55 năm ngày truyền thống lực lượng biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2014):

“Bộ đội nơi biên giới, bộ đội trong lòng dân”

(Dân trí) - Đóng quân trên những vùng cao, vùng sâu heo hút, nơi cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, sự có mặt của lực lượng Bộ đội Biên phòng đã góp phần thay đổi cuộc sống, nếp nghĩ của bà con.

Giữa muôn trùng rừng núi, những sĩ quan biên phòng luôn gần gũi với nhân dân, phối hợp với dân bảo vệ vững chắc an ninh biên giới của Tổ quốc, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm tinh vi, ranh mãnh. Bộ đội “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, dạy dân cách phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới. Nhờ đó mà tình cảm quân dân càng thêm thắt chặt, gắn bó keo sơn…

“Đi dân nhớ, ở dân thương”

Vượt qua chặng đường dài đầy khổ ải, xe chúng tôi dừng lại ở Đồn Biên phòng Sa Trầm, thuộc Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị, đúng vào dịp đơn vị đang chuẩn bị Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2014). Đồn Sa Trầm đóng trên đỉnh núi cao của dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuộc địa bàn huyện Đakrông.

Đồn Biên phòng Sa Trầm đóng quân ở địa bàn khó khăn  
Đồn Biên phòng Sa Trầm đóng quân ở địa bàn khó khăn  

Có đặt chân đến mảnh đất này mới thấy hết sự khó khăn của những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm bám dân, giữ vững an ninh vùng biên giới. Bởi xung quanh là rừng núi xanh ngút, cư dân thưa thớt, điều kiện đi lại cũng hết sức vất vả. Nhiều địa bàn phải đi bộ mất vài giờ mới tới nơi.

Gặp chúng tôi, thượng tá Trịnh Trọng Yên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Trầm hồ hởi nói: "Ngày hôm nay các bạn gặp may mắn là thời tiết thuận lợi, chứ bình thường vùng đất này bị sương mù bao phủ, đến giữa trưa mới tan nên việc đi lại của người dân gặp nhiều nguy hiểm. Cũng chính vì vậy mà mảnh đất này từng được ví von là “Đà Lạt thứ 2” của Việt Nam đấy nhé".

Sau vài phút giới thiệu, Trung tá Bùi Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Trầm cho biết, Đồn Sa Trầm thành lập năm 1978, được giao phụ trách 2 xã có chung biên giới với nước bạn Lào là Pa Nang và Tà Long, đóng quân trên bản Sa Trầm, xã Ba Nang. Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất của cả nước, trình độ dân trí của bà con còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện dần từng bước. Hiện 18 thôn, bản đã có điện, riêng một số nơi xa như: Ba Ngày, Bù, Ngược mới có đường cấp phối, chưa được cải tạo. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào làm nương làm rẫy.

“Những năm qua Đồn Sa Trầm đã tích cực tham mưu cho địa phương để xây dựng phương án hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Nhờ đó, bà con đã biết trồng sắn, trồng lúa nước để xóa nghèo. Tuy nhiên, việc canh tác của bà con vẫn còn rất thô sơ nên năng suất chưa cao. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của tổ quốc, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Đồn Sa Trầm cũng đã cắt cử cán bộ đảng viên trong đồn tích cực cắm bản, nắm địa bàn và phối hợp xây dựng cơ sở vững mạnh. Bên cạnh đó, thực hiện kết nghĩa với các bản nước bạn, Đồn cũng thường xuyên phối hợp với Cơ quan an ninh A Sóc để cùng chung tay bảo vệ biên giới.” – trung tá Hưng nói.

Phối hợp, trao đổi thông tin với lực lượng an ninh nước bạn Lào
Phối hợp, trao đổi thông tin với lực lượng an ninh nước bạn Lào

Sự có mặt của những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh đã góp phần thay đổi cuộc sống của bà con miền biên viễn. Rất nhiều hộ gia đình đã biết cách làm ăn nhờ sự tận tình, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Do quá đông con nên cái đói, cái nghèo cứ vây lấy gia đình ông Hồ Văn Thương, ở bản Koóc từ nhiều năm qua. Cho đến khi làm theo các chiến sỹ Biên phòng trồng lúa nước, cuộc sống đã đỡ hơn trước rất nhiều. Ông tâm sự: “Nhờ Bộ đội Biên phòng mà mình biết làm lúa nước, bây giờ thì mình đã hiểu rồi. Cây lúa nước làm năm nào cũng được mùa, tận dụng phân bón từ việc nuôi trâu bò nên xanh tốt lắm. Mình cũng trồng thêm sắn để vừa ăn vừa bán lấy tiền mua các vật dụng khác nữa”.

Bộ đội biên phòng cắm bản, cùng ăn, cùng ở với nhân dân
Bộ đội biên phòng cắm bản, cùng ăn, cùng ở với nhân dân

Thượng tá Trịnh Trọng Yên chia sẻ: “Người lính biên phòng chúng tôi ngoài việc hoàn thành trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nếu không có niềm tin và nghị lực thì thật khó để làm cho dân tin tưởng và học theo. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định tư tưởng phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân bản. Khi bà con tin tưởng vào những việc làm của bộ đội thì lúc đó việc tuyên truyền mới có hiệu quả”.

Các sĩ quan Biên phòng luôn gần gũi với trẻ em
Các sĩ quan Biên phòng luôn gần gũi với trẻ em

Chia sẻ về đời sống của cán bộ, chiến sĩ, thượng tá Yên bày tỏ: "Nhiều lúc gặp dịp lễ, tết, nhưng vì nhiệm vụ nên anh em không được về đoàn tụ bên gia đình cũng buồn lắm. Nhưng những lúc như vậy, chúng tôi cũng nhận rất nhiều lời động viên ân cần, sự cảm thông, chia sẻ từ người thân, gia đình nên lấy đó làm động lực để tiếp tục công tác. Nếu hậu phương không vừng thì tiền tuyến khó mạnh nhà báo à. Hơn nữa, anh em trong đơn vị cũng luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chắc tay súng bảo vệ biên cương

Là đơn vị được giao nhiệm vụ, trọng trách đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo luôn vững vàng trước “đầu sóng, ngọn gió” để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm. Hơn nữa, đây là khu vực cửa khẩu nên tình hình an ninh, trật tự rất phức tạp, nhiều vấn đề nhạy cảm khiến công tác quản lý của Đồn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lao Bảo kiểm tra cột mốc 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lao Bảo kiểm tra cột mốc 

Trong quá trình công tác, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lao Bảo luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bởi các loại tội phạm hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, chúng sử dụng rất nhiều thủ thuật để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, thậm chí có cả ma túy qua biên giới.

Lật cuốn hồ sơ lưu trữ, Thượng tá Nguyễn Thành Phú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo cho biết, trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Lao Bảo đã phát hiện và bắt giữ hơn 50 trường hợp vi phạm quy chế biên giới. Hành vi vi phạm chủ yếu là đi qua lại biên giới không làm các thủ tục quy định của pháp luật. Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đã được cán bộ chiến sỹ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo thực hiện một cách nghiêm ngặt. Qua đó, Đồn đã phát hiện, xử lý 12 đối tượng. Trong đó, tội phạm ma túy: 5 vụ/5 đối tượng, vận chuyển ngoại tệ qua biên giới: 1 vụ/1 đối tượng, tội phạm truy nã: 5 vụ/6 đối tượng. Tang vật gồm 14,49 kg lá cần sa khô; 77 viên ma túy tổng hợp; 700.000 USD. Đồn ra quyết định khởi tố, chuyển giao Công an huyện Hướng Hóa xử lý 6 vụ (trong đó tội phạm về ma túy 5 vụ/5 đối tượng, 1 vụ vận chuyển ngoại tệ). Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển giao Công an các tỉnh TT Huế, Đà Nẵng, TP Hà Nội 4 vụ/4 đối tượng có lệnh truy nã; chuyển giao Công an Quảng Trị để giao cho Intrepol Việt Nam 1 vụ/2 đối tượng quốc tịch Nga có lệnh truy nã...

Chỉ nghe vài thông tin Thượng tá Phú cung cấp cũng đủ thấy tình hình hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực cửa khẩu phức tạp như thế nào. Nếu không có sự dũng cảm, khéo léo và linh hoạt của lực lượng chức năng thì thật khó để vạch trần những thủ đoạn của chúng.

Thượng tá Phú cho biết thêm, đặc thù Đồn Lao Bảo đóng quân trên địa bàn nhạy cảm, nhiều loại tội phạm hoạt động hết sức tinh vi, nhưng được sự ủng hộ của chính quyền và người dân nên chúng tôi có thêm nghị lực để phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

...và tuần tra trên vùng biên giới
...và tuần tra trên vùng biên giới

Bên cạnh công tác đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo cũng tích cực tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Ngoài ra đơn vị cũng thực hiện kết nghĩa với các địa bàn lân cận để cùng phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.  

Do nhiệm vụ đặc biệt và điều kiện công tác xa gia đình, người thân, nên rất ít khi họ được về đoàn tụ bên gia đình, kể cả những ngày Lễ, Tết. Những lúc ấy, mọi công việc đều phó thác cho những người vợ tảo tần. Tôi chợt nghĩ rằng, những chị em phụ nữ dám nhận lời chung sống với những người lính biên phòng cũng thật có nghị lực và giàu đức hy sinh lắm.

Đăng Đức