Bị “tuýt còi” văn bản trái luật, Ngân hàng Nhà nước không tiếp thu

(Dân trí) - Trước việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không tiếp thu, sửa chữa thông tư có nội dung trái luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng, Bộ Tư pháp cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư có nội dung trái luật, bị Bộ Tư pháp tuýt còi nhưng không chịu tiếp thu, sửa chữa.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư có nội dung trái luật, bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" nhưng không chịu tiếp thu, sửa chữa.

Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp vừa cho biết, sau khi tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền Thông tư số 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi, thảo luận với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành văn bản “tuýt còi”.

“Việc Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân”- kết luận của Cục Kiểm tra văn bản nhấn mạnh.

Hơn nữa, quy định “sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản …” bị cho cho là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng quy định trên của Ngân hàng Nhà nước có nội dung hạn chế quyền dân sự của tổ chức không có tư cách pháp nhân, vì vậy vượt quá thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 12/2 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2016 không xử lý các nội dung theo kiến nghị của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016 - kéo dài thời hạn chuyển đổi thêm 2 năm đối với các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32/2016/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 1/3/2017) sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản.

Theo ông Đỗ Đức Hiển, đến ngày 27/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Công văn số 1187 gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục giữ quan điểm cho rằng quy định tại Thông tư trên là hợp pháp và không tiếp thu các kiến nghị tại Kết luận kiểm tra 05/KL-KTrVB.

“Hiện nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đang đề xuất lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo quy định”- ông Hiển cho hay.

Thế Kha