1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Biệt thự Pháp bị sập: Xin nâng cấp nhiều lần nhưng không được?

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định không phát hiện tòa nhà Pháp cổ có nguy cơ khẩn cấp, tuy nhiên công trình đã xuống cấp và không thể sử dụng lâu dài. Phía đường sắt đã nhiều lần có văn bản xin UBND TP Hà Nội cho phép nâng cấp nhưng không được trả lời.

Công trình 110 năm tuổi vẫn phải… chờ!

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết, Tổng Công ty Đường sắt tiếp nhận tòa nhà này từ năm 1955 với danh nghĩa là thuê nhà của Nhà nước để sử dụng là nơi làm việc và trả tiền thuê nhà đến năm 1985, từ năm 2000 đến nay chuyển đổi sang hình thức thuê đất và thanh toán tiền thuế theo năm. Tổng Công ty chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo.

Số liệu ghi nhận từ năm 2010 đến nay, số tiền Tổng Công ty này thanh toán thuê đất cũng có sự thay đổi trong các năm. Cụ thể, năm 2010 là hơn 350 triệu đồng, năm 2011 là hơn 1,2 tỷ đồng, năm 2012 là 1 tỷ 738 triệu đồng, năm 2013 là 1 tỷ 579 triệu đồng, năm 2014 số tiền nộp là hơn 3,9 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 số tiền đã nộp là 1 tỷ 150 triệu đồng.

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ảnh: Tiền phong)
Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ảnh: Tiền phong)

Theo ông Hoạch, khu nhà 107 Trần Hưng Đạo có diện tích đất hơn 2.800 m2, gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng 2.669 m2 được sử dụng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở cán bộ công nhân viên đường sắt. Trước là 4 người thuê một phòng, sau đó chuyển dịch dần thành nhà ở của các hộ là con cháu của cán bộ công nhân viên đường sắt.

“Do thời gian sử dụng đã lâu, công trình (ngôi số 1) bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm nên năm 2008, 2009 Tổng công ty đã có văn bản báo cáo UBND và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên 107 và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Hà Nội đồng ý cho sử dụng đất ở số 31 Láng Hạ để bố trí tái định cư cho người dân nhưng cũng chỉ đồng ý về chủ trương chứ không có quyết định chính thức nào bằng văn bản. Còn việc xin phá dỡ khu nhà số 107 Trần Hưng Đạo để xây dựng lại thì Hà Nội không có câu trả lời” - ông Hoạch thông tin.

Ông Hoạch khẳng định, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 09/2007/ QĐ-TTg ngày 19/01/2007, Tổng công ty Đường sắt đã thực hiện kê khai và đề xuất phương án xử lý, sắp xếp cơ sở nhà đất tại 107. Theo quyết định của Thủ tướng, tòa nhà “giữ lại tiếp tục sử dụng theo hiện trạng. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tổng công ty. Di dời, tái định cư các hộ đến vị trí khác, phá dỡ toàn bộ công trình cũ đã xuống cấp để đầu tư xây dựng làm văn phòng của Tổng công ty”.

Đến năm 2013, Bộ Tài chính có văn bản số 12859/BTC-QLCS thống nhất để Tổng công ty “giữ lại tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Tổng công ty đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính (văn bản số 2999/ĐS-VP ngày 27/11/2013, số 2130/ĐS-VP ngày 30/7/2015, số 2217/ĐS-VP ngày 5/8/2015), đến nay đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Sập nhà, chết người vẫn không rõ trách nhiệm

Trong thời gian quản lý, để duy trì công năng sử dụng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện việc cải tạo, sửa chữa chống sập, dột nhưng không làm ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà. Cụ thể: Chống sập sàn tầng 1, trần tầng 2 hội trường; Thay thế cửa tầng 2 nhà hội trường; Xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm.

Toàn nhà biệt thự Pháp bị sập trưa ngày 22/9 (ảnh: Nguyễn Dương)
Toàn nhà biệt thự Pháp bị sập trưa ngày 22/9 (ảnh: Nguyễn Dương)

Nói về trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đối với tòa biệt thự bị sập, Phó Tổng Giám đốc Đoàn Duy Hoạch cho hay, đó là trách nhiệm sử dụng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật và báo cáo tình trạng xuống cấp của tòa nhà thì Tổng công ty cũng đã báo cáo nhiều lần bằng văn bản.

“Trước khi xảy ra sự cố sập tòa nhà, Ban Quản lý dự án trong quá trình sử dụng báo cáo là không phát hiện thấy nguy cơ khẩn cấp. Nguy cơ sập đổ tòa nhà chỉ được phát hiện trước khoảng 5 phút. Trưa hôm đó trời đang mưa, một số anh em đang uống nước thì phát hiện nước mưa dột nhiều, tường nứt và nhà có dấu hiệu bị nghiêng nên đã hô hoán những người đang ngủ trưa dậy kịp chạy thoát thân. Trước mắt, Tổng Công ty Đường sắt đã hỗ trợ gia đình mỗi người chết 10 triệu đồng và mỗi người bị thương số tiền 3 triệu đồng” - ông Hoạch cho biết thêm.

Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải chịu trách nhiệm giải quyết vụ sập nhà Pháp cổ theo quy định của pháp luật và trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình.

Cần phải nói thêm rằng, tòa nhà biệt thự bị sập nằm trong nhóm biệt thự bảo tồn cấp 2, dù được nhận định là đã xuống cấp và không thể sử dụng lâu dài, nhưng đơn vị sử dụng là Tổng Công ty Đường sắt chưa từng tiến hành kiểm định, và đơn vị quản lý là Xí nghiệp quản lý Nhà Hà Nội thuộc Sở Xây dựng Hà Nội cũng không có ý kiến gì. Đến nay, khi nhà đã sập, người đã chết, nhưng trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội, trường hợp biệt thự nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND Thành phố cho phép phá dỡ, xây dựng lại.

Chủ đầu tư phải có dự án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao) trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.

Trường hợp biệt thự do cơ quan Trung ương quản lý, Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận trước khi báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét. Các trường hợp đặc biệt phải phá dỡ để xây dựng công trình khác theo văn bản chấp thuận Thủ tướng Chính phủ thì UBND Thành phố quyết định cho phép phá dỡ.

 Châu Như Quỳnh