý thuyết đối với người có GPLX chưa chuyển đổi vật liệu, hiện chủ trương này đã được thống nhất và Thông tư 58 sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 12/2016” - ông Huyện khẳng định.

GPLX vật liệu PET được cấp từ năm 2011
GPLX vật liệu PET được cấp từ năm 2011

Cũng theo ông Huyện, tính đến ngày 31/8/2016, đối với ô tô đã cấp là 5.299.604 GPLX trên cả nước, đến nay đã đổi sang vật liệu PET là 4.996.540 GPLX, còn 300.000 GPLX theo lộ trình sẽ đổi xong khi đến hạn 31/12/2016.

Hiện nay, một bộ phận người dân đang nhầm lẫn về thời hạn đổi GPLX của ô tô và xe máy. Hạn đổi GPLX của ô tô là 31/12/2016 và mô tô là 31/12/2020, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị người dân cập nhật đầy đủ thông tin để tránh việc đổ xô đi đổi GPLX.

Được biết, từ năm 2011, Bộ GTVT đã triển khai cấp GPLX theo mẫu mới được làm bằng vật liệu PET. Việc quy định đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa đã được lùi hạn nhiều lần. Cụ thể, việc đổi GPLX theo mẫu mới được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 38/2013 bắt đầu áp dụng từ 1/7/2012, thời hạn đến 31/12/2014 sẽ đổi hết GPLX ô tô và mô tô là 31/12/2020. Sau đó thời hạn này lại được lùi đến hết năm 2015. Cuối cùng, hạn đổi GPLX được “chốt” theo quy định tại Điều 57 của Thông tư 58 đang có hiệu lực là 31/12/2016 đối với ô tô và 31/12/2020 đối với mô tô.

GPLX vật liệu PET có kích thước tương tự thẻ ATM, được in song ngữ Việt - Anh. GPLX có tính bảo mật rất cao với 3 cấp độ phát hiện thật, giả bằng mắt thường, máy móc và chỉ lực lượng chuyên môn mới phát hiện được. Trên GPLX vật liệu PET có cơ sở dữ liệu thống nhất trong cả nước để các cơ quan chức năng và địa phương có thể nhanh chóng tra cứu, xác minh thông tin khi cần thiết, tiện ích trong việc tra cứu thông tin chỉ cần thực hiện qua tin nhắn điện thoại.

Ngoài ra, GPLX vật liệu PET tiện lợi cho người sử dụng cũng như tạo điều kiện hòa nhập với quốc tế. Trong khi đó, mẫu GPLX cũ được quy định từ năm 1996 đã bộc lộ nhiều bất cập như độ bền thấp và có kích thước chưa phù hợp; thiếu nhiều thông tin cần thiết để bảo mật và chống làm giả.

Châu Như Quỳnh