Bộ Công an hướng dẫn nhận diện thông tin xuyên tạc, giả mạo

(Dân trí) - Việc lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm.

Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình của dịch bệnh Covid-19, các đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay nhiều cơ quan nhà nước cũng có tài khoản riêng trên mạng xã hội để đăng tải những thông tin hoạt động của đơn vị.

“Người dân cần có kỹ năng gì để nhận biết đâu là thông tin trên trang mạng xã hội của cơ quan nhà nước, đâu là thông tin sai sự thật trên trang giả do các đối tượng xấu lập để thông tin sai sự thật?”- một người dân gửi thắc mắc tới Bộ Công an.

Bộ Công an hướng dẫn nhận diện thông tin xuyên tạc, giả mạo - 1

Hình ảnh trang mạng giả mạo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (Ảnh: BCA).

Theo Bộ Công an, hiện nay trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Do đó, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

Cụ thể, cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào? Nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.

Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin. Nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang.

Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cho rằng, người dân cần kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi.

Bộ Công an hướng dẫn nhận diện thông tin xuyên tạc, giả mạo - 2

Công an tỉnh Đắk Nông vừa xử phạt hai cá nhân về hành vi đưa tin sai sự thật trên Facebook về virus corona, mỗi người 10 triệu đồng.

Việc lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.

“Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội”- Bộ Công an mong muốn.

Thế Kha