1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư TPHCM nói về khoảng thời gian khốc liệt nhất đợt Covid-19 vừa qua

Quang Huy

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, có thời điểm thành phố chưa có thuốc điều trị, chưa có nhiều vaccine Covid-19. Việc duy nhất có thể thực hiện là tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến.

"TPHCM vừa trải qua những ngày tháng khốc liệt, anh hùng, chưa từng có do đại dịch Covid-19 và biến chủng Delta gây ra", đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, tại hội nghị giám sát công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhìn nhận, hiện tại, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đã ngày càng tốt lên, tuy nhiên, những nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn hiện hữu.

Bí thư TPHCM nói về khoảng thời gian khốc liệt nhất đợt Covid-19 vừa qua - 1

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, kể lại những ngày thành phố căng thẳng nhất bởi dịch Covid-19 (Ảnh: HMC).

Những ngày tháng căng thẳng nhất

Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, từ cuối tháng 4, khi phát hiện những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên của đợt dịch, Ban Thường vụ Thành ủy đã lập tức ngừng một cuộc họp để bàn giải pháp. Khi biết những trường hợp trên liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, thành phố đánh giá "dịch bệnh không chỉ dừng lại ở chỗ đó".

Thành phố đã lập tức áp dụng Chỉ thị 15, dừng các hoạt động ở mức có thể trên toàn địa bàn và áp dụng Chỉ thị 16 tại một số nơi là trọng điểm của đợt bùng phát. Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, thời điểm đó, thành phố đã không mặc một chiếc áo chung cho toàn địa bàn bởi lo ngại chỉ vì một số ca nhiễm mà ảnh hưởng đến toàn bộ.

Bí thư TPHCM nói về khoảng thời gian khốc liệt nhất đợt Covid-19 vừa qua - 2

TPHCM trải qua những ngày căng thẳng trong thời gian đầu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Thời điểm trên, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nhưng biện pháp truy vết của TPHCM có phần thất thế bởi loại xét nghiệm phổ biến được áp dụng là PCR khẳng định, có thời gian chờ đợi lâu. Ngoài ra, hạn chế về năng lực khi đó khiến thành phố chỉ đáp ứng trả kết quả được lượng nhỏ xét nghiệm, hầu hết mẫu xét nghiệm phải chờ nhiều ngày.

"Giãn cách để xét nghiệm nhưng kết quả xét nghiệm lại bị chậm. Dù các lực lượng của thành phố làm rất tích cực nhưng không có hiệu quả thời điểm ấy", Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận.

Những ngày sau đó, từ những ca Covid-19 đầu tiên của đợt dịch, thành phố đã ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm mới. Có những thời điểm, thành phố đặt chỉ tiêu lấy 500.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 một ngày, tuy nhiên, việc trả kết quả vẫn chậm.

Bí thư TPHCM nói về khoảng thời gian khốc liệt nhất đợt Covid-19 vừa qua - 3

Việc trả kết quả xét nghiệm chậm từng là điểm nghẽn trong công tác phòng, chống dịch của TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ông Nguyễn Văn Nên thông tin thêm, thời điểm trên, thành phố chưa có thuốc điều trị, chưa có nhiều vaccine Covid-19. Việc duy nhất có thể thực hiện là tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để theo dõi, chăm sóc bệnh nhân.

"Tất cả những yếu tố đó tạo ra những ngày có mức độ căng thẳng rất lớn. Chúng ta ngăn chặn nguồn lây, bóc tách F0 nhưng cũng không biết làm gì đối với họ", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.

Những căng thẳng ấy tồn tại đến ngày lượng lớn vaccine, xét nghiệm nhanh cập bến TPHCM. 

Ngày 6/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86, giao TPHCM phấn đấu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, khi nhìn lại "lực lượng và vũ khí", TPHCM nhận ra mục tiêu đó khó đạt được.

"Lúc đó, thành phố đã kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thường vụ Quốc hội cho áp dụng biện pháp cao nhất là tăng cường quân đội, y tế vào, quyết tâm cho trận đánh cuối. Đến nay, thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh", Bí thư TPHCM thông tin.

Những vấn đề bộc lộ trong quá trình chống dịch

"Nhiều người hỏi tại sao không thực hiện, áp dụng các bài học như Đà Nẵng, Bắc Giang đã làm. Nguyên nhân là bởi, do đặc điểm từng nơi khác nhau", người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nhận định.

Cụ thể, trong đợt bùng phát dịch, các tỉnh có thể áp dụng các biện pháp di dân để đảm bảo giãn cách, phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, TPHCM không thể áp dụng biện pháp này.

Bí thư TPHCM nói về khoảng thời gian khốc liệt nhất đợt Covid-19 vừa qua - 4

Với hàng trăm ngàn dân một khu vực, TPHCM khó áp dụng phương án di dân (Ảnh: Phạm Nguyễn).

"Tôi đã đi khảo sát, với mấy trăm ngàn hộ như ở quận Bình Tân, nơi có tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất thời điểm đó, thì đi đâu? Cần Giờ, Củ Chi cũng không thể đủ chỗ", Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, cũng thời điểm này, một loạt vấn đề cấp thiết của thành phố được bộc lộ rõ nét qua công tác phòng, chống dịch. Trong đó, công tác đảm bảo nhu cầu cho đời sống toàn bộ người dân là việc cực kỳ khó khăn.

Cụ thể, nhiều gia đình gặp tình trạng có phát gạo cũng không thể nấu, điều kiện nơi ở đơn giản, chật chội, không đảm bảo giãn cách. Trong khi đó, biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh...

"Thành phố đã chuẩn bị các chiến lược thời gian tới, trong đó có việc xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Tuy nhiên, các bước thực hiện còn nhiều vấn đề và cần sự ủng hộ từ Chủ tịch nước cùng đoàn Đại biểu Quốc hội" - ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Bí thư TPHCM nói về khoảng thời gian khốc liệt nhất đợt Covid-19 vừa qua - 5

TPHCM kêu gọi người dân ở lại, tiêm đủ mũi vaccine rồi về quê (Ảnh: Hải Long).

Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc tới thực trạng nhiều bà con, người lao động đang rời thành phố trở về quê. Điều này đã nằm trong dự báo của lãnh đạo thành phố. 

Hiện tại, thành phố thống nhất quan điểm mời bà con ở lại, tiêm đủ vaccine Covid-19 rồi về quê một cách có tổ chức. TPHCM kêu gọi, người dân không về quê tự phát thành từng đoàn, sẽ gây ảnh hưởng đến làng xóm, gia đình và địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm