Bí thư Đinh La Thăng trấn an cử tri việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định, ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Để ứng phó với khó khăn, TPHCM sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư và đẩy mạnh tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chiều 24/11, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết và quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Trần Anh Tuấn đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn (TPHCM).

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri phản ánh đến các đại biểu Quốc hội nhiều bức xúc liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông xuống cấp, lương hưu, chính sách cho người có công, nợ công…

Cử tri Nguyễn Thanh Lâm (xã Xuân Thới Thượng) lo lắng về nguồn vốn để phát triển kinh tế, xã hội TP trong bối cảnh nguồn thu ngân sách TƯ mà thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18%. “Khi tỷ lệ ngân sách điều tiết cho thành phố giảm như vậy thì liệu những công trình, dự án thực hiện năm 2017 có bị ảnh hưởng không?”, cử tri Lâm băn khoăn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng

Trước những lo ngại của cử tri, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại lại từ 23% xuống còn 18%. TPHCM cũng như một số thành phố khác phải cùng chia sẻ với trung ương và cả nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo ông Thăng, tỷ lệ cắt giảm 5% đối với TPHCM, trên thực tế, số tiền tuyệt đối không nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội TP. Tuy nhiên, TPHCM cũng có các giải pháp khắc phục khó khăn để thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố.

“TPHCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các nguồn vốn trong nước, ngoài nước, trong nhân dân… Thực hiện các dự án theo hình thức như đối tác công tư - PPP, BT, BOT… Ngoài ra, chúng ta sẽ đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học, các dịch vụ công… Những việc gì mà doanh nghiệp, xã hội làm được thì Nhà nước không làm mà chỉ kiểm tra kiểm soát theo quy chuẩn, tiêu chuẩn”, ông Thăng nói.

Ông Thăng khẳng định, khi xã hội hóa thì chất lượng dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế được nâng cao, phục vụ người dân tốt hơn. Từ đó, TP sẽ dồn các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội để xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Dũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề. Ông Dũng cho rằng, so với trước đây 20 năm thì kênh, sông qua huyện Hóc Môn bị “khai tử”.

“Lúc còn nhỏ tôi thường nhảy xuống sông tắm, uống nước được. Còn tình trạng hiện nay thì không thể chấp nhận được. Nếu không có biện pháp “khai sinh” dòng sông trở lại thì chừng 20 năm nữa con cháu chúng ta có nước mà không dám uống”, ông Dũng bức xúc.

Phần lớn trong tổng số hơn 7.500 tấn rác mỗi ngày của TPHCM đều được chôn lấp. Trong ảnh: bãi rác Đa Phước
Phần lớn trong tổng số hơn 7.500 tấn rác mỗi ngày của TPHCM đều được chôn lấp. Trong ảnh: bãi rác Đa Phước

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, hiện nay lượng rác thải rất lớn, trong đó có thể tái chế ni lông để sử dụng lại. Nhưng hiện nay phần lớn rác thải được chôn lấp và gây ô nhiễm môi trường. “Tiền thuê Đa Phước xử lý thì có thể dùng để tăng giá mua rác cho người đi lượm để làm lợi cho ngân sách quốc gia hơn”, ông Dũng đề xuất.

Trước phản ánh của cử tri, ông Đinh La Thăng cho biết, bãi rác Đa Phước đã được đầu tư xây dựng gần 10 năm về trước. Theo hợp đồng thì TP phải phân loại rác để có phần tái chế, còn lại là chôn lấp. Tuy nhiên, TP không thực hiện phân loại rác tại nguồn. Do đó, phần lớn lượng rác của TP (mỗi ngày TP thải ra hơn 7.500 tấn rác) được tiến hành chôn lấp.

Theo Bí thư Thăng, hiện nay TP đang quyết liệt tham gia kêu gọi đầu tư xây dựng bãi rác tại Long An, sau khi đóng bãi rác Đa Phước thì chuyển rác về Long An. Đồng thời, kêu gọi đầu tư cải tiến công nghệ để hạn chế chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế chất thải. Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề xử lý rác thải để không để phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Quốc Anh