1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Biết thua lỗ vẫn “ném tiền” vào hồ tôm!

(Dân trí) - Đầu tư 50 - 70 triệu vào hồ tôm nhưng tôm bỗng dưng chết hàng loạt khiến người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) trắng tay, nợ nần chồng chất. Biết rằng có nhiều rủi ro nhưng người nuôi tôm vẫn chấp nhận “ném tiền” vào hồ tôm cầu may rủi.

Bình Định: Người nuôi tôm điêu đứng vì tôm, cua, cá chết

Thiên tai không bằng… "nhân tai"

Nghề tuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phước (Bình Định) có từ những năm 1990 nhưng còn phát triển manh mún. Hiện nay, toàn huyện Tuy Phước có khoảng gần 1.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại 4 xã ven đầm Thị Nại, trở thành vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định.

Trước đây, khi người dân loay hoay tìm cách phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ven đầm Thị Nại thì nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã mang lại diện mạo mới cho người dân vùng này. Nhiều vụ tôm trúng đậm, không ít hộ phất lên nhờ nuôi tôm, cuộc sống người dân no đủ.

Thế nhưng từ năm 2002 trở lại đây, người nuôi tôm liên tiếp bị thua lỗ vì tôm dịch bệnh chết do nguồn nước bị ô nhiễm, ngọt hóa và nhiễm mặn, đẩy người nuôi tôm lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Hàng trăm ha tôm nuôi ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị nhiễm mặn khiến tôm, cua, cá chết
Hàng trăm ha tôm nuôi ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị nhiễm mặn khiến tôm, cua, cá chết

Là người tiên phong trong nghề nuôi tôm ở xã Phước Hòa, ông Nguyễn Văn Cang (61 tuổi, thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa) tự nhận mình là “chuyên gia” thất bại. Nói vậy bởi lẽ, nhiều năm nay gia đình ông “ném” hàng trăm triệu đồng vào hồ tôm nhưng đều thất bại. Ông Cang cho biết: Trước đây người nuôi tôm ít, môi trường chưa bị ô nhiễm nên nuôi đâu thắng đó. Còn bây giờ nuôi đâu chết đó, do ô nhiễm môi trường, nguồn nước bị ngọt hóa, rồi nhiễm mặn tôm không lột xác nên không lớn nổi, còn mặn quá thì tôm chết.

Lý giải về hiện tượng ngọt hóa và nhiễm mặn cao, ông Cang cho rằng, từ ngày Nhà máy thủy điện An Khê - KaNak đi vào hoạt động, lấy nước từ sông Ba, người dân vùng hạ lưu sông Ba - tỉnh Phú Yên thiếu nước sản xuất, còn người nuôi tôm ở Tuy Phước (Bình Định) lại khổ vì nguồn nước bị ngọt hóa khiến tôm phát sinh dịch bệnh rồi chết. Năm 2015 hạn hán, thủy điện không xả nước, thiếu nước ngọt nên độ mặn tăng cao khiến tôm chết hàng loạt.


Người nuôi tôm bên hồ tôm vừa thả được hơn 20 ngày, thấp thỏm lo nước mặn sẽ khiến tôm chết.

Người nuôi tôm bên hồ tôm vừa thả được hơn 20 ngày, thấp thỏm lo nước mặn sẽ khiến tôm chết.

“Hiện tại độ mặn cao phổ biến từ 15%o, tôm chậm lớn, khi độ mặn cao lên hơn 20%o tôm chết. Thậm chí, cá dìa thả xen canh là loại dễ thích nghi môi trường nhất cũng chết vì độ mặn cao. Phần vì bà con nuôi theo kiểu mạnh anh nấy làm nên một hồ bị dịch bệnh tôm chết thì các hồ khác sẽ bị lây lan”, ông Cang nói.

Không chết mới lạ!

Những ngày qua, nhiều diện tích tôm bị chết do bệnh đốm trắng và nguồn nước nhiễm mặn cao. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, hiện có hơn 17 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh chết do bệnh đốm trắng và bệnh môi trường. Tuy nhiên thực tế ghi nhận, hiện vùng nuôi tôm nhiều nhất huyện là xã Phước Hòa với 327 ha thì có 80% diện tích hồ tôm bị nhiễm mặn, tôm chết rải rác.


Nuôi tôm ở huyện Tuy Phước không chết mới là lạ, còn tôm chết là hết sức bình thường.

Nuôi tôm ở huyện Tuy Phước "không chết mới là lạ, còn tôm chết là hết sức bình thường".

Ông Phan Trọng Phú - Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc - cho biết, từ trước Tết âm lịch đến tháng Giêng, do độ mặn cao từ 21-22%o, cộng với thời tiết không khí lạnh nên tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Nguyên nhân chính là do nước bị nhiễm mặn cao. “Nếu như ăm ngoái, nước ngọt tràn xuống làm độ mặn nguồn nước nuôi xuống quá thấp, không đảm bảo cho tôm sinh trưởng, tôm chết thì năm nay, hạn hán kéo dài, thiếu nước ngọt nên độ mặn tăng cao nên tôm cũng lăn đùng ra chết”, ông Phú thở dài.

Người nuôi tôm huyện Tuy Phước (Bình Định) thấp thỏm vì nguồn nước nhiễm mặn cao
Người nuôi tôm huyện Tuy Phước (Bình Định) thấp thỏm vì nguồn nước nhiễm mặn cao

Lý giải về hiện tượng tôm chết liên tục trong nhiều năm qua, ông Cang nói: “Ở nước ngoài người ta nuôi tôm 2-3 năm rồi chuyển sang vùng nuôi khác để thiên nhiên tái tạo lại môi trường xong rồi mới quay lại nuôi tiếp. Còn ở đây, người dân nuôi gần 30 năm liên tục, biết bao nhiêu chất thải, mầm bệnh tiềm ẩn trong hồ. Hơn nữa, ở đây mạnh ai nấy làm, nước xả thải lung tung, nguồn nước mặn, ngọt không điều tiết được không ô nhiễm mới lạ. Ở đây nuôi tôm không chết mới lạ! Còn tôm chết là bình thường”.

Biết lỗ vẫn “ném” tiền vào hồ tôm

Hơn 10 năm nay, hầu như người nuôi tôm ở xã Phước Hòa chưa biết mùi thắng lợi. Dẫu biết thua lỗ nhưng chỉ nuôi tôm mới hi vọng gỡ được nợ. Thế nhưng môi trường ao nuôi ô nhiễm, nguồn nước bị ngọt hóa, nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm chậm lớn, phát sinh dịch bệnh chết làm người nuôi càng lâm vào cảnh nợ mới chồng nợ cũ.

Nhiều hồ tôm bỏ không vì nước bị nhiễm mặn cao
Nhiều hồ tôm bỏ không vì nước bị nhiễm mặn cao

Ông Ngô Văn Giao (58 tuổi, thôn Huỳnh Giảng Bắc) cho biết, vụ tôm năm ngoái ông đầu tư 70 triệu đồng vào nuôi tôm xen cá hồng, đến khi gần thu hoạch tôm lăn đùng ra chết, lỗ hơn 30 triệu. “Lỗ 30 triệu là ít đó, nhiều đầu tư 100 -150 triệu đồng nhưng trắng tay. Vụ tôm năm nay, hầu hết các chủ hồ thả trước đều bị chết hoặc không lớn vì nước nhiễm mặn. Riêng tui thả muộn hơn, vừa thả giống được hơn 20 ngày, hiện chưa có dấu hiệu tôm chết. Nhưng với tình hình thời tiết hiện nay, độ mặn tiếp tục tăng cao thì nguy cơ trắng tay là điều dễ xảy ra”, ông Giao lo lắng.

Ông Phú cho biết, thôn Huỳnh Giản Bắc có hơn 450 hộ dân thì có hơn phân nửa hộ sống bằng nghề nuôi tôm. Nỏ nuôi tôm thì biết lấy gì mà sống. “Để nghề tôm phát triển bền vững, ngành chức năng huyện, tỉnh cần phải có giải pháp khôi phục lại hệ thống đê Đông để chủ động nguồn nước, hạn chế dịch bệnh”, ông Phú kiến nghị.

Hiện nay, Tuy Phước đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm an toàn sinh học hiện chưa thấy dịch bệnh nhưng chi phí đầu tư quá cao chưa thể áp dụng cho toàn huyện
Hiện nay, Tuy Phước đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm an toàn sinh học hiện chưa thấy dịch bệnh nhưng chi phí đầu tư quá cao chưa thể áp dụng cho toàn huyện

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Quang Ân - Phó trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng huyện Tuy Phước đã phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ nông dân khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đồng thời khuyến cáo người dân khi phát hiện tôm nuôi bị dịch bệnh, cần phải báo cho cơ quan Thú y để được hỗ trợ các biện pháp phòng dịch bệnh.

“Về giải pháp lâu dài cần đầu tư hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước, áo chứa, ao lắng. Đồng thời quản lý chặt chẽ các đầu mối cung cấp nước, xả thải khi dịch bệnh xảy ra. Có như vậy nuôi cộng đồng mới phát triển, hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, nguồn kinh phí quá lớn huyện không kham nổi nên rủi ro vẫn còn rất cao”, ông Ân nói thêm.

Doãn Công