Bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy: Vẫn nguy cơ “lọt lưới” người kém phẩm chất

(Dân trí) - “Thực tế từng có cán bộ cấp cao có vi phạm từ trước vẫn lọt vào bộ máy cao nhất của Đảng. Bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy cần sao để truy cứu trách nhiệm về sau”- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu đề xuất này khi trao đổi về vấn đề bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại đại hội Đảng bộ tỉnh.

"Lọt lưới" vẫn là nguy cơ hiện hữu

- Thời điểm này, các tỉnh thành cả nước đã sẵn sàng bước vào “mùa” Đại hội Đảng bộ tỉnh, bước chuẩn bị sau chốt tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc XIII. Gây chú ý, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đề xuất lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương để được bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại đại hội. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Cá nhân tôi ủng hộ và tôi tin rằng về việc này, rất nhiều người ủng hộ.

Lý do, trước hết, việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội đại biểu Đảng thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu tham gia đại hội. Vị Bí thư tại đó sẽ do các đại biểu Đảng viên của Đảng bộ bầu ra, dù vẫn thông qua cơ chế đại diện nhưng đại diện ở phạm vi rất rộng. Thay vì trong một tập thể Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ có mấy chục người thì trong đại hội Đảng bộ tỉnh có hàng trăm người. Con mắt của hàng trăm người chắc chắn là sẽ khách quan, sẽ chính xác hơn con mắt của vài chục người. Đấy là chưa nói tới trường hợp vài chục người trong Ban chấp hành chưa chắc đã là thực sự đại diện cho Đảng bộ vì vẫn có thể lọt lưới những người không xứng đáng.

Xét về khía cạnh kiểm soát quyền lực, cơ chế đại hội bầu trực tiếp sẽ bảo đảm hơn so với cơ chế bầu đại diện ở một phạm vi hẹp. Người được đại hội bầu ra sẽ tự tin hơn, có quyền tự chủ hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, với vai trò, sứ mệnh của người đứng đầu.

- Đó là những điểm ưu việt của cơ chế bầu trực tiếp. Còn những góc khuất cần lưu ý trong cơ chế này thì sao, thưa ông?

- Đương nhiên, việc này phải kèm theo những điều kiện ngặt nghèo khác, chứ không, nếu để lọt nhân sự khiến cho việc bầu cử sai lệch với bản chất thì vẫn “lọt lưới” cán bộ không đủ phẩm chất, thậm chí là trá hình, giúp họ che giấu, ẩn dật được thân phận không xứng đáng để chui sâu, leo cao trong hệ thống, nhất là ở tỉnh ủy, cấp dưới trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương. Đó vẫn là một nguy cơ hiện hữu.

Bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy: Vẫn nguy cơ “lọt lưới” người kém phẩm chất - 1
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân hiện là Ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách.

Truy vết nhóm lợi ích trong việc bỏ phiếu 

- Có ý kiến nêu vấn đề, bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy giúp mở rộng dân chủ, là bước sát hạch tín nhiệm tốt với nhân sự là người đứng đầu nhưng mặt khác, nó làm “mờ” cơ chế trách nhiệm, khi có sai phạm bộc lộ ở “người được chọn”, ai cũng có thể dễ dàng biện minh đó là trách nhiệm của tập thể?

- Để ngăn chặn mặt trái của cơ chế bầu cử trực tiếp thì phải có những quy định chặt chẽ hơn. Thứ nhất, đó là việc sàng lọc nhân sự trước khi bầu cử phải bảo đảm thật sự khách quan và trách nhiệm. Việc giới thiệu, tiến cử, phải được thực hiện bởi những người có uy tín, có trách nhiệm trong Đảng và xã hội và có trách nhiệm với việc đó, nếu như tiến cử nhầm người thì họ sẽ chịu trách nhiệm.

Thứ hai, chế độ đề cử tập thể thì phải ràng buộc được trách nhiệm của những người trong tập thể đó. Về kỹ thuật, phải kiểm soát được lá phiếu bầu của mỗi người, bằng quy định lưu cuống phiếu chẳng hạn, để khi hồi phách lại có thể kiểm tra phiếu bầu là của ai. Việc này là để ngăn chặn lợi ích nhóm giả danh tập thể, núp dưới danh nghĩa tập thể để bỏ phiếu cho một người không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng, thậm chí là những người mà đã có vi phạm từ trước lọt vào cấp ủy.

Thực tế việc này từng diễn ra rồi, cán bộ ở cỡ rất cao, có vi phạm từ trước nhưng vẫn lọt vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng. Vậy nên cần phải ràng buộc trách nhiệm phục vụ việc truy cứu trách nhiệm về sau, xem những ai đã đồng lõa giới thiệu, bỏ phiếu vì động cơ vụ lợi.

Thứ ba là phải có cơ chế kiểm tra trước năng lực của những người được tiến cử, được đề cử. Những người này phải có sự tập dượt, thông qua việc trình bày đề cương, chương trình hành động của mình, như mô hình tranh cử vậy, đề bộc lộ bản thân ra trước một tập thể rộng rãi hơn.

Vấn đề là chúng ta hiện vẫn đang lựa chọn nhân sự trong khuôn khổ rất chật hẹp, khống chế về độ tuổi và trong khuôn khổ quy hoạch trong khi cái quy hoạch đó chắc gì đã chính xác, khách quan. Tình trạng chạy quy hoạch, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy tiêu chuẩn để lọt vào quy hoạch thực tế vẫn diễn ra và ngày càng tinh vi hơn, xảo quyệt hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần cảnh báo, đừng “nhìn thấy đỏ mà tưởng chín” đó thôi.

Cuộc bầu Thủ tướng có số dư tại Quốc hội 

- Ý ông muốn nói, cách thức bầu cử thực chất nhất phải là tranh cử? Bí thư, dù có bầu trực tiếp tại đại hội nhưng theo hướng chỉ một ứng viên được quy hoạch, chuẩn bị, giới thiệu, không có số dư thì vẫn là hình thức?

- Đúng vậy, nên tạo ra cơ chế tranh cử trong Đảng. Tôi vẫn ấn tượng về việc Quốc hội khóa VIII bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà người lãnh đạo cao nhất khi đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đồng ý việc giới thiệu cả 2 ứng viên là ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt ra bầu. Nguyên tắc vẫn là Đảng lãnh đạo duy nhất nhưng giới thiệu nhiều ứng viên thì việc lựa chọn khách quan hơn. Sau này, dư luận đều đánh giá, việc lựa chọn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó là ông Đỗ Mười và tiếp tục bồi dưỡng ông Võ Văn Kiệt để sau đó trở thành vị Thủ tướng ghi dấu ấn của thời kỳ đổi mới, đều rất xứng đáng.

- Ông nghĩ thế nào về những điều kiện ràng buộc để một địa phương có thể thực hiện cơ chế bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại Đại hội?

- Tôi được biết Quảng Ninh đã đăng ký để được bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại đại hội lần này. Khi một địa phương người ta đề xuất có nghĩa là họ đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng rồi và tôi đánh giá rất cao đề xuất đi tiên phong của Quảng Ninh và tôi tin rằng sẽ rất nhiều người ủng hộ. Vấn đề là cơ chế bầu trực tiếp, như đã nói, nhiều điểm tích cực nhưng cũng hàm chứa nguy cơ, cần lường trước để ngăn chặn.

Để hoàn thiện cơ chế này, trước hết là phải ủng hộ chủ trương đó, song song với việc nhanh chóng tổng kết, đánh giá việc bầu trực tiếp Bí thư ở cấp quận/huyện, xã/phường và thí điểm với quy mô tương đối ở cấp tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

“Lợi ích của việc bầu trực tiếp Bí thư chắc chắn tốt”

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi vừa được bầu làm Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ tại Đại hội Đảng bộ lần thứ III của đơn vị (ngày 17/6/2020). Tại đại hội, ngoài ông Chi là nhân sự được cấp ủy quy hoạch, giới thiệu, có một ứng viên khác được đề cử nhưng khi bỏ phiếu để lập danh sách bầu, vị này không đủ số phiếu quá bán.

Bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy: Vẫn nguy cơ “lọt lưới” người kém phẩm chất - 2
Đại hội Đảng bộ SCIC lần đầu bỏ phiếu bầu trực tiếp Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Đức Chi đắc cử với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối.

Ban chấp hành Đảng bộ SCIC được bầu trực tiếp tại đại hội có 13 người. Tham gia đại hội có 150 Đảng viên thuộc Đảng bộ này. Như vậy, so với việc bầu Bí thư Đảng Bộ trong phạm vi Ban chấp hành và đại hội, sự khác biệt thể hiện rõ ràng ở con số, số phiếu bầu lớn gấp 10 lần.

Trước khi đưa vào đề án nhân sự, Đảng bộ SCIC đã thực hiện nghiêm quy trình nhân sự 5 bước theo Quy định 105 (của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử). Qua các vòng lấy phiếu đánh giá tín nhiệm trong Ban chấp hành, Ban thờng vụ Đảng bộ, trong Hội đồng thành viên, nhóm nhân sự chủ chốt… Chủ tịch Nguyễn Đức Chi đều được 100% phiếu. Tuy nhiên, khi ra bầu tại đại hội, số người tham gia bỏ phiếu lớn hơn rất nhiều, bất cứ nhân sự nào cũng khó có thể đạt tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối như vậy.

Quy trình 5 bước, theo đó, là cách thức kiểm tra dân chủ một cách chắc chắn vì qua từng bước, nếu ở khu vực nào có lợi ích nhóm, có sự mất đoàn kết, kết quả phiếu thăm dò sẽ chỉ ra ngay, khó có thể giấu được. Tất cả các vòng lấy phiếu này, mọi đối tượng tham gia đều được bỏ phiếu kín, “nói tiếng nói qua phiếu kín”.

“Lợi ích của việc bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội chắc chắn là tốt. Việc được lựa chọn là Đảng bộ làm thí điểm đã là một vinh dự với chung tôi vì nghĩa là cấp trên đánh giá SCIS là một Đảng bộ tốt, đoàn kết, trách nhiệm. Còn với bản thân tôi, vượt qua được số phiếu tín nhiệm tại Đại hội với kết quả tốt, thêm một lần nữa khẳng định sự lựa chọn của cấp trên là đúng. Kết quả của quy trình chuẩn bị trước được khẳng định bằng kết quả của đại hội. Việc được toàn bộ Đảng viên trong Đảng bộ bầu cũng tốt cho tôi về uy tín, về công việc” – ông Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Việc được bầu trực tiếp tại đại hội trong nhiệm kỳ này, theo đó, khác với việc được phân công, chỉ định làm Bí thư Đảng bộ đơn vị trong nhiệm kỳ trước, với ông Chi, không phải là áp lực lớn hơn trong thực hiện nhiệm vụ mà có ý nghĩa là thước đo cho sự tín nhiệm. Kết quả đó giúp người được bầu thấy bằng ông đang hành động đúng, cần tiếp tục con đường đã đi một cách mạnh mẽ hơn. Ông cho biết bản thân “tự tin hơn với con đường đã vạch ra vì có đúng thì mới được tín nhiệm”.

Tuy vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cũng xác nhận, khó có thể coi cơ chế bầu trực tiếp tại đại hội là “vũ khí tối thượng”, là cánh cửa đảm bảo ngăn chặn được những nhân sự không xứng đáng lọt vào cấp ủy nhưng đó là một bước mở rộng dân chủ, là công cụ sàng lọc tốt vì sẽ không người nào, nhóm nào che giấu được hết các vấn đề “khuất tất” trước “tai mắt tập thể”. Quan trọng hơn, tập thể cấp ủy, người đứng đầu đơn vị phải xây dựng được nề nếp dân chủ trong sinh hoạt, “thứ dân chủ thực sự chứ không chỉ hình thức”.

Thái Anh