Bị động, lúng túng trong việc xử lý người nghiện ma tuý

(Dân trí) - Việc áp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong những vấn đề nóng của xã hội trong thời gian qua, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết triệt để do văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy vẫn chưa được ban hành.

Tại hội nghị tổng kết ngành tư pháp ngày 15/1, đại diện Bộ Tư pháp cho biết hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, do trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định mới, phức tạp; một số nội dung quan trọng chưa được quy định đầy đủ, cụ thể trong luật nên việc triển khai áp dụng luật và các văn bản quy định chi tiết trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các quy định về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định áp dụng, điển hình là biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

C
Công khai chích ma túy ở TPHCM (Ảnh minh họa: Người Lao Động).

Theo Bộ Tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định mới, phức tạp dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tiễn làm cho việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, luật còn thiếu một số quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa rõ ràng, cụ thể nên người có thẩm quyền xử phạt cũng không đủ cơ sở pháp lý để áp dụng, xử lý các vụ việc vi phạm hành chính đa dạng, phức tạp phát sinh trên thực tế. Điều này gây ra khó khăn, vướng mắc rất lớn trong quá trình triển khai áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Việc áp dụng quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong nhưng vấn nóng của xã hội trong thời gian vừa qua, đòi hỏi cả Quốc hội, Chính phủ phải quan tâm, chỉ đạo trực tiếp. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để do văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, địa phương chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai, áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên thực tế”- đại diện Bộ Tư pháp cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho rằng có sự tồn tại song song của nhiều văn bản đều có nội dung liên quan đến công tác cai nghiện và xử lý người nghiện ma tuý nhưng lại chưa thống nhất với nhau. Cụ thể quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Một số quy định lần đầu được đưa vào luật, nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: Điều 131 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chính điều này đã làm cho các cơ quan có thẩm quyền bị động, lúng túng trong áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với các địa phương có số lượng lớn người nghiện ma tuý.

Nhận thức đây là vấn đề tương đối phức tạp, trong tháng 8 và 9/2014, Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay các công việc cụ thể để triển khai thi hành các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định quy định chi tiết luật về vấn đề này. Bộ Tư pháp cho biết trong 6 tháng cuối năm 2014, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để xử lý khó khăn, vướng mắc nhưng đây là vấn đề xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ chính sách, pháp luật đến công tác tổ chức thực hiện, cũng như thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau nên kết quả đạt được chưa cao và vẫn là khó khăn, thách thức lớn đặt ra trong năm 2015.

Thế Kha