1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Công an đề xuất tăng thêm một Đại tướng

(Dân trí) - Trình Chính phủ dự luật Công an nhân dân sửa đổi sáng 20/3, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề xuất quy định thêm một hàm Đại tướng dành cho Thứ trưởng thường trực, 2 hàm Trung tướng cho GĐ Công an Hà Nội, TPHCM, GĐ Công an 6 tỉnh thành khác hàm Thiếu tướng.

Ngày 20/3, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng luật. Trong số 7 dự án luật được đưa ra xem xét, có luật Công an nhân dân sửa đổi và luật Sĩ quan quân đội nhân dân sửa đổi.

Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, dự thảo luật Công an nhân dân có một số thay đổi trong quy định về việc thăng phong cấp tướng.

Cụ thể, theo thông lệ hiện tại, lực lượng công an và quân đội đều chỉ có Bộ trưởng mang hàm Đại tướng. Lần sửa luật này, Bộ Công an đề xuất ngoài Bộ trưởng nên quy định thêm vị trí Thứ trưởng làm Phó Bí thư Đảng ủy Công an TƯ cũng có cấp bậc hàm Đại tướng vì đây là người quan trọng thứ 2 trong lực lượng, người sẽ đảm trách mọi công việc khi Bộ trưởng đi vắng.
Đề xuất tăng cơ cấu cấp tướng cho lực lượng công an
Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đề xuất thêm một hàm Đại tướng cho Thứ trưởng thường trực Bộ.

Cũng theo nguyên tắc này, ở cấp Tổng Cục, hiện tại chỉ Tổng Cục Trưởng mang hàm Trung tướng. Cơ quan soạn thảo luật đề nghị thêm một hàm Trung tướng cho cấp Phó trực tiếp của Tổng Cục, tương đương với bên quân đội.

Tại địa phương, cấp bậc hàm cao nhất của Công an cấp tỉnh là Đại tá, dành cho GĐ Công an tỉnh, cũng tương ứng với quy định của quân đội. Tuy nhiên, theo Đại tướng Trần Đại Quang, 2 thành phố lớn nhất cả nước hiện tại là Hà Nội và TPHCM cần xác định là 2 địa bàn đặc biệt quan trọng. Số lượng cán bộ công an của 2 thành phố hiện cũng rất lớn, Hà Nội có 2 vạn sĩ quan công an, TPHCM có 2,5 vạn. Ông Quang đề nghị GĐ công an 2 thành phố này cũng được mang hàm Trung tướng (tức quyền hạn, trách nhiệm tương đương chức danh Tổng Cục trưởng).

Ngoài ra, ở 3 thành phố trực thuộc TƯ khác là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 3 tỉnh có địa bàn rất rộng, đông dân, tình hình an ninh trật tự xã hội phức tạp là Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đề nghị quy định Giám đốc công an 6 tỉnh thành này có cấp bậc hàm Thiếu tướng.

Tham gia ý kiến vấn đề này, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lại lo hướng tăng cơ cấu cấp tướng của lực lượng Công an sẽ “làm khó” bên quân đội. Theo ông Thanh, đề xuất lãnh đạo cơ quan quân sự địa phương thuộc địa bàn trọng yếu, có quá trình công tác, đóng góp xuất sắc thì được phong một cấp cao hơn so với mặt bằng chung đã có trước đây. Tuy nhiên, việc này cũng gây tâm tư trong anh em quân nhân vì rất khó phân định địa bàn nào trọng yếu, địa bàn nào không.

Vì vậy, luật Sĩ quan quân đội nhân dân sửa đổi lần này chỉ chỉnh một số ít điều khoản quy định. Chức vụ, cấp bậc sĩ quan giữ như luật hiện hành. Chức vụ quân hàm cao nhất ở mỗi đơn vị thì bỏ quy định cấp quân hàm Thiếu tướng đối với lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các chức danh Tham mưu trưởng cũng được giảm bớt.

Đối chiếu với đề xuất của ngành Công an, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng khó áp dụng. Bộ Quốc phòng hiện có 6 Tổng Cục. Nếu chức danh Phó Tổng Cục trưởng cũng được tăng cấp bậc hàm lên Trung tướng thì mỗi Tổng cục có 3-4 phó, kéo theo đó còn có cả cấp phó của Quân khu, Quân chủng, Biên phòng… số lượng Trung tướng sẽ quá nhiều, quân hàm sẽ “đỏ” cả toàn quân.
Đề xuất tăng cơ cấu cấp tướng cho lực lượng công an
 Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, thêm một chức danh được mang hàm tướng sẽ kéo theo nhiều vị trí khác.

“Vướng vậy nên khi chúng tôi trao đổi, quán triệt lại là chỉ dừng đến Thiếu tướng, cơ bản anh em đều đồng tình. Dĩ nhiên các đồng chí hiện đang làm Phó Tổng Cục trưởng cũng không vui” – Đại tướng Phùng Quang Thanh phân tích.

Tương tự, vấn đề quy định cấp hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an 6 tỉnh thành như Bộ Công an đề xuất, ông Thanh khẳng định, bên quân đội vẫn chỉ giữ cấp Đại tá cho người đứng đầu Ban Chỉ huy quân sự ở các tỉnh thành. Chỉ có Hà Nội, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thủ đô mang hàm Trung tướng. Ở TPHCM có một Thiếu tướng.

“Nếu lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự tỉnh thành nào phấn đấu tốt, khẳng định được bản thân, được đưa lên Quân khu thì sẽ phong hàm cấp tướng. Nhưng bên Công an đề nghị như vậy thì bên quân đội cũng phải tính toán vì nếu không rất khó cho địa phương vì không biết ở tỉnh thành, vai trò của công an, quân đội ai hơn ai, đều là tỉnh ủy viên cả” – Bộ trưởng Quốc phòng phân trần.

Theo tướng Phùng Quang Thanh, phân theo địa bàn trọng điểm càng khó vì một Chính ủy quân sự phụ trách ở tỉnh miền núi “đủ thứ khổ”, ngân sách, xe cộ, điều kiện nhà cửa… đều thiệt thòi hơn các tỉnh đồng bằng mà sau rốt lãnh đạo đơn vị ở các tỉnh này lại còn được hàm cấp Tướng. Ông Thanh cho rằng, như thế “anh đã khó lại khó hơn, anh đã thuận càng lợi hơn”.

Vì quan điểm còn vênh nhau giữa 2 bên Công an – Quân đội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “chốt” không đề cập việc xác định địa bàn trọng điểm hay đánh giá nơi nào quan trọng hơn. Tuy nhiên, đề xuất về việc cơ cấu cấp tướng cho Giám đốc công an 6 tỉnh như Bộ Công an nêu ra được chấp nhận.

P.Thảo