Đắk Lắk:

“Bất lực” nhìn voi chết... vì vướng mắc kinh phí

(Dân trí) - Trong vòng 2 tháng qua, tại Đắk Lắk liên tiếp phát hiện 2 voi nhà phục vụ du lịch tại huyện Buôn Đôn chết một cách đột ngột trong rừng. Dư luận quan ngại phải chăng đàn voi nhà Đắk Lắk vốn đã ít ỏi, hao hụt lâu nay đã đến lúc “cáo chung”?

Voi bị khai thác du lịch quá sức

Theo biên bản hiện trường, khoảng 16h30, ngày 10/2, nài voi Y Niết B.Yă đưa voi H’plul, khoảng 37 tuổi, giống cái, vào khoảnh 3, tiểu khu 485, thuộc lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn để chăn thả. Khoảng 7h sáng hôm sau, nài voi Y Niết trở lại vị trí chăn thả để dắt voi đi trực du lịch thì phát hiện voi H’plul đã chết cứng giữa rừng. Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng bộ phận du lịch Bản Đôn (đơn vị quản lý), voi H’plul nặng khoảng 1,2 tấn; cao 2,7 mét, dài khoảng 3 mét.

Ngày 9/4 mới đây, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một cá thể voi nhà 63 tuổi, giống cái, chiều cao 2,3 mét; đường kính bàn chân trước 35cm; đường kính bàn chân sau 24cm; chiều dài thân 3 mét; chiều dài vòi là 1,2 mét cũng chết tại tiểu khu 485 - Vườn quốc gia Yok Đôn. Chú voi chết có tên Buôn Nhang, thuộc sở hữu của ông Y GLư Buôn Krông, trú tại buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Hiện trường

Hiện trường Voi Buôn Nhang chết. (Ảnh - Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cung cấp).

Trao đổi với PV Dân Trí ngày 15/4, ông Nguyễn Công Chung - Phó giám đốc phụ trách mảng voi nhà thuộc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết - hiện nay đàn voi nhà tỉnh Đắk Lắk còn lại 52 con (đực 22, cái 30), trong đó huyện Buôn Đôn có 28 con, còn huyện Lắk có 24 con. Ông Chung cũng cho biết, tuổi thọ trung bình của voi không thống nhất, tùy theo mỗi châu lục, giống loài, điều kiện chăm sóc... mà voi có tuổi thọ khác nhau. Voi có có thể sống từ 70 đến 80 tuổi; ít hơn 60 đến 70 tuổi; còn voi nhà Việt Nam tuổi thọ trung bình khoảng 60 tuổi.

Ông Chung thừa nhận voi H’plul chết là do làm việc quá sức, còn voi Buôn Nhang thuộc sở hữu của ông Y GLư Buôn Krông chết được xác định là do tuổi tác quá già, bộ phận tiêu hóa không hấp thu được thức ăn như những con voi trẻ, sức khỏe giảm sút trong khi đó phải chở khách du lịch. “Tôi rất buồn! Voi là voi của người ta, mình không thể xuống nói người ta phải như thế này, như thế kia… khổ vậy đó! Đúng ra một ngày voi chỉ phục vụ khách du lịch từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ thôi, và một tháng chỉ được phục vụ từ 10 đến 15 ngày, thời gian còn lại phải để cho voi nghỉ ngơi. Thời gian 3 đến 4 tiếng đồng hồ là kể cả thời gian từ khi nài voi đem voi ra đứng chờ trực khách du lịch, chứ không đơn thuần là chỉ thời gian chở khách”, ông Chung trăn trở.

Ông Chung cho rằng, hiện nay tại Đắk Lắk bên cạnh một số chủ voi có chế độ chăm sóc voi hợp lý, nhưng cũng có một số chủ voi cứ “thả trôi” voi, cho voi tự kiếm thức ăn, chứ không bổ sung thêm thức ăn cho voi. Điều này theo ông Chung vô hình chung đã làm giảm sức khỏe của voi, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến voi du lịch kiệt sức chết. “Voi sử dụng thức ăn rất nhiều, nếu tính trọng lượng thức ăn tươi đối với với một voi trưởng thành thì rơi vào 250 đến 350kg. Để voi đảm bảo sức khỏe thì mỗi ngày voi phải ăn được chừng đó thức ăn tươi…”, ông Chung nhấn mạnh.

Hiện trường

Nếu không kịp thời bảo tồn voi, dư luận nghi ngại những hình ảnh này trong tương lai sẽ không còn ở Đắk Lắk. (Ảnh – Viết Hảo).

Bảo tồn voi… vướng mắc kinh phí

Trong khi đó, ông Phạm Văn Láng - Phó giám đốc phụ trách mảng voi hoang dã Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết vướng mắc trong công tác bảo tồn voi Đắk Lắk hiện nay là kinh phí. Ông Láng nói: “Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk giai đoạn 2012-2020 được gửi ra Bộ NN&PTNT thẩm định từ tháng 10 năm 2012 để trình Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Để thực hiện dự án bảo tồn voi phải có nguồn vốn, trung ương phải phê duyệt dự án đã khi đó mới nói đến nguồn kinh phí. Hiện nay tỉnh vẫn đang cung cấp kinh phí để nuôi bộ máy và nhiều công tác khác liên quan đến bảo tồn voi”, ông Láng nói.

Theo ông Láng, phải có kinh phí mới có thể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ chăm sóc voi, bảo tồn voi. “Việc xây dựng khu chăn thả voi nhà ở huyện Lắk, huyện Buôn Đôn, rồi hỗ trợ chủ voi để giảm cho voi làm du lịch, tạo cơ hội cho voi sinh sản, công tác y tế, chăm sóc voi… Những việc này cần kinh phí lớn, tỉnh Đắk Lắk dù có muốn đầu tư, muốn quan tâm mạnh cũng khó”, ông Láng trăn trở.

Viết Hảo